Theo báo các của các Sở NN&PTNT, năm 2011 vùng Nam Bộ gieo trồng hơn 4,5 triệu ha lúa, sản lượng ước hơn 25 triệu tấn, so với năm 2010 tăng hơn 158.000 ha và hơn 1,8 triệu tấn. Diện tích và sản lượng tăng chủ yếu ở ĐBSCL, trong đó vụ thu đông chỉ tăng ở ĐBSCL và cũng tăng lớn nhất so với các vụ khác (đông xuân, hè thu, mùa) với diện tích tăng thêm hơn 132.000 ha, sản lượng hơn 741.000 tấn.
Nhưng lũ lớn cũng gây thiệt hại lớn cho vụ thu đông ở ĐBSCL. Theo Tổng cục Thủy lợi, lũ ĐBSCL năm nay tương đương năm 2.000, tính đến ngày 25-10 đã có hơn 23.000 ha lúa thu đông bị ngập, trong đó hơn 9.140 ha mất trắng. Hai tỉnh bị mất trắng lúa thu đông nhiều nhất là An Giang gần 5.500 ha, Đồng Tháp hơn 2.000 ha.
Ông Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng kết quả sản xuất lúa năm 2011 “có một số thành tựu trong canh tác”, rõ nhất là đã tăng được gần 2 triệu tấn lúa. Tuy nhiên, tình hình mở rộng diện tích lúa thu đông ở ĐBSCL vào năm có lũ lớn cũng đã bộc lộ rõ yếu kém trong quy hoạch mùa vụ nên sản xuất còn nhiều bấp bênh, khiến hàng nghìn hộ nông dân trắng tay. Theo ông Dư “quy hoạch sản xuất lúa thu đông chưa được thực hiện đầy đủ, phân vùng, ô bao sản xuất còn rời rạc”. Cả vùng ĐBSCL, mới hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang phân vùng, ô bao thủy lợi tương đối cụ thể nhưng lại bị nhiều thiệt hại, còn “một số tỉnh chưa thực hiện việc quy hoạch này”, ông Dư nói.
Hai tỉnh đầu nguồn lũ An Giang và Đồng Tháp có quy hoạch vụ thu đông và tập trung nhiều nguồn lực đắp đê bao ngăn lũ triệt để, nhưng vẫn bị thiệt hại lớn là do làm lúa ở vùng ngập sâu.
Kế hoạch của Bộ NN&PTNT “giữ vững và từng bước quy hoạch, đầu tư, mở rộng diện tích lúa thu đông ổn định ở mức 600.000 - 650.000 héc-ta trong những năm tới”. Riêng năm 2012, diện tích lúa thu đông ở ĐBSCL là 614.000 ha, giảm so với năm 2011 là 30.000 ha; vụ đông xuân cả vùng Nam Bộ cũng giảm hơn 11.000 ha.