Số người mắc ung thư ngày càng gia tăng, độ tuổi ngày càng trẻ nhưng phần lớn người bệnh tìm đến nhà thương khi bệnh đã quá nặng
Mỗi năm, Việt Nam có từ 130.000-160.000 trường hợp mắc mới ung thư, trong đó có khoảng 85.000-115.000 người tử vong do căn bệnh này (gấp 7-10 lần số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông). Tại hội thảo quốc gia phòng chống ung thư do Bộ Y tế và Hội Ung thư Việt Nam tổ chức gần đây, những lo ngại về gánh nặng mà ung thư gây ra một lần nữa được xới lên.
PGS-TS Trần Văn Thuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ung thư Việt Nam, cho biết xu thế mắc ung thư không ngừng gia tăng ở hầu hết các nước trên thế giới. Nếu năm 2000 Việt Nam chỉ ghi nhận hơn 6.900 ca ung thư phổi ở nam giới thì năm 2010 đã hơn 14.600 ca, dự báo năm 2020 sẽ gần 23.000 ca. Bệnh ung thư dạ dày cũng ngày càng phổ biến khi năm 2010 ghi nhận khoảng 10.000 ca, gấp đôi số ca mắc được phát hiện trước đó 10 năm. Bệnh ung thư vú ở nữ giới là hơn 5.500 ca (năm 2000) thì tới năm 2010 đã vọt lên 12.500 ca và dự báo từ 6 năm nữa trở đi sẽ trên 22.600 ca/năm.
Theo PGS-TS Bùi Diệu, Giám đốc Bệnh viện K trung ương, điều tra dịch tễ ở bệnh viện này cho thấy bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới là: phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, thực quản, vòm họng, tiền liệt tuyến, khoang miệng; ở nữ giới phải kể đến ung thư vú, dạ dày, phổi, cổ tử cung, đại trực tràng, tuyến giáp. Hầu hết bệnh nhân đều đến bệnh viện trong tình trạng u đã phát triển to, di căn ra nhiều bộ phận nên rất khó điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ Bệnh viện K trung ương, cho biết mức độ gia tăng bệnh nhân ung thư nhìn thấy rõ ràng qua từng năm. Tại khoa này, vài năm gần đây, số bệnh nhân ung thư tăng khoảng 30%/năm. Đối tượng mắc bệnh cũng thay đổi nhiều, không còn là bệnh của tuổi già mà đã “lan” sang người trẻ tuổi.
Cũng theo bác sĩ Bảo, trong quá trình điều trị, nhiều lúc bác sĩ bất ngờ vì phát hiện những bệnh nhân ung thư quá trẻ tuổi mà không rõ nguyên nhân từ đâu. Có những thanh niên ngoài 20 tuổi đã ung thư lưỡi, ung thư vòm họng giai đoạn muộn, trong khi tìm hiểu các yếu tố nguy cơ như bia rượu, thuốc lá, ăn trầu... thì hoàn toàn không thấy. Tỉ lệ này tiếp tục gia tăng khi môi trường ngày càng ô nhiễm, thực phẩm bẩn, trái cây tẩm độc... được phát hiện nhiều hơn.
Phân tích các nguyên nhân khiến ung thư tăng chóng mặt, GS-TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho rằng qua nhiều nghiên cứu dịch tễ học, các nhà khoa học phát hiện chỉ có dưới 10% bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể (rối loạn nội tiết, tổn thương gien có tính di truyền). Ngược lại, có từ 75%-80% là có liên quan đến môi trường sống (lối sống thiếu khoa học, các thói quen tập tục xấu như hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý). Thêm vào đó là một số yếu tố do bệnh nghề nghiệp và ô nhiễm môi trường.
Theo GS Đức, chế độ dinh dưỡng ít rau quả, nhiều thịt, mỡ động vật, thừa đạm và đặc biệt thức ăn có chứa chất bảo quản thực phẩm cũng trở thành “cơ chế” gây bệnh ung thư, nhất là ung thư dạ dày, đại tràng, gan…