Hơn 2.000 học sinh được chuyên gia gỡ rối vượt qua áp lực thi cử

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hơn 2.000 học sinh đã được các chuyên gia tâm lý học đường, chuyên gia tuyển sinh gỡ rối trong áp lực học tập và cuộc sống, từ đó có suy nghĩ tích cực hơn, dễ dàng định hướng cho tương lai bản thân.

Ngày 17/5, tại Trường THPT Tân An và THPT Hùng Vương (TP Tân An, tỉnh Long An) báo Tiền Phong phối hợp cùng AIA Việt Nam, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học Mở TPHCM và Ngân hàng Nam Á tổ chức chương trình “Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến trường học” với chủ đề “Giúp học sinh vượt qua áp lực thi cử”.

Hơn 2.000 học sinh được chuyên gia gỡ rối vượt qua áp lực thi cử ảnh 1

Các em học sinh vui tươi, hào hứng tham gia chương trình (ảnh: Phạm Nguyễn)

Bố mẹ kỳ vọng quá thành áp lực

Tại Trường THPT Tân An, Tuấn Khang học sinh lớp 12 bày tỏ nỗi lo lắng vì học quá nhiều, đặc biệt là áp lực từ bố mẹ khi luôn mong muốn con đạt điểm số cao. Cũng áp lực từ bố mẹ trong việc học, Huyền My học sinh Trường THPT Hùng Vương cho hay, dù đã 11 năm luôn học sinh giỏi nhưng bố mẹ vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn và kỳ vọng cao hơn.

Trong khi đó, một em học sinh khác chia sẻ câu chuyện bất đồng quan điểm trong chọn nghề với gia đình khi bản thân thích học các ngành học liên quan đến kiến trúc, thiết kế nhưng bố mẹ lại hướng theo học sư phạm. “Bố mẹ em đang là giáo viên nên luôn định hướng em đi theo nghề trong khi đó em không hề yêu thích nghề này, sở thích của em là theo học kiến trúc. Em hiện tại rất áp lực và lo lắng”, nữ sinh này chia sẻ.

Hơn 2.000 học sinh được chuyên gia gỡ rối vượt qua áp lực thi cử ảnh 2

Học sinh chia sẻ, bày tỏ những vấn đề, câu chuyện của bản thân đang gặp phải để nhờ các chuyên gia hỗ trợ (ảnh: Phạm Nguyễn)

Liên quan đến trường hợp này, TS tâm lý Nguyễn Hữu Long – giảng viên Trường ĐH Mở TPHCM bày tỏ sự đồng cảm bởi bố mẹ nào cũng thương con, luôn muốn con mình có được tương lai tốt đẹp nên kỳ vọng chúng ta phải học thật giỏi, hướng chúng ta đi theo con đường mà bố mẹ có thể giúp được sau khi ra trường.

“Tuy nhiên, với trường hợp này, các em cần phải ngồi lại phân tích xem thực sự sở thích của mình có phù hợp và đủ đam mê để theo đuổi hay không? Nếu thật sự đủ thì hãy tìm hiểu thật kỹ về chương trình học, cơ hội nghề nghiệp về sau thật kỹ rồi lựa thời điểm thích hợp để chia sẻ và thuyết phục bố mẹ từ từ”, TS Long mách nước và cho hay, với trường hợp này, các em càng phản kháng, càng chống đối mạnh chừng nào thì càng tác dụng ngược chừng đó.

TS Long cũng nói thêm, hiện nay nhiều em học sinh đang tự cho mình bị overthinking vì những áp lực như học tập, thi cử, quan hệ bạn bè, gia đình… Tuy nhiên, các em cần phân tích kỹ, không phải cứ gặp áp lực là cho rằng mình đang overthinking và không phải lúc nào có áp lực là cũng xấu cả.

Hơn 2.000 học sinh được chuyên gia gỡ rối vượt qua áp lực thi cử ảnh 3

Các em học sinh hào hứng tham gia chương trình (ảnh: Phạm Nguyễn)

“Khi gặp áp lực hay overthinking, các em cần đối diện trực tiếp với nó và giải nó dứt điểm, đây là chiến lược thể hiện bản lĩnh của mình. Nếu không làm được, các em có thể nhờ thầy cô, bạn bè, gia đình, thậm chí với chuyên gia tư vấn tâm lý. Đừng để tự mình ôm mãi nó, như vậy vấn đề sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và các mối quan hệ xung quanh…”, TS Long khuyên.

Đừng chủ quan với kỳ thi tốt nghiệp THPT

Ngoài các áp lực nêu trên, tại chương trình nhiều em còn bày tỏ khó khăn trong việc chọn lựa ngành học, trường học. Thậm chí có em cho biết đã trúng tuyển sớm vào nhiều trường đại học nhưng việc lựa chọn này lại theo bạn bè chứ bản thân chưa thể định hướng được.

Trước những trường hợp này, Thạc sĩ Ngô Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho hay, tính đến thời điểm này, các em chỉ còn hơn 1 tháng để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và 2 tháng để đăng ký nguyện vọng chọn ngành, chọn trường trên Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT.

Hơn 2.000 học sinh được chuyên gia gỡ rối vượt qua áp lực thi cử ảnh 4

Hai chuyên gia là TS Nguyễn Hữu Long và Ths Ngô Trí Dũng tư vấn, giải đáp cho các em học sinh (ảnh: Phạm Nguyễn)

Tuy nhiên, nhiều em đã trúng tuyển sớm các trường đại học thậm chí là đã cầm giấy báo trúng trên tay song như thế là chưa đủ. “Các em đừng vội chủ quan, nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới các em không vượt qua được thì tờ giấy báo trúng tuyển đang cầm trên tay cũng không có giá trị gì”, ông Dũng nói và khuyên các em nên tập trung tốt cho kỳ thi bởi kết quả của kỳ thi này ngoài giá trị về mặt tốt nghiệp THPT thì cũng được các trường đại học sử dụng để tuyển sinh đầu vào.

Về câu chuyện lựa chọn nghề nghiệp theo bạn bè, ông Dũng dẫn chứng tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng có nhiều sinh viên sau khi kết thúc năm đầu thì mong muốn được chuyển ngành. “Trò chuyện với các em thì mới biết là thời điểm chọn ngành để học, các em đang phân vân không biết chọn ngành gì thì bị bạn bè rủ rê học cùng và thế là lựa chọn theo. Học được một thời gian thì cảm thấy không phù hợp, chán nản. Việc lựa chọn sai khiến các bạn vừa tốn thời gian, tiền bạc, nếu tâm lý không vững có thể suy nghĩ tiêu cực và không có lối thoát”, ông Dũng kể.

Hơn 2.000 học sinh được chuyên gia gỡ rối vượt qua áp lực thi cử ảnh 5

Ban tổ chức tặng hoa cảm ơn các diễn giả đồng hành cùng chương trình (ảnh: Phạm Nguyễn)

Do đó, để không chọn sai ngành, ông Dũng khuyên các em học sinh trước tiên phải xác định được ước mơ nghề nghiệp của mình là gì. Từ đó mới tìm hiểu ngành học nào phù hợp với ngành nghề đó sau khi ra trường. “Sau khi chọn được ngành học phù hợp, nếu mong muốn học trường nào thì học sinh nên tìm hiểu thật kỹ, thậm chí là đến trực tiếp trường đó xem cơ sở vật chất ra sao; chương trình học như thế nào; quá trình học có các hoạt động gì bổ ích cho sinh viên không… đặc biệt là học phí cần phải nắm rõ”, ông Dũng khuyên.

Chương trình “Hỗ trợ tâm lý học đường – Đưa chuyên gia đến với trường học” là một phần trong khuôn khổ dự án "Trường học Lành mạnh nhất AIA" mà AIA Việt Nam đang thực hiện từ tháng 8/2022.

Dự án nhằm hướng đến những thói quen sống khỏe bằng việc khuyến khích chế độ ăn uống lành mạnh, xây dựng lối sống năng động và tạo dựng sự bền vững trong môi trường học đường.

MỚI - NÓNG
Tân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: 'Nhận trọng trách mới vừa mừng lại vừa rất lo lắng'
Tân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: 'Nhận trọng trách mới vừa mừng lại vừa rất lo lắng'
TPO - Tân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng chia sẻ, khi được giao nhận trọng trách thì vừa mừng lại vừa rất lo lắng. Mừng là vì đã được Đảng bộ, nhân dân tin tưởng giao phó, nhưng rất lo lắng là chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức, trước những biến cố lớn đã và đang xảy ra ở nhiều nơi trong cả nước.