Hơn 108 nghìn ca mắc COVID-19 đang diễn biến nặng

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Đến nay cả thế giới có 142.661.533 ca mắc COVID-19, trong đó 121.080.171 ca đã khỏi bệnh; 3.041.788 ca tử vong và 18.539.574 điều trị (108.195 ca diễn biến nặng).

Đến nay cả thế giới có 142.661.533 ca mắc COVID-19, trong đó 121.080.171 ca đã khỏi bệnh; 3.041.788 ca tử vong và 18.539.574 điều trị (108.195 ca diễn biến nặng)Trong 12 giờ qua, số ca mắc của thế giới tăng 594.599 ca, tử vong tăng 7.376 ca.

Ấn Độ vẫn là nước có số ca mắc nhiều nhất trong ngày với 256.947 ca mắc; sau đó Thổ Nhĩ Kỳ 55.149 ca; Mỹ 43.376 caTại Đông Nam Á, trong ngày 19/4, Indonesia tăng 4.952 ca, Philippines tăng 9.628 ca, Malaysia tăng 2.078 ca, Thái Lan tăng 1.390 ca; Campuchia 624 ca; Singapore 20 ca; Myanmar 16 ca.

Tại Việt Nam, tính đến 16 giờ ngày 19/04/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại 22 tỉnh/TP cho 80.857 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, công an, bộ đội.Chi tiết 3.812 người được tiêm tại 13 tỉnh/TP trong ngày 19/04/2021 như sau: Đợt 1: 822 người gồm Hà Nội: 67 người; Quảng Ninh: 472 người; TP Hồ Chí Minh: 283 người.

Đợt 2: 2.990 người gồm: Quảng Ninh: 401 người; Bắc Ninh: 936 người; Cao Bằng: 107 người; Thừa Thiên Huế: 434 người; Phú Yên: 966 người; TP Hồ Chí Minh: 91 người; Cần Thơ: 55 ngườiNgày hôm qua, TP Cần Thơ, Thừa Thiên-Huế bắt đầu triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Đến 6h sáng ngày 20/4, có tổng cộng 1570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca, riêng Hải Dương có 726 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).

10 tỉnh, thành phố (Hoà Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh) đã 66 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng;

Hà Nội 63 ngày và Hải Phòng 56 ngày, Hải Dương đã 26 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 40.150, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 531

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 24.361

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 15.258.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế: tổng số bệnh nhân khỏi bệnh ở nước ta đến nay là 2.475 /2.791

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước hiện có 45 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 11 ca âm tính lần 1; Số ca âm tính lần 2: 16 ca; số ca âm tính lần 3 là 18 ca.

Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).

Thông tin mới nhất về sức khỏe 2 ca mắc COVID-19 tại Nghệ An

Theo bác sĩ Lê Xuân Hồng – Giám đốc BVĐK khu vực Tây Nam (Nghệ An) cho biết, hiện 2 bệnh nhân BN 2766 và BN 2767 đang được cách ly, điều trị tại bệnh viện. Sức khỏe và tâm lý của 2 bệnh nhân hiện đều rất tốt, không có biểu hiện sốt.

Trước đó, tối ngày 14/4, Nghệ An đã tiếp nhận 224 công dân Việt Nam nhập cảnh từ Nhật Bản về thực hiện cách ly y tế phòng, chống dịch COVID-19.

Sáng ngày 15/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho 224 công dân. Qua xét nghiệm RT-PCR đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Chiều 16/4, Bộ Y tế công bố xác định 2 trường hợp này là BN 2766 và BN 2767.

Liên quan đến hoạt động xét nghiệm cho các trường hợp F1 liên quan tới 2 BN 2766 và BN 2767, BS Nguyễn Văn Định - Giám đốc CDC tỉnh Nghệ An cho biết: 21 trường hợp F1 của 2 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm lần 1 là âm tính với SARS-CoV-2 và ngày 19/4 CDC Nghệ An tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần 2 đối với 224 công dân về từ Nhật Bản.

Hải Dương: Áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới

Mặc dù tỉnh Hải Dương đã trở về trạng thái bình thường mới, nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, tuy nhiên không vì thế mà chủ quan lơ là. Các ngành, các cấp phải tiếp tục đề cao cảnh giác, không được coi thường dịch bệnh, xác định chống dịch là cuộc chiến lâu dài và cần áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp trong trạng thái “bình thường mới”.

Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành văn bản số 1266/UBND -VP về việc triển khai thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong trạng thái bình thường mới trên địa bàn.

Tại văn bản nêu rõ các nội dung sau: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là vì dịch bệnh có thể xuất hiện trở lại ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời điểm nào; chủ động ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trong mọi tình huống với phương châm “4 tại chỗ”.

Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền toàn dân thực hiện nghiêm túc “thông điệp 5K” của Bộ Y tế; bắt buộc đeo khẩu trang khi ra đường và ở nơi công cộng; tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Tiếp tục duy trì hoạt động của các Tổ COVID cộng đồng và Tổ an toàn COVID trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm 100% các đối tượng có biểu hiện ho, sốt, khó thở trong cộng đồng, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm khâu sàng lọc, phân luồng, cách ly và cho xét nghiệm toàn bộ các trường hợp nghi ngờ. Tuyệt đối không để lọt những người nguy cơ xâm nhập vào bên trong bệnh viện. Rà soát các khoa có người bệnh có nguy cơ cao như hồi sức tích cực, khoa điều trị người cao tuổi, chạy thận nhân tạo, tim mạch, hô hấp... Kiểm soát chặt người vào – ra, hạn chế tối đa việc người nhà chăm sóc người bệnh.

Tiếp tục tạm dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh như: quán bar, vũ trường, karaoke, massage, rạp chiếu phim, quán game, internet công cộng cho đến khi có thông báo mới.

Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh vào địa bàn tỉnh; tổ chức cách ly, xét nghiệm SARS-CoV-2 theo đúng các qui định Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế và của tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Lao động Thương binh & Xã hội, Sở Giáo dục & Đào tạo, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ trì phối hợp với các sở, ngành thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá các doanh nghiệp, trường học trên địa bàn theo các Bộ tiêu chí an toàn phòng chống COVID-19, đơn vị nào không đảm bảo an toàn đề nghị tạm dừng hoạt động để khắc phục.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.