Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp Các bon thấp được thực hiện trên cơ sở Hiệp định vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam ký ngày 7/3/2013.
Dự án do Bộ NN&PTNT thực hiện tại 10 tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định, Hà Tĩnh, Bình Định, Tiền Giang, Bến Tre và Sóc Trăng. Sau hơn 4 năm triển khai, Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp Các bon thấp (LCASP) đã khẳng định hiệu quả trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo nguồn năng lượng sạch, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
Nhằm hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư vào những công nghệ xử lý toàn diện chất thải chăn nuôi LCASP, Ban quản lý Dự án LCASP đã tiến hành tổ chức sự kiện “Thúc đẩy tín dụng đầu tư cho các giải pháp toàn diện trong xử lý chất thải chăn nuôi” tại 10 tỉnh thuộc vùng Dự án.
Tham gia hội thảo có đại diện Dự án hỗ trợ nông nghiệp Các bon thấp Trung ương và địa phương; Đại diện các ngân hàng tại địa phương; các chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi và xử lý môi trường trong chăn nuôi. Đặc biệt, chuỗi hội thảo lần này đã thu hút hơn 1.000 hộ, trang trại chăn nuôi tham dự.
Tại chuỗi sự kiện truyền thông lần này, cán bộ Dự án LCASP đã giới thiệu về Dự án, về mô hình xử lý toàn diện chất thải chăn nuôi và các công nghệ được ứng dụng trong mô hình như: hầm khí sinh học, hệ thống máy tách ép phân, máy phát điện, hệ thống bơm tưới tiết kiệm sau biogas…và những lợi ích vượt trội về môi trường, kinh tế khi áp dụng mô hình này.
Tính toán hiệu quả đầu tư ở một trang trại chăn nuôi lợn thịt điển hình ở Bắc Giang cho thấy: Chi phí đầu tư một hệ thống tách chất thải để thu hồi chất thải rắn làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ khoảng 400 triệu đồng, hệ thống phát điện khí sinh học 377 triệu đồng và 65,8 triệu đồng cho hệ thống bể xử lý nước thải sau bioga và bơm tưới tiết kiệm cho cây trồng.
Tuy nhiên, chi phí thu lại từ đầu tư đã được các chuyên gia tính toán cụ thể, bao gồm lợi nhuận từ bán nguyên liệu phân hữu cơ tối thiểu là 118 triệu đồng/năm cho chủ trang trại có quy mô khoảng 2.000 lợn thịt; 180 triệu đồng/năm (tương đương 15 triệu đồng/tháng) từ tiết kiệm tiền điện lưới và 20 triệu đồng/năm tiết kiệm từ giảm sử dụng phân bón hóa học cho cây trồng, chưa kể hàng trăm ngày công lao động.
Điều kiện để áp dụng các công nghệ trên là: Công nghệ máy tách phân phải áp dụng với trang trại tối thiểu 2.000 heo hoặc trang trại bò có lượng chất thải tương đương; Công nghệ máy phát điện phải áp dụng cho các trang trại có nhu cầu sử dụng điện tối thiểu 30 triệu đồng/ tháng; Công nghệ sử dụng nước thải sau bioga để tưới cho cây trồng phải áp dụng ở những trang trại có diện tích trồng trọt lân cận đủ lớn.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế nông nghiệp, nếu đầu tư theo mô hình xử lý chất thải chăn nuôi của dự án LCASP thì tỷ suất lợi nhuận tối thiểu là 20% một năm. Tùy theo điều kiện cụ thể, chủ trang trại có thể áp dụng 1, 2 hoặc cả 3 công nghệ nói trên để có được hiệu quả xử lý môi trường bền vững.
Tỷ suất lợi nhuận của đầu tư công nghệ máy tách phân còn phụ thuộc nhiều vào thị trường đầu ra của phân ép. Trong khi thị trường phân ép khá phát triển tại các tỉnh phía Bắc (giá bán phân ép đầu ra từ 800- 1.000 đồng/kg) thì thị trường phân ép tại các tỉnh miền Trung và miền Nam còn chưa thực sự phát triển, do bà con nông dân chưa có tập quán ủ phân để bón cho cây trồng.
Thời gian tới, dự án LCASP sẽ phối hợp cùng với các bên có liên quan tại tỉnh để xây dựng chuỗi giá trị thu gom, sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi cho các tỉnh miền Trung và miền Nam nhằm tăng cường thị trường đầu ra cho sản phẩm phân ép.
Mặc dù các công nghệ do dự án giới thiệu có tỷ suất lợi nhuận khá cao nhưng vẫn thấp hơn so với tỷ suất lợi nhuận khi đầu tư vào chăn nuôi và các ngành sản xuất khác. Chính vì vậy, Dự án LCASP cũng đã bố trí nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT và Ngân hàng Hợp tác để hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư xử lý môi trường.
Cũng trong chuỗi hội thảo này, đại diện định chế tài chính tham gia giải ngân nguồn vốn tín dụng cũng phổ biến các chính sách hỗ trợ tín dụng để xây dựng các công trình khí sinh học và các hạng mục môi trường đi kèm; các gói tín dụng để đầu tư, phát triển chăn nuôi nói chung…Đây cũng là nội dung được đông đảo bà con chăn nuôi quan tâm và đặt ra nhiều câu hỏi.
Có thể nói, chuỗi sự kiện đã mang đến cho bà con nhiều thông tin bổ ích về các giải pháp xử lý chất thải và giải đáp nhiều thắc mắc xoay quanh lãi suất, kỳ hạn…về gói tín dụng LCASP và các khoản vay để phát triển chăn nuôi.
Ông Lê Ngọc Oanh, Bí Thư chi bộ, trưởng khu dân sư số 2, thị trấn Phong Châu, Phú Thọ cho biết: “Chất thải trong chăn nuôi ở khu dân cư chưa được xử lý triệt để nên gây ô nhiễm cho môi trường sống. Hội thảo lần này thực sự hữu ích với bà con nông dân, tôi sẽ về tuyên truyền cho bà con để bà con áp dụng mô hình xử lý toàn diện chất thải của dự án để giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo cuộc sống của người dân”.