Hôm nay, xét xử ông Phan Văn Vĩnh và 91 đồng phạm

Ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa hầu tòa vào hôm nay 12/11
Ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa hầu tòa vào hôm nay 12/11
TP - Hai cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị cáo buộc dùng chức vụ, quyền hạn để bảo kê, cho tội phạm công nghệ cao. Được che chắn, các bị cáo còn lại trong đường dây nhanh chóng xây dựng hệ thống game đánh bạc trực tuyến, thu lời bất chính gần 10.000 tỷ đồng.

Nghiêm minh, khách quan

 Sáng nay (12/11), TAND tỉnh Phú Thọ đưa 92 bị cáo (85 người tại ngoại) trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ trên mạng ra hầu tòa về 6 tội danh. Cụ thể, ông Phan Văn Vĩnh - nguyên Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và ông Nguyễn Thanh Hóa - nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tiếp đến, 4 bị cáo hầu tòa về tội “Rửa tiền” gồm Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam, Đoàn Thị Thu Hà, Phan Thu Hương; 10 bị cáo bị truy tố tội “Mua bán trái phép hóa đơn”; 44 trường hợp hầu tòa về tội “Đánh bạc”; 40 trường hợp bị truy tố tội “Tổ chức đánh bạc”; 1 người bị truy tố về tội “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Ngoài ra, tham dự phiên tòa còn có hơn 30 luật sư, 14 nhân chứng, 73 cá nhân hoặc pháp nhân là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm cả 3 nhà mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone… HĐXX vụ án gồm 5 người và có thêm 1 thẩm phán, 2 hội thẩm, 2 thư ký dự khuyết; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử là 4 cán bộ của VKSND tỉnh Phú Thọ… Khoảng 500 cảnh sát cũng được huy động để đảm bảo an ninh trật tự. 

Lãnh đạo TAND tỉnh Phú Thọ cho biết đây là một vụ án lớn, có rất nhiều bị cáo, trong đó có một số là những người có trình độ, học vấn, địa vị cao. Vì vậy, HĐXX đã tập trung nghiên cứu kỹ hồ sơ để có thể làm rõ các tình tiết, điều hành tốt phiên tòa và xử lý vụ án khách quan, toàn diện.

Ngoài ra, HĐXX chỉ tuân thủ pháp luật, không bị phụ thuộc vào bất cứ tác động nào khác để đưa ra bản án hoặc quyết định một cách độc lập, đảm bảo tính nghiêm minh, đúng người, đúng tội…

Dùng Cty bình phong đánh bạc

Theo truy tố, năm 2011, được Phan Văn Vĩnh giới thiệu, Nguyễn Văn Dương đã gặp và cùng Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa thành lập CNC - Cty bình phong cho C50. Năm 2015, Phan Sào Nam đề nghị và được bị cáo Dương đồng ý phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến trên mạng internet bằng hình thức game bài, có thể đổi tiền thật thành tiền “ảo” qua thẻ cào điện thoại và ngược lại.

Nguyễn Văn Dương đã chỉ đạo thuê tên miền, đăng ký tin nhắn thương hiệu, xây dựng cổng thanh toán kết nối với Cay HomeDirect, Cty VNPT EPAY, Cty Ngân Lượng… nhằm vận hành, đối soát sản lượng doanh thu từ hành vi tổ chức đánh bạc, thu lời bất chính hơn 1.655 tỷ đồng. Số tiền này, ông Dương khai đã mua cho C50 một phần mềm trị giá 30.000 USD, tặng 850 triệu đồng; cho ông Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng; cho ông Phan Văn Vĩnh 27 tỷ đồng và hơn 1,7 triệu USD…

Bị cáo Phan Sào Nam giữ vai trò chỉ huy nhóm đối tượng thuộc Cty VTC Online và Cty Nam Việt vận hành game bài tổ chức đánh bạc, thu lời hơn 1.475 tỷ đồng. Có tiền, ông Nam chuyển lòng vòng qua nhiều nấc trung gian để gửi tiết kiệm, đầu tư dự án, mua nhà đất… để “rửa” số tiền do phạm tội mà có. Đến nay, bị cáo đã giao nộp gần 800 tỷ đồng, 2 căn nhà, 5 ô tô…

Tổng cộng, sau 28 tháng vận hành chương trình phần mềm và giải pháp công nghệ có tích hợp game bài, các bị cáo đã xây dựng một hệ thống gồm 25 đại lý cấp 1; 5.877 đại lý cấp 2 để cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngượi lại. Hệ thống này đã lôi kéo gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc trực tuyến, thu lời bất chính hơn 9.853 tỷ đồng.

Trong đó, các nhà mạng được hưởng lợi hơn 1.232 tỷ đồng bằng việc phát hành thẻ cào điện thoại gồm Viettel hơn 913 tỷ đồng, Vinaphone hơn 147 tỷ đồng, Mobifone hơn 171 tỷ đồng. Theo cơ quan truy tố, các nhà mạng được trừ đi tiền thuế, tiền chiết khấu cho đại lý bán thẻ trước khi giao nộp tiền thu lời bất chính.

Hai tướng công an “bảo kê” đánh bạc

Cơ quan truy tố xác định, các bị cáo Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa có vai trò quyết định việc sống còn của game đánh bạc do Nguyễn Văn Dương và đồng phạm xây dựng. Hành vi của 2 nguyên tướng công an có dấu hiệu bảo kê, nhận hội lộ trong đó ông Vĩnh có vai trò chỉ huy, ông Hóa là người thực hành tích cực.

Cụ thể, ông Vĩnh đã công nhận CNC là cty bình phong trái quy định và cho Cty này thuê trụ sở của Tổng cục Cảnh sát để vận hành game đánh bạc. Khi hoạt động đánh bạc trá hình bị phát hiện, Bộ Công an đã yêu cầu báo cáo nhưng Trung tướng Phan Văn Vĩnh không chấp hành. Bị nhắc nhở, ông Vĩnh cố tình báo cáo sai sự thật đồng thời đề nghị Bộ TT&TT cấp giấy phép cho Cty CNC vận hành game đánh bạc.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Hóa đã đề nghị cho Cty CNC thuê trụ sở tại Tổng cục Cảnh sát nhằm ngăn cản cấp dưới hoặc cơ quan khác xác minh, xử lý Nguyễn Văn Dương. Ông Hóa cũng báo cáo không trung thực tới Bộ Công an về hoạt động đánh bạc trá hình của CNC, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của lực lượng công an.

Cả 2 bị cáo trên đều cho rằng hành vi của mình nhằm tạo nguồn thu rồi: “phục vụ xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm là một nhiệm vụ chiến lược của Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao”. Tuy nhiên, CNC tổ chức đánh bạc trong hơn 2 năm, thu gần 10.000 tỷ đồng nhưng chỉ cho C50 đúng 700 triệu đồng và 1 phần mềm diệt virut.

Quá trình điều tra, ông Phan Văn Vĩnh phủ nhận việc cầm từ Nguyễn Văn Dương hàng chục tỷ đồng, khai chỉ nhận áo sơ mi, thuốc bổ gan và được Dương hỗ trợ 1,1 tỷ đồng cho các chương trình giao lưu, làm từ thiện; chi rượu trong một số buổi tiếp khách của Tổng cục Cảnh sát. Bị cáo Dương khai, khi tới các buổi tiệc của Tổng cục Cảnh sát, Dương đều mang rượu theo với tổng giá trị khoảng 10 tỷ đồng. 

Cơ quan điều tra cho rằng, chưa đủ căn cứ khẳng định các ông Vĩnh, Hóa hưởng lợi cá nhân trong vụ án, hành vi của 2 người dừng ở mức lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Các lời khai của Nguyễn Văn Dương cùng những vi phạm của một số tổ chức khác sẽ được tiếp tục làm rõ để xử lý ở giai đoạn sau của vụ án.

Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định một số cán bộ trong ngành công an được xác định có liên quan đến hành vi phạm tội của các ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa nhưng chưa tới mức xử lý hình sự nên đã đề nghị Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định của Đảng, của lực lượng. VKSND tỉnh Phú Thọ đồng tình quan điểm này.

Ngày 10/11, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng yêu cầu các cơ quan chức năng cần nỗ lực, cố gắng hơn nữa, phối hợp tốt hơn, phấn đấu hết năm 2018 kết thúc điều tra 8 vụ án; ban hành cáo trạng truy tố 3 vụ án; xét xử sơ thẩm 2 vụ án; xét xử phúc thẩm 5 vụ; kết thúc xác minh 33 vụ việc theo kế hoạch. Trong đó, cần tập trung chỉ đạo hoàn thành xét xử nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật một số vụ trong đó có vụ án“Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc”, “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Rửa tiền” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại Phú Thọ và một số địa phương......

Quá trình điều tra, ông Phan Văn Vĩnh phủ nhận việc cầm từ Nguyễn Văn Dương hàng chục tỷ đồng, khai chỉ nhận áo sơ mi, thuốc bổ gan và được Dương hỗ trợ 1,1 tỷ đồng cho các chương trình giao lưu, làm từ thiện; chi rượu trong một số buổi tiếp khách của Tổng cục Cảnh sát. Bị cáo Dương khai, khi tới các buổi tiệc của Tổng cục Cảnh sát, Dương đều mang rượu theo với tổng giá trị khoảng 10 tỷ đồng. 

MỚI - NÓNG