10 bị cáo phải hầu toà với hai tội danh: Tham ô tài sản và Không tố giác tội phạm.
Bùi Tiến Dũng trong phiên sơ thẩm năm 2007. Ảnh: B.Thắng |
Trước đó, cáo trạng của Viện KSNTD Tối cao khẳng định, dự án xây dựng cầu Bãi Cháy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư bằng nguồn vốn vay Nhật Bản và vốn đối ứng của Việt Nam từ ngân sách Nhà nước. Bộ GTVT là chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý các dự án 18 (PMU 18). Phòng triển khai dự án 6 (PID6) thuộc PMU 18 do Phạm Tiến Dũng làm trưởng phòng.
Lợi dụng vai trò là đơn vị quản lý dự án thay mặt chủ đầu tư, khi triển khai công việc được giao, Phạm Tiến Dũng phát hiện sơ hở trong việc quản lý và chi trả lương cho các nhân viên tư vấn bổ sung tại các gói thầu nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền lương của nhân viên tư vấn.
Để thực hiện hành vi phạm tội, Phạm Tiến Dũng đã chủ động liên hệ, gặp gỡ Bùi Tiến Dũng để “xin ý kiến” về việc lập danh sách nhân viên tư vấn bổ sung khống, sau đó, Phạm Tiến Dũng bàn bạc với thuộc cấp (Phó Phòng PID6) lập danh sách 8 nhân viên tư vấn khống ở gói thầu 2 và 18 nhân viên khác ở gói thầu 3 và 1.
Bằng hành vi gian dối này, từ tháng 8-2003 đến tháng 2-2007, Phạm Tiến Dũng cùng đồng phạm đã rút được hơn 3,4 tỷ đồng tiền lương của 26 nhân viên tư vấn “ảo”.
Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, liên quan đến hành vi tham ô xảy ra ở dự án xây dựng cầu Bãi Cháy, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Viện KSND Tối cao, trong đó khẳng định, nguồn vốn đầu tư xây dựng cầu Bãi Cháy do Bộ GTVT làm chủ đầu tư không bị thiệt hại. Văn bản này có đoạn:
“Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Ban quản lý dự án 2 đã tạm thanh toán cho nhân viên tư vấn bổ sung dựa theo đề nghị của nhà thầu và có xác nhận của kỹ sư tư vấn”.
Bên cạnh đó, để khẳng định thành viên Ban quản lý dự án 2 đã “khắc phục hậu quả” từ các khoản tiền lương của nhân viên tư vấn, Bộ GTVT một lần nữa nhấn mạnh: “Ban quản lý dự án 2, kỹ sư tư vấn và các nhà thầu đã tiến hành rà soát, khấu trừ lại khoản chi này ra khỏi hợp đồng nên nguồn vốn đầu tư xây dựng cầu Bãi Cháy do Bộ GTVT làm chủ đầu tư không bị thiệt hại”.
Một điều đáng chú ý là, ngày 20-6-2007, Ban quản lý dự án 2 đã yêu cầu nhà thầu, tư vấn rà soát và khấu trừ tiền lương nhân viên tư vấn bổ sung khống đã chi trả cho nhà thầu trong 3 gói thầu (hành vi này có trước thời điểm cơ quan CSĐT khởi tố vụ án vào ngày 7-8-2007).
Theo các chuyên gia luật, việc Bộ GTVT khẳng định các khoản chi tiền lương khống đã cho ra khỏi hợp đồng và không ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư dự án cầu Bãi Cháy được coi là một tình tiết rất quan trọng trong vụ án.
Nó có thể được hiểu, hành vi “rút ruột” kinh phí dự án trên đã không còn nguy hiểm, không gây thiệt hại, Ban quản lý dự án đã nhận ra những sai sót và đã khắc phục bằng việc rà soát và thu hồi lại toàn bộ số tiền nói trên, và nhất là, nó xảy ra trước khi cơ quan công an khởi tố vụ án.
Theo phân tích của giới luật học, rất có thể, vụ án sẽ bị hoãn, trả hồ sơ điều tra bổ sung bởi, nếu phía Bộ GTVT đã khẳng định, nguồn vốn xây dựng cầu Bãi Cháy không bị ảnh hưởng, thất thoát, vậy số tiền mà các chức sắc trong Ban quản lý dự án 2 đã chi trả tiền lương nhân viên tư vấn bổ sung là của ai? Người bị thiệt hại trong vụ án này là ai?