Tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2010 chiều 19-2 - Ảnh: P.V |
Năm ngoái, lễ hội Tịch điền Đọi Sơn lần đầu tiên được phục dựng (mang tính chất thử nghiệm - PV), tại chính vùng đất bắt đầu nghi lễ này từ thời Lê Hoàn (trị vì từ năm 980 - 1005), tương truyền vào năm 987.
Theo Ban tổ chức, hôm nay (ngày 20-2), tức mùng 7 Tết Canh Dần), sẽ chính thức diễn ra lễ Tịch điền với sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Lễ Tịch điền nhằm tái hiện hình ảnh vua đi cày bên cạnh những chú trâu được vẽ trang trí nhiều màu sắc.
Bên cạnh lễ Tịch điền các hoạt động đặc sắc khác của lễ hội đã được tổ chức như: Màn đánh trống Chiêu Hội của các nghệ sỹ đến từ làng trống nổi tiếng Đọ Tam; giải vật mùa xuân thượng võ làng Liễu Đôi; chơi đu, hát chèo; hội thi vẽ, trang trí trên mình trâu…
Lễ Tịch điền Đọi Sơn là một lễ hội cổ ra đời từ thời vua Lê Đại Hành với ý nghĩa động thổ nền nông nghiệp trong năm mới và cầu mùa màng bội thu. Trong Lễ Tịch điền không thể thiếu hình ảnh con trâu. Trong tín ngưỡng và truyền thống Việt Nam con trâu vốn tượng trưng cho cơ nghiệp, là đại diện cho nền nông nghiệp lúa nước.
* Sáng 19-2 (tức mùng 6 Tết), tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội diễn ra Lễ hội Đền Hai Bà Trưng thu hút hàng nghìn khách thập phương về tham dự.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch danh dự của Lễ hội cùng lãnh đạo TP Hà Nội về dâng hương.
Phát biểu tại lễ hội, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định: “Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là tài sản vô giá của dân tộc về lòng yêu nước, ý chí quật cường không chịu khuất phục, sự quyết tâm làm chủ cao nhất của một dân tộc bị áp bức, về trách nhiệm nợ nước thù nhà phải trả của con người Việt Nam. Điều đó đã giáo dục ý thức hệ cho lớp lớp con cháu Việt Nam”.
Lễ hội kéo dài đến mùng 8 Tết.