Hội Văn nghệ Việt Nam tại Nga rất thực chất

Hội Văn nghệ Việt Nam tại Nga rất thực chất
TP - Nhà văn Bùi Ngọc Tấn vừa về Việt Nam, sau chuyến “du hành” Nga gần 1 tháng, theo lời mời của các bạn đọc hâm mộ, ông đã chia sẻ về đất nước và con người Nga, về hoạt động văn chương của người Việt trên đất nước rộng lớn có bề dầy văn hóa này.

Cảm giác của ông khi lần đầu tiên đặt chân tới nước Nga?

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn (NV BNT): Tôi yêu nước Nga và văn học Nga từ thời kháng chiến chống Pháp, nghĩa là thời gian còn đang học cấp 3. Trước đó gần như chỉ biết đến văn học Pháp. Tình yêu văn học Nga, tình yêu đất nước Nga ngấm vào tôi đến nỗi nó toát ra trong sáng tác của tôi một cách không tự giác, dù tôi viết về Việt Nam, về cuộc đời tôi, về tình yêu của tôi.

Một trong số những người đọc tôi  không chỉ nhận ra tình yêu ấy của tôi với nước Nga với văn học Nga, mà còn nhận ra tình yêu ấy là một trong những nguyên nhân tạo nên bước ngoặt, những hệ luỵ trong cuộc đời tôi. Người bạn đọc trẻ ấy thương tôi, chia sẻ sự mất mát của tôi và tạo mọi điều kiện để tôi tới được nước Nga, tận mắt nhìn thấy nước Nga. Đó là chị Lan Hương ở Moscow.

Tôi cảm ơn Lan Hương và đánh giá chị rất cao.

Khi đặt chân lên nước Nga, đó là mơ ước được thực hiện. Tôi tới Nga ban đêm, sáng hôm sau nhìn qua cửa kính, tôi thấy những chiếc lá đầu tiên của rặng phong non bên kia đường đã có sắc vàng báo hiệu một thu vàng đang tới.

Vậy ông đã thăm được những nơi nào? Cách nhìn của ông về thiên nhiên, kiến trúc và văn hóa Nga?

NV BNT:  Tôi chỉ tới được  Moscow và St. Peterburg. Tất nhiên tôi muốn thăm Siberie, muốn đến Odessa, tới Tula thăm trang trại của Lev Tolstoy... Lòng tham vô đáy mà, nhưng thời gian và sức khoẻ của tôi không cho phép. Chỉ đi thăm hai nơi này thôi, chân tôi đã bị đau. Tôi đang tiến đến tuổi 80.

Tôi vừa từ Mỹ trở về hơn 3 tháng thì đi Nga. Cả hai đều mênh mông vĩ đại. Cái không gian sinh tồn ở hai quốc gia siêu cường này thật hào phóng. Nhưng nếu Mỹ luôn chứng tỏ một nền kỹ thuật tiên tiến, một trình độ tổ chức xã hội hoàn chỉnh, giầu có thì Nga lại tỏ rõ một chiều sâu văn hóa, một sức mạnh tiềm tàng đang được giải phóng. Vâng, nước Nga đã mất quá nhiều thời gian và sức lực trong việc tìm đường nhưng vẫn là một người khổng lồ khiến những nước khác phải kính trọng.

“Nước Nga không thể nào hiểu được, nước Nga chỉ có thể yêu…”, có một triết gia đã nói như vậy. Theo ông  con người Nga hiện đại như thế nào, có thể “yêu” được không?

NV BNT: Con người Nga? Thật đôn hậu, đáng yêu. Từ những người tham gia hội chợ mật ong cho tới bà nông dân tại khu bảo tàng Tsarysino mà tôi được gặp và chụp ảnh kỷ niệm. 

Ở Moscow, tôi có tới thăm gia đình bà Inna Malkhanova, một người đã sang Việt Nam nhiều năm trước. Hỏi bà nhớ gì ở Việt Nam nhất. Bà trả lời tôi bằng tiếng Việt: Nhớ tất cả: Người, cảnh Việt Nam, Chùa Hương, Vịnh Hạ Long. Và nói thêm: Ngày ấy người Việt Nam rất tốt. Cảnh Việt Nam còn đẹp. Bà mời tôi món borsh (xúp củ cải đỏ, một món ăn dân tộc) ăn với bánh mì đen xát tỏi và rất thật thà: Ăn bánh mì đen cho đúng kiểu thôi. Không ngon thì anh ăn bánh mì trắng nhé. Tôi thích bánh mì trắng.

Có rất nhiều điều để nói về văn hóa Nga. Từ những người chăm chú đọc sách trên tầu điện ngầm. Những người tới Hồng trường chụp ảnh trước đại giáo đường Thánh Va xi li Tàng Tàng... Tôi chỉ kể một dẫn chứng: Trong khu mộ những người nổi tiếng ở Moscow không ngôi mộ nào thiếu vắng hoa tươi.

Riêng mộ Maiakôpxki còn có cả một chiếc bật lửa (Maia sinh thời nghiện thuốc, ông đã viết: Đốt tư tưởng xì xèo trên điếu thuốc). Mộ Tsekhov ngoài hoa tươi, còn có những bức thư của độc giả gửi tới. Tsekhov qua đời đã hơn thế kỷ nhưng bạn đọc vẫn viết thư  đến ông, tâm sự cùng ông, cảm ơn ông. Tôi gai người khi nghe chị Kim Hiền, ủy viên chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam tại Nga kể tôi nghe.

Thật hạnh phúc là một nhà văn ở một đất nước như vậy, với những bạn đọc như vậy.

Ông có cuộc gặp gỡ nhà văn, nhà thơ hiện đại nào của Nga không? Ông có quen với tác giả tác phẩm nào của Nga thời hậu  Xô Viết không?

NV BNT:  Không. Thời gian ở Nga của tôi rất eo hẹp và được bố trí rất sít sao. Đài Tiếng nói nước Nga có dự định phỏng vấn tôi, nhưng tôi không nhận trả lời. Phải tận dụng tối đa thời gian để đi, nhìn, và quan sát. Nước Nga quá rộng, có quá nhiều điều phải biết.

Tôi có đọc một số truyện Nga được dịch in trong tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam. Thú thật, ấn tượng những tác phẩm đó để lại trong tôi không lớn.

Từ cách nhìn của một nhà văn ông có thấy nước Nga thực sự là một cường quốc văn hóa, và cái đó không bao giờ bị mất đi?

NV BNT: Điều quyết định sự tồn vong của một dân tộc chính là văn hóa. Nước Việt Nam chúng ta bị giặc phương Bắc đô hộ cả nghìn năm nhưng không bị đồng hóa chính là như vậy. Nước Nga với tất cả những điều chúng ta đã nói ở trên là một siêu cường văn hóa. Văn hóa Nga đó góp phần không nhỏ vào nền văn hóa chung của nhân loại.

Ông đã có những cuộc gặp với các thành viên Hội VHNTVN ở Nga. Họ làm gì ở Nga? Họ viết gì về nước Nga?

NV BNT: Các anh chị trong ban chấp hành Hội VHNTVN ở Nga đã dành cho tôi những tình cảm thật cảm động. Không chỉ là cuộc gặp gỡ của những người xa đất nước với người trong nước, mà còn là cuộc gặp giữa những người làm nghệ thuật.

Các anh Châu Hồng Thuỷ, Nguyễn Huy Hoàng, Hồng Hà, chị Kim Hiền đã dành nhiều thời gian làm guide cho tôi và nói cho tôi biết cuộc sống của cộng đồng người Việt tại Nga, từ  Đôm 5 cho tới chợ Vòm. Cuộc mưu sinh thật vất vả nên chỉ những người thật sự yêu nghệ thuật mới có thể gắn bó với nó. Tôi được biết, cứ 2 vạn người làm ăn buôn bán mới có một người làm thơ.  Thơ, văn, nhạc... được chắt từ mồ hôi, tình cảm và trí tuệ của mỗi người.

Hội thành lập 15 năm nay chỉ có 30 hội viên, không một rúp tiền quỹ, nhưng hàng năm vẫn tổ chức đều đặn những cuộc gặp mặt, những cuộc hội thơ. Hàng chục đầu sách và đĩa CD đã được phát hành, đến với bạn đọc và công chúng.

Anh Nguyễn Huy Hoàng, phó chủ tịch Hội, tác giả của 8 tập thơ và văn xuôi vừa nhận được tin trúng giải trong cuộc thi thơ về Hà Nội. Chị Kim Hiền đã dịch 6 tác phẩm, và đang dịch Gogol, một cây đại thụ “rất khó nhằn”.  Anh Châu Hồng Thuỷ ngoài sáng tác, đêm đêm còn đánh vật với tạp chí “Người Bạn Đường”, cơ quan của Hội, một tạp chí trên mạng khá đông người truy cập.

Có thể nói Hội VHNTVN ở Nga rất thực chất.

Văn học hiện đại Nga thời hậu Xô viết hầu như không được bạn đọc Việt Nam biết tới vì lý do đơn giản: Hầu như không có tác phẩm nào được dịch. Ông có nghĩ đây là một lỗ hổng lớn cần phải lấp?

NV BNT: Công việc dịch thuật ở VN gần như tự phát, mạnh ai người nấy dịch. Nước ta nhiều người giỏi tiếng Trung Quốc nên văn học Trung Quốc hưởng lợi. Mạc Ngôn, Giả Bình Ao gần như được dịch hết.  Nhiều tác phẩm tầm tầm của hai ông này và những tác phẩm tầm tầm khác. Văn học Nga thời hậu Xô viết cũng có được giới thiệu trên tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn VN nhưng quá ít ỏi và chưa đủ.

Nhưng không nên trách khi mà chính những người có trách nhiệm ở Việt Nam cũng không chú ý, hoàn toàn quên việc giới thiệu văn học Việt ra tiếng nước ngoài.

Chân thành cảm ơn nhà văn

Hoàng Hoa (thực hiện)

MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.