> Hội thẩm nhân dân, họ là ai?
Thể hiện tình - lý
Chuyện về những vị hội thẩm nhân dân không còn là chủ đề mới, thậm chí đã có nhiều diễn đàn bàn về chức danh này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, câu chuyện chuẩn hoá hay cần rút bớt quyền của hội thẩm nhân dân vẫn là điều trăn trở của các nhà làm luật.
Theo đánh giá của luật sư Hằng Nga (Đoàn Luật sư Hà Nội), sự xuất hiện của hội thẩm nhân dân trong các phiên tòa thể hiện “cái tình, cái lý” trong công tác xét xử.
Nếu thẩm phán là người hưởng lương ngân sách nhà nước, làm việc theo sự phân công của cơ quan, thì hội thẩm lại là những đại biểu của nhân dân, có thể là bất cứ ai, miễn sao đảm bảo các tiêu chí theo luật định.
Trong quá trình xét xử, nếu nhận thấy chất lượng chuyên môn của các hội thẩm có vấn đề, thẩm phán chủ tọa phiên toà có thể báo cáo chánh án. Sau đó, chánh án sẽ có văn bản kiến nghị “loại” hội thẩm này. Luật sư Hằng Nga cho biết. |
Đặc thù của hội thẩm nhân dân là những người gần gũi với nhân dân, hiểu tâm tư, đời sống của nhân dân.
“Một hội thẩm có thể là nhà giáo, hay y bác sỹ, bộ đội, viên chức, cán bộ đoàn... Chỉ cần thông qua một lớp tập huấn ngắn hạn, đã có thể tham gia vào công tác xét xử cùng với thẩm phán” – luật sư Nga nói thêm.
Đồng tình quan điểm này, thẩm phán Nguyễn Xuân Văn – Phó Chánh tòa Hình sự (TAND TP Hà Nội) phân tích thêm, bản chất việc tham gia xét xử của hội thẩm nhân dân chính là thể hiện tính dân chủ, khách quan trong mỗi bản án, quyết định của toà án, để nhân dân cùng tham gia công tác xét xử.
“Nếu xét xử một vụ án bị cáo là một học sinh, chúng tôi sẽ nghĩ tới việc mời một nhà giáo tham gia vào vị trí hội thẩm. Họ không chỉ giúp thẩm phán làm rõ bản chất của vụ án, mà còn thực hiện công tác giáo dục pháp luật cũng như lối sống cho bị cáo và những người dự toà” – thẩm phán Văn nói.
Ngồi cho đủ mâm đủ bát?!
Thực tiễn xét xử cho thấy, phần lớn các hội thẩm nhân dân thường chỉ sắm vai “dự bị” trong các phiên xét xử. Nhiều trường hợp họ thường sử dụng “luật im lặng”, hoặc nếu có tham gia ở phần xét hỏi, cũng chỉ là những câu hỏi vô thưởng vô phạt, kiểu như “bị cáo đã thấy sai phạm của mình chưa?”, hoặc “chỉ vì hành vi phạm tội của bị cáo, bao nhiêu gia đình đã nhà tan cửa nát. Bị cáo đã ân hận chưa?”.
Thậm chí, có hội thẩm còn nhắc lại câu hỏi đã được thẩm phán – chủ tọa phiên toà hỏi trước đó. Tệ hại hơn, có hội thẩm còn nhầm lẫn cơ bản khi gọi bị cáo thành “bị can” đến cả chục lần. Phải khi được chủ tọa nhắc nhở, hội thẩm này mới biết...
Hội thẩm nhân dân TAND địa phương do HĐND cùng cấp bầu theo sự giới thiệu của Ủy ban MTTQ cùng cấp và do HĐND cùng cấp miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chánh án TAND cùng cấp sau khi thống nhất với Ủy ban MTTQ cùng cấp. (Trích Điều 41 Luật Tổ chức TAND) |
Bàn về chất lượng chuyên môn, luật sư Hằng Nga thẳng thắn: “Nhiều phiên xử cho thấy, sự tham gia của hội thẩm chỉ dừng lại ở việc “ngồi cho đủ mâm, đủ bát”.
Thẩm phán Nguyễn Xuân Văn lập luận: “Ở nhiều nước, hội thẩm phần lớn chỉ tham gia cùng thẩm phán quyết định chuyện định tội: Có tội hoặc không có tội. Còn việc xét xử như thế nào do thẩm phán chủ tọa phiên toà làm chủ. Nhưng ở Việt Nam, hội thẩm có đặc quyền xét xử ngang hàng, độc lập với thẩm phán, và chỉ tuân theo pháp luật. Đây là một câu chuyện rất đáng xem xét”.
Có nhiều ý kiến khác lại cho rằng, cần thiết phải chuẩn hoá đội ngũ hội thẩm, bằng việc đào tạo ít nhất là cử nhân luật. Nhưng theo các chuyên gia pháp lý, việc đào tạo như vậy trên cả nước là điều gần như không thể. Bởi, những hội thẩm này đang tham gia các hoạt động xã hội khác, họ chỉ kiêm nhiệm. Nếu có chuẩn hoá cũng chỉ mang tính đối phó...