Hồi sinh những dòng kênh chết

Hồi sinh những dòng kênh chết
TP - Những dòng kênh rác đặc quánh, ô nhiễm giữa lòng thành phố đang dần trong xanh. Cùng với sự hồi sinh của dòng kênh, cuộc sống của hàng triệu người dân TPHCM từng bước được cải thiện.

> Sống lay lắt bên dòng kênh chết
> Những con kênh mang hiểm họa

Tái tạo kênh

Hai tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL-TN) và Tàu Hủ - Bến Nghé (TH-BN) đang hồi sinh sau hàng chục năm “chết lâm sàng”. Để có được thành công như hôm nay, không chỉ hàng nghìn tỷ đồng đã đổ xuống, gần hai vạn hộ dân phải di dời, TPHCM phải đối mặt biết bao thử thách tưởng chừng không thể vượt qua, đặc biệt là khi thực hiện công trình cải tạo, xây dựng kênh NL-TN.

Trong giai đoạn lập hồ sơ thiết kế, đã có nhiều ý kiến không đồng tình, cho rằng dự án không khả thi. Ông Phan Châu Thuận, Giám đốc Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TPHCM nhớ lại: Từ năm 1993 lãnh đạo TPHCM quyết tâm thực hiện chương trình đầu tư cải tạo kênh NL-TN. Tổng vốn đầu tư của dự án khi ấy là 1.600 tỉ đồng, đền bù giải tỏa, tái định cư gần 7.000 hộ dân, nạo vét 260.000m3 bùn đất,...

Dự án vệ sinh môi trường lưu vực NL-TN khởi công từ năm 2003 với tổng vốn đầu tư 199,9 triệu USD, trong đó 166,3 triệu USD vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (W.B).

Công trình triển khai ì ạch, nhiều gói thầu chậm tiến độ kéo dài và gặp nhiều sự cố nghiêm trọng trong quá trình thi công đặc biệt là gói thầu số 10 và gói thầu số 7 (lắp tuyến cống bao đường kính 2,5-3m dài 8,9km dọc kênh) do liên danh nhà thầu Trung Quốc TMEC–CHEC3 đảm nhận đã khiến TPHCM nhiều lần đối mặt với nguy cơ bị “cắt” vốn vì không biết đến bao giờ mới hoàn thành.

Để được W.B chấp thuận gia hạn lần 1, lần 2 rồi đến lần thứ 3…việc đàm phán căng như dây đàn. Mỗi tuần lãnh đạo UBND TPHCM tổ chức giao ban để đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Biểu tượng tăng trưởng xanh

Cùng với dòng kênh xanh, TPHCM cũng hoàn thành công trình nâng cấp đường Hoàng Sa, Trường Sa với tổng vốn đầu tư 408 tỉ đồng. Hai tuyến đường ven kênh được mở rộng 9m với 3 làn xe.

Ngoài mục đích chỉnh trang hai bên bờ kênh, việc mở rộng mặt đường góp phần tăng cường năng lực giao thông, kéo giảm áp lực đè lên các trục đường Điện Biên Phủ, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ, Võ Thị Sáu, Cách Mạng Tháng Tám.

Bờ kênh đã được cải tạo thành vỉa hè, công viên với nhiều mảng xanh. Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, sắp tới TPHCM sẽ trồng cây bàng vuông, cây phong ba đem về từ đảo Trường Sa để người dân luôn nhớ và hướng về biển đảo.

Theo Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, dự án NL-TN là biểu tượng của tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và toàn diện. Dự án làm giảm đáng kể lũ lụt, ô nhiễm, mang lại một môi trường sống tốt hơn cho hơn 1,2 triệu người.

Một chiều cuối năm 2012, chầm chậm dong xe trên đường Trường Sa, đón những làn gió từ dòng kênh thổi lên mát rượi, chúng tôi gặp nhiều người đang thong thả giăng câu, tản bộ hóng mát. Anh Nguyễn Minh Hoàng (ngụ 174/3 Phan Tây Hồ, quận Phú Nhuận) cho biết các loài cá trê, lóc, rô đã bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Chỉ sau 10 năm, diện mạo của một lưu vực rộng lớn đã thay đổi hoàn toàn. Tương lai không xa, chắc đến lượt kênh Đôi, kênh Tẻ, Tham Lương và nhiều dòng kênh khác hồi sinh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tròn lên mức 80,35 triệu đồng/lượng. Ảnh:BTMC.
Giá vàng nhẫn tăng cao chưa từng có
TPO - Sáng nay (21/9), giá vàng nhẫn tròn tiếp tục đứng ở mức 80,35 triệu đồng/lượng, trụ vững ở đỉnh lịch sử. Với đà tăng hiện tại, giá vàng nhẫn tròn sắp đuổi kịp giá vàng miếng SJC. 
Xử lý tình hình tụ tập phản đối thu phí BOT Phú Hữu
Xử lý tình hình tụ tập phản đối thu phí BOT Phú Hữu
TPO - Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM vừa có văn bản yêu cầu Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên - chủ đầu tư dự án BOT xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu và đơn vị liên quan đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông khu vực BOT Phú Hữu, TP. Thủ Đức.