Hồi sinh động lực tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các tháng cuối năm sẽ tiếp tục duy trì đà hồi phục. Dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn, nhưng khó chạm tới mục tiêu đề ra.

Tình hình kinh tế Việt Nam hiện tại được đánh giá khó khăn hơn thời Covid-19, tổng cầu suy giảm, nguồn dự trữ không còn nhiều, đòi hỏi các giải pháp hỗ trợ cấp bách. Trong bối cảnh ấy, bà đánh giá thế nào về những ưu tiên chính sách được Chính phủ thực hiện thời gian qua?

Bà Nguyễn Thị Hương: Dịch Covid-19 đã được kiểm soát, tuy nhiên kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn với dự báo tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn. Lạm phát tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao. Các vấn đề địa chính trị, xung đột vũ trang, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, quy mô khiêm tốn, chịu tác động không nhỏ từ khó khăn chung của kinh tế thế giới. Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã ưu tiên thực hiện một số chính sách, như: miễn, giảm thuế, lệ phí; hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động... Nghị quyết số 33 tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Hồi sinh động lực tăng trưởng kinh tế  ảnh 1

Đầu tư công được kỳ vọng trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng cuối năm. Ảnh: Như Ý.

Đặc biệt, Nghị quyết 105 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật kỷ cương được ban hành cấp thiết, đúng thời điểm, được người dân, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Chính phủ chỉ đạo chính sách tiền tệ phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa rất đúng đắn, cấp thiết, giúp tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi. Khi đó, việc giảm lãi suất hay nới chỉ tiêu tín dụng của ngân hàng mới thực sự phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn.

Tăng trưởng GDP đang cho thấy xu hướng hồi phục, quý sau cao hơn quý trước. Nhưng có một thực tế cần thẳng thắn nhìn nhận, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Bà có suy nghĩ gì?

Bà Nguyễn Thị Hương: Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp các tháng gần đây đã có những tín hiệu tích cực, thể hiện rõ nét qua chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) liên tục từ tháng 5 trở lại đây với mức tăng tháng sau cao hơn tháng trước. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sự thay đổi của các yếu tố bên ngoài sẽ tác động ngay đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Thời gian qua, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm lại, nhu cầu hàng hóa tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh, đơn hàng trong nước giảm, xuất khẩu giảm, lạm phát các nước vẫn ở mức cao đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp, như: chính sách giảm thuế VAT, hỗ trợ giải ngân nhanh vốn đầu tư công, giảm lãi suất vay vốn ngân hàng... Đặc biệt, Chính phủ ban hành Nghị định 44 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 101 của Quốc hội, theo đó thuế VAT giảm từ 10% xuống 8%, hỗ trợ hết năm 2023. Đây có thể nói là một trong các chính sách hiệu quả cao trong việc hỗ trợ về dòng tiền cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ và những tín hiệu tích cực và khả quan từ các doanh nghiệp sản xuất trong các tháng gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ duy trì đà phục hồi.

Hồi sinh động lực tăng trưởng kinh tế  ảnh 2

116,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 9 tháng 2023 Ảnh: Như Ý

Nhiều chuyên gia cho rằng việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm 2023 của Việt Nam đang đặt ra những áp lực lớn. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào? Theo bà, đâu sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế những tháng cuối năm?

Bà Nguyễn Thị Hương: Trong những tháng cuối năm 2023, mặc dù dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn nhưng khả năng đạt như kỳ vọng là khó khả thi. Dù vậy, một số động lực vẫn cho thấy triển vọng tích cực. Nhu cầu đầu tư sẽ được hỗ trợ lớn từ đầu tư công đang được triển khai quyết liệt theo cam kết của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Đầu tư công sẽ là đòn bẩy cho các luồng đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Luồng FDI cũng chuyển dịch tích cực trong những tháng đầu năm khả năng sẽ đi vào thực hiện vào cuối năm. Đầu tư tăng tốt sẽ kích thích hoạt động xây dựng, giao thông vận tải và các ngành sản xuất vật liệu xây dựng tăng trưởng mạnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo Chính phủ 3 kịch bản tăng trưởng cho quý cuối năm nay. Để đạt mức tăng trưởng cả năm 6%, tăng trưởng quý IV phải vượt mức 10% và được nhận định là vô cùng thách thức. Ở 2 kịch bản thấp hơn, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5 – 5,5%, quý IV cần tăng 7 – 8,8%. Như vậy, ngay cả kịch bản cao nhất, cơ quan quản lý cũng không tính tới mục tiêu tăng trưởng 6,3%.

Nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng do kỳ vọng hoạt động du lịch khởi sắc trong thời gian tới. Cầu nội địa khả năng cũng sẽ phục hồi do nhu cầu du lịch nội địa tăng cao. Bên cạnh đó, tăng lương cơ sở từ tháng 7/2023 sẽ giúp cho người dân tăng các khoản chi tiêu, tạo nên dư địa tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong các tháng cuối năm.

Về phía cung, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thể hiện vai trò là “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế. Khu vực dịch vụ trong năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng khá, nhất là hoạt động thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Khách du lịch trong nước và quốc tế tiếp tục dự báo tăng cao kéo theo xuất khẩu dịch vụ tăng. Những ngành chưa hoàn toàn phục hồi, hoặc phục hồi chậm so với trước đại dịch sẽ tăng trưởng cao, như dịch vụ lưu trú, ăn uống; vận tải, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; nghệ thuật vui chơi, giải trí… Hoạt động du lịch tăng trưởng sẽ tác động lan tỏa, tạo cơ hội cho nhiều ngành dịch vụ phát triển, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tại chỗ.

Các chính sách giảm thuế, phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay cũng tạo động lực kích thích tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Lạm phát được kiểm soát hiệu quả giúp ổn định dòng tiền, là yếu tố quan trọng hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.