Hơi ấm sau những cửa chùa đóng kín

0:00 / 0:00
0:00
Các vị sư trao tặng gạo và mì cho bà con nghèo tại TPHCM. Ảnh: Tư liệu của Hội Phật giáo TPHCM
Các vị sư trao tặng gạo và mì cho bà con nghèo tại TPHCM. Ảnh: Tư liệu của Hội Phật giáo TPHCM
TP - Những ngày dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại TPHCM, các hoạt động đông người đều không được tổ chức, các hoạt động tôn giáo cũng tạm ngưng, đường sá vắng hoe. Nhưng sau cánh cửa chùa tĩnh lặng cuộc sống nơi cửa thiền vẫn mở ra với những tấm lòng hướng về cuộc sống.

Các cháu được chăm sóc tốt

Chùa Long Hoa (Quận 7, TPHCM) cả tháng nay đóng kín cửa, các sinh hoạt tôn giáo đều tạm ngưng, chỉ các sư trong chùa làm lễ. Nhiều người tìm tới chùa, ngó qua song cửa, thấy khung cảnh bên trong vắng lặng, thấp thoáng vài bóng áo nâu. Chùa đóng cửa nội bất xuất ngoại bất nhập là để bảo vệ sự an toàn cho gần trăm cháu bé mồ côi đang được nuôi dưỡng nơi đây.

Chùa Long Hoa lập năm 1902, hệ phái Bắc tông. Nơi đây có cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi do cố Trưởng lão, Hòa thượng Thích Viên Giác thành lập. Các sư và những người phát tâm công đức nuôi dạy gần trăm trẻ mồ côi. Các sư kể: “Một số cháu có gia đình, nhưng hoàn cảnh khó khăn, gửi nhờ chùa nuôi, nhiều năm không thấy bố mẹ quay lại. Cũng có cháu được mẹ đưa vào mà không tiết lộ danh tính, nên nhà chùa cũng không biết tên bố mẹ các cháu”. Bọn trẻ lớn lên, đi học. Từ tiền giấy bút sách vở, nhà chùa đều lo. Đỗ đại học, chùa đóng học phí.

Hơi ấm sau những cửa chùa đóng kín ảnh 1

Các ngôi chùa tại TPHCM đều đang đóng cửa phòng chống đại dịch. Ảnh: T.N.A

Khuôn viên chùa Long Hoa khá rộng, bởi diện tích chính được dành xây chỗ ở cho các cháu, phòng ăn, phòng đọc sách. Mỗi bữa trưa, thường nấu cơm trong những cái nồi khổng lồ, xào rau trong chảo cực lớn. Các cô bảo: “Tuổi trẻ, sức ăn rất khỏe!”.

Những ngày giãn cách xã hội, đệ tử xa gần ít tới chùa, nhất là đệ tử ở các tỉnh xa thì việc về TPHCM càng khó khăn, nhiều tuyến xe thậm chí không hoạt động. Phóng viên liên lạc với các sư trong chùa, cũng vốn là chỗ quen biết nhiều năm, được các sư chia sẻ: “Thường ngày, việc lo tiền ăn học chăm sóc các cháu đã khó khăn, nay đại dịch bùng phát, Long Hoa cổ tự càng khó khăn hơn. Nhưng may mắn là mọi người vẫn không quên các cháu, vẫn tìm mọi cách giúp đỡ, nên các cháu hiện vẫn đầy đủ cái ăn cái mặc để phòng, chống đại dịch COVID-19”.

Tình người ấm áp

Chùa Lâm Quang (Quận 8, TPHCM) là nơi nuôi dưỡng rất nhiều cụ già, đa số các cụ trên 70 tuổi. Suốt thời gian dịch dã, giãn cách, cửa chùa đóng chặt, lâu lâu chỉ mở ra để chuyên chở thức ăn vào bên trong. Số là các cụ già đều neo đơn, nhiều người không con cái, không nhà cửa.

Sư Tịnh Sơn nói với phóng viên: “Nhà chùa chúng tôi hiện nuôi dưỡng 129 cụ già và 9 em nhỏ. Tình hình hiện tại khó khăn, nhưng cũng tạm ổn”.

Chùa Lâm Quang đã nuôi dưỡng các cụ già 22 năm qua. Khác với nhiều nơi khác, chính tay các ni cô thường nấu ăn, tắm, giặt cho các cụ già mà nhiều người vốn vô gia cư, nhiều người cũng không còn nhớ nổi tên tuổi quê quán của mình. Nguồn tài chính của chùa cũng chẳng phải dồi dào vì đây là chùa nữ, các sư cô rất ít ra ngoài. Có những năm tháng các sư cô làm hương, bán cơm chay để kiếm tiền nuôi dưỡng các cụ.

Sư Tịnh Sơn chia sẻ: “Bà con vẫn tặng thực phẩm cho các cụ đủ dùng. Các cụ vẫn ổn. Tình người Sài Gòn vẫn rất ấm áp dù thành phố đang vô cùng khó khăn”.

Nhà sư nấu cơm cho tuyến đầu

CLB Tình nguyện Sen Hồng do Đại đức Thích Minh Mẫn làm chủ nhiệm là một địa chỉ thường phát cơm từ thiện cho những người lang thang cơ nhỡ trong thành phố.

Đại diện của Sen Hồng nói: “CLB phát cơm từ thiện cho người vô gia cư và người có hoàn cảnh trong đợt dịch COVID-19 này. CLB thường phát từ 500 phần cơm từ thiện trở lên. Do tình hình dịch tại thành phố đang rất phức tạp, nên CLB quyết định tạm ngưng để đảm bảo an toàn cho các thành viên, quý phật tử trong CLB tham gia chương trình phát cơm từ thiện”.

Dịch bệnh ảnh hưởng khá nhiều tới hoạt động xã hội của các chùa. Nhưng các chùa vẫn tìm mọi cách để giúp đỡ cộng đồng.

Thượng tọa Thích Thiện Ngọc ở chùa Phổ Minh (Tân Bình) trực tiếp nấu 450 suất cơm chay mỗi ngày để tặng cho lực lượng ở tuyến đầu chống dịch và gửi các hộ dân khó khăn trong vùng bị phong tỏa.

Ở chùa Bồ Đề Lan Nhã, các ni sư đã nấu 600 suất cơm cho người bán vé số, người nghèo trong khu vực quận 5, quận 6. Tổ chức siêu thị 0 đồng giúp dân. Hội Pháp Hoa chùa Ấn Quang cũng cung cấp 1.000 suất ăn miễn phí cho lao động nghèo ở quận 10 trong các khu vực bị phong tỏa.

Tại TPHCM, chiều 24/6/2021, Ban Văn hóa Phật giáo TPHCM đã trao tặng 24 tấn gạo và 2.400 thùng mì tôm cho nhân dân quận Gò Vấp, quận 12, trong khuôn khổ chương trình 100 tấn gạo và 10.000 thùng mì tôm cho bà con gặp khó khăn vì COVID-19 tại TPHCM. Người dân trong vùng bị phong tỏa ở quận quận Bình Thạnh rất cảm động vì mỗi sáng thức dậy họ lại nhận được 300 phần ăn sáng được gửi tới từ chùa Vạn Đức.

Chiều 26/6/2021, Đại đức Thích Chí Giác Thông, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Văn hóa GHPGVN TPHCM, cùng chư tôn đức Ban Văn hóa đã trao 5 tấn gạo và 500 thùng mì tới đại diện chính quyền và chư tôn đức Phật giáo huyện Hóc Môn tại Văn phòng Ban Trị sự - chùa Giác Nguyên, ấp Dân Thắng 2, xã Tân Thới Nhì.

Trong đại dịch COVID-19, những ngôi chùa ở TPHCM tuy tạm dừng các hoạt động tôn giáo, nhưng vẫn không ngừng lan tỏa đi những hơi ấm của tình người, của sự sẻ chia.

Giúp đỡ người dân Ấn Độ, Nepal

Đầu tháng 6/2021, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức đón nhận, chuyển giao hỗ trợ của nhân dân, Phật tử Việt Nam giúp người dân Ấn Độ và Nepal đối phó với làn sóng Covid-19.

Đại sứ Phạm Sanh Châu đại diện cho Tịnh xá Ngọc Phương phái Khất sĩ Việt Nam và Đại học Phật giáo tại TPHCM đã trao 35 máy thở và 14 khoản hỗ trợ với tổng trị giá lên tới 13.653.000 rupee (tương đương 4 tỷ đồng) đến Liên đoàn Phật giáo Ấn Độ và 14 tổ chức, cá nhân tại Ấn Độ, Nepal.

MỚI - NÓNG