Học trò dính bẫy casino

Học trò dính bẫy casino
Tình trạng học sinh bị dụ dỗ sang casino Campuchia “thế thân” đánh bạc gia tăng trong thời gian gần đây khiến các bậc phụ huynh và nhà trường lo lắng.

Học trò dính bẫy casino

> Bán mạng cho sòng bạc
> 'Thế chấp' nội tạng lấy tiền đánh bạc
> Nghi án hai nữ sinh bị bắt cóc, đòi tiền chuộc

Tình trạng học sinh bị dụ dỗ sang casino Campuchia “thế thân” đánh bạc gia tăng trong thời gian gần đây khiến các bậc phụ huynh và nhà trường lo lắng.

Học trò dính bẫy casino ảnh 1
Gia đình bà Nguyễn Thị Điệp vừa đi chuộc con về từ Campuchia. Ảnh: Đỗ Trường
Gia đình bà Nguyễn Thị Điệp vừa đi chuộc con về từ Campuchia. Ảnh: Đỗ Trường.

Ngày 27/5, Công an H.Đồng Phú (Bình Phước) cho biết đang điều tra làm rõ việc nhiều nữ sinh trên địa bàn bị dụ dỗ đưa sang Campuchia đánh bạc. Khoảng đầu tháng 4./013, cơ quan này nhận được trình báo của ông Trần Tâm (43 tuổi, ngụ ấp 4, xã Tân Lập, H.Đồng Phú) về việc con gái ông là Phạm Thị Tố Th. (15 tuổi, học sinh Trường THCS Tân Tiến, Đồng Phú) mất tích nghi bị bắt cóc.

Cùng thời điểm, gia đình bà Nguyễn Thị Điệp (45 tuổi, ấp 7, xã Tân Lập, Đồng Phú) cũng có đơn trình báo con bà là Phạm Thị Anh Đ. (15 tuổi, học sinh Trường THCS Tân Lập, Đồng Phú) mất tích.

“Nếu không chuộc sẽ bán”

Tiếp xúc với PV, bà Nguyễn Thị Điệp kể, vào sáng 5/4, con gái bà cùng Nguyễn Thị Quỳnh Nh. (học sinh lớp 10 ở thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) đến Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) chơi. Nhưng đến tối cùng ngày vẫn chưa thấy về. Trong lúc đang lo lắng thì bất ngờ nhận được điện thoại của một người đàn ông báo tin con gái bà đang ở sòng bạc bên Campuchia và yêu cầu gia đình phải mang tiền sang chuộc về.

“Chúng đòi số tiền chuộc lên tới hàng chục triệu đồng và đe dọa sẽ bán cháu nếu gia đình không sớm mang tiền sang chuộc”, bà Điệp nói. Do không đủ tiền nên bà Điệp năn nỉ xin nộp 15 triệu đồng và được bọn người ở đầu dây bên kia đồng ý. Tuy nhiên, 2 lần vợ chồng bà mang tiền đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) đều không liên hệ được để chuộc con.

Cho đến sáng 20/4, gia đình bà Điệp lại nhận được điện thoại từ Campuchia yêu cầu mang tiền sang cửa khẩu Long Bình (An Giang) để chuộc con. Thế nhưng, khi vợ chồng bà đang trên đường đi về An Giang thì nhận điện thoại yêu cầu đến bến phà Bắc Vàm Cống (Đồng Tháp)...

Gần nửa đêm mới đến khu vực Bắc Vàm Cống, vợ chồng bà Điệp phải thông qua một người chạy xe ôm giao 15 triệu đồng cho chúng thì chúng mới giao trả con gái, cũng do người chạy xe ôm này chở đến.

Thời điểm này, gia đình em Nguyễn Thị Quỳnh Nh. cho biết em Nh. cũng đã được chuộc về từ Campuchia với số tiền hàng chục triệu đồng. Theo lời kể của Nh., sau khi được đưa qua Campuchia các em đã bị một số người ép vay tiền để đánh bạc. Sau khi thua hết số tiền vay mượn thì bọn chúng bắt gọi điện về gia đình yêu cầu đem tiền sang chuộc.

Ngày 12/4, em Trần Thị Thanh T. (học sinh lớp 9 Trường THCS Tân Lập, H.Đồng Phú, Bình Phước) cũng được gia đình chuộc về từ sòng bạc Campuchia. Theo lời bà Võ Thị Vân (mẹ T.), chiều 4/4, T. đi học nhưng tối không thấy về. Đến sáng hôm sau, bà bàng hoàng khi nhận được điện thoại kêu cứu của T. nói rằng đã bị bắt sang Campuchia.

Tiếp sau đó là giọng của một người đàn ông kêu phải đem 3.000 USD sang chuộc mạng, kèm lời hăm dọa: “Nếu không mang tiền qua chuộc, sẽ đem đi bán sang Thái Lan”. Sau vài ngày thương lượng, bọn chúng đồng ý cho gia đình chuộc T. về với giá 15 triệu đồng.

Về nhà rồi lại “đi bụi”

Chúng tôi tìm đến nhà bà Võ Thị Vân (mẹ T.) và không khỏi chạnh lòng trước hoàn cảnh kinh tế gia đình. Chồng đi làm thuê, còn bà ở nhà nhận bóc vỏ hạt điều kiếm sống qua ngày. “Để có tiền chuộc con, vợ chồng tôi phải đi vay mượn nóng bên ngoài. Đã nghèo mà còn mắc cái eo”, bà Vân than thở.

Ngày 23/3, Công an H.Bến Cát (Bình Dương) cũng tiếp nhận đơn của bà Châu Thị Hồng P. (ngụ thị trấn Mỹ Phước) trình báo việc con gái bà là Trần Thị T. (14 tuổi, học sinh lớp 7, Trường THCS Lê Quý Đôn, H.Bến Cát) bị dụ dỗ qua Campuchia đánh bạc.

Bà P. cho biết, ngày 26/2, em T. đi học nhưng không về nhà. Sau đó, bà nhận được điện thoại của con gái từ Campuchia cầu cứu mẹ mang tiền sang chuộc, do đánh bạc thua phải thế thân ở sòng bạc. Ngày 28.2, bà đã phải đi vay mượn tiền để chuộc con.

“Sau khi chuộc về được một ngày, đến chiều 29/2, T. lại tiếp tục đi khỏi nhà theo chúng bạn và đến nay (23/3) vẫn chưa có tin tức”, bà P. nói. Quá chán nản vì không dạy dỗ được T., bà P. và gia đình không đi tìm mà để cho T. đi sống lang bạt.

Cho đến ngày 29/3, ông Nguyễn Văn Lâm (nhân viên bảo vệ dân phố KP.2, thị trấn Mỹ Phước) nhận tin báo có 2 cô gái đang ẩn náu trong căn nhà hoang; ông đến nơi và phát hiện T. cùng một em nguyên là học sinh cấp 2 của Trường THCS Lê Quý Đôn nên đem giao Công an H.Bến Cát xử lý.

Ông Lâm cho biết, do trường nằm trên địa bàn KP.2 nên ông nắm được có tình trạng một nhóm học sinh đã nghỉ học thường hay rủ rê nhau đi sang Campuchia.

Có nhiều trường hợp sau khi bị dụ dỗ đánh bạc về, các em bỏ học rồi tiếp tục rủ những bạn khác đi. Liên quan đến vụ việc này, thượng tá Nguyễn Thanh Khiêm, Phó trưởng công an H.Bến Cát cho biết đã xác định được một số đối tượng tình nghi, cơ quan điều tra đã lập hồ sơ để xử lý.

Trao đổi với PV, Ban giám hiệu Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết trong số những em từng là học sinh của trường đi Campuchia đánh bạc gia đình phải mang tiền sang chuộc, chỉ có một em trở lại trường tiếp tục học, còn lại đều đã nghỉ ngang.

“Các bậc phụ huynh cần quan tâm sâu sát con em mình. Nếu gia đình có điều kiện thì nên đưa rước con em mình đi học để tránh các em bị rủ rê, lôi kéo”, một vị trong Ban giám hiệu nói.

Không dám trình báo chính quyền

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong vòng từ ngày 2 đến 5/4, trên địa bàn Bình Phước đã có 4 học sinh bị dụ dỗ đi Campuchia đánh bạc và sau đó gia đình phải mang tiền qua chuộc về. Trong đó có nhiều trường hợp không trình báo với cơ quan chức năng địa phương.

Giải thích lý do không trình báo chính quyền, nhiều gia đình nạn nhân cho biết khi nghe tin con cái bị giam lỏng ở Campuchia và bị đe dọa họ rất hoang mang, lo lắng. Hơn nữa một phần cũng do ngại, không muốn bạn bè, hàng xóm biết sự việc làm ảnh hưởng đến việc học tập của con em nên đã không báo với chính quyền địa phương.

Trong khi đó, các đối tượng từ Campuchia liên tục gọi điện, đe dọa nếu báo với công an sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của các em nên nhiều gia đình ngậm ngùi mang tiền đi chuộc con.

Theo Đỗ Trường - Thống Nhất
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.