Học Toán thế nào, làm việc ở đâu?

0:00 / 0:00
0:00
Trải nghiệm một ngày với Toán học của học sinh Hà Nội. Ảnh: Diệp An
Trải nghiệm một ngày với Toán học của học sinh Hà Nội. Ảnh: Diệp An
TP - Học Toán không nhất thiết phải làm nghiên cứu toán, vì toán được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống. Đó là chia sẻ của các phó giáo sư, tiến sĩ (PGS, TS) với học sinh, sinh viên tại buổi tọa đàm “Toán– Học và làm việc ở đâu” do Quỹ Đổi mới sáng tạo VinIF – Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata, Viện Toán học và Trung tâm Thông tin Tư liệu – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đồng tổ chức cuối tuần qua.

Phần lớn thời gian của chương trình, các nhà toán học chia sẻ những thông tin thú vị về việc ứng dụng Toán vào mọi mặt đời sống. Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Doanh, Phó phòng Khoa học, trường ĐH Thủy lợi, thành viên Tổ thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ là cập nhật, phân tích và sử dụng thông tin, số liệu giúp Ban chỉ đạo trong công cuộc phòng chống đại dịch.

Khi dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu, nhiều nhà khoa học trên thế giới đã tham gia rất tích cực vào việc đưa ra các mô hình để tính toán và dự báo khả năng dịch sẽ lên đỉnh vào thời gian nào ở các quốc gia như Anh, Mỹ… Một trong các mô hình mà nhóm PGS Doanh sử dụng trong trường hợp dịch ở Việt Nam là áp dụng khoa học mạng lưới để lập các mô hình lan truyền cổ điển (SIER). Khi sử dụng mô hình này, có một số thuận lợi, như công tác truy vết rất tốt (từ một ổ dịch xác định được có bao nhiêu F1, F2; thời điểm chuyển vào khu cách ly; thời điểm phát bệnh). “Công việc của chúng tôi thuộc nhóm đánh giá rủi ro về tác động của virus, việc chạy mô hình toán đóng góp một phần dữ liệu trong chỉ số rủi ro”, PGS Doanh nói.

Học Toán thế nào, làm việc ở đâu? ảnh 1 GS.TS Vũ Hà Văn (giữa) chia sẻ với sinh viên tại buổi tọa đàm. Ảnh: Diệp An

Trước câu hỏi của sinh viên có nhất thiết phải học Toán không, TS Võ Sĩ Nam, Trưởng phòng Tin y sinh ứng dụng, VinBigdata, nói rằng, thực ra, Toán học tồn tại rất tự nhiên trong cuộc sống, nên đừng tách biệt hóa. GS.TS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigdata, GS Toán của ĐH Yale (Mỹ), cho hay, Toán học chia thành hai hướng nghiên cứu và là công cụ để làm việc. Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Misa, nhận định: “Nền tảng cơ bản của Tin học là Toán. Nếu học Toán giỏi thì chắc chắn lập trình giỏi, vì lập trình cần tư duy logic của Toán”.

Cơ hội cho người học Toán

Các sinh viên tham gia buổi tọa đàm đều rất quan tâm đến cơ hội việc làm sau này khi học Toán. PGS.TS Phan Thị Hà Dương, Viện Toán học, Giám đốc Điều hành Quỹ VinIF, VinBigdata, cho rằng, nếu lựa chọn theo Toán thì cần thận trọng. “Việc theo đuổi Toán lý thuyết đến một lúc nào đó sẽ rất căng thẳng bởi vì nếu không tập trung cao độ và có tư duy sâu sắc thì làm mãi mà không nhận được kết quả nào. Trong khi với cùng một năng lực và thời gian như thế, làm nghề khác đã có thể đạt được kết quả”, PGS Dương nói.

GS.TSKH Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, cho hay, Toán học bây giờ có mặt ở rất nhiều nơi, độ khó, phức tạp phân chia theo từng lĩnh vực. “Chúng tôi cũng giống như một giáo phái, luôn có trách nhiệm “truyền đạo”, thuyết phục các bạn đi theo ngành Toán nhưng không có nghĩa là làm nghiên cứu toán mà còn nhiều cơ hội khác sử dụng toán trong cuộc sống”, GS Hải nói.

TS Nam nêu thực tế yêu cầu của viện nơi ông công tác rất đa dạng, có thể Toán, Hóa, Sinh, nhưng quan trọng nhất chỉ cần nắm chắc, hiểu sâu kiến thức và có tư duy mô hình hóa bài toán thực tế. Ông Hoàng cho biết, công ty không đòi hỏi sinh viên phải có kinh nghiệm mà chỉ yêu cầu có kỹ năng, kiến thức cơ bản về lập trình, đọc - hiểu tài liệu tiếng Anh. GS Văn nhấn mạnh, nếu không xác định trở thành nhà toán học, chỉ cần Toán để đi làm, thì cần học những môn học công việc yêu cầu. Hiện công nghệ được ứng dụng rộng rãi, người học cần nhất là kiến thức về xác suất thống kê, toán rời rạc, đại số tuyến tính, lập trình.

TS Hà Minh Hoàng, trường ĐH Phenikaa, nhận xét, kỹ năng Toán học (toán tối ưu) là vô cùng cần thiết, vì nó giúp phát hiện vấn đề, mô hình hóa, chuyển vấn đề của khách hàng thành bài toán tối ưu. Trong bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào, nếu có tư duy Toán học tốt sẽ thuận lợi trong việc giải thích kết quả sản phẩm, thuyết phục khách hàng.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.