'Học tập qua chơi' – chìa khóa hạnh phúc trong giáo dục mầm non

Ngày 23-24/11 tại Hà Nội, Hội thảo quốc tế “Hạnh phúc trong giáo dục” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Chương trình có sự đồng hành của hệ thống trường TH School và Tập đoàn TH, nhằm mang đến những góc nhìn mới về vai trò của hạnh phúc trong giáo dục.
'Học tập qua chơi' – chìa khóa hạnh phúc trong giáo dục mầm non ảnh 1

Hội thảo quốc tế “Hạnh phúc trong giáo dục” thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Trong số các diễn giả, ông Thomas Hobson (biệt danh Teacher Tom) – Chuyên gia tư vấn giáo dục trẻ em đến từ Hoa Kỳ, nổi tiếng với blog “Teacher Tom” – đã chia sẻ bài thuyết trình đầy cảm hứng mang tên “Đặt mục đích và hạnh phúc làm trọng tâm của giáo dục mầm non”. Là một nhà giáo dục, tác giả và diễn giả quốc tế, Thomas Hobson đã có hơn một thập kỷ chia sẻ phương pháp giáo dục dựa trên vui chơi và trò chơi sáng tạo, không chỉ tại Hoa Kỳ mà còn trên nhiều quốc gia như Anh, Úc, Việt Nam, New Zealand.

Hạnh phúc không phải đích đến, mà là hành trình khám phá

Chia sẻ tại hội thảo, ông Hobson nhấn mạnh, hạnh phúc không phải là một công thức hay mục tiêu mà có thể được trao tặng, mà là hành trình mỗi người tự khám phá thông qua trải nghiệm. Ông kể lại một khoảnh khắc ấn tượng khi quan sát một bé gái 5 tuổi trên sân chơi phế liệu. Cô bé mải mê sắp xếp đồ vật theo cách riêng, không cần người lớn can thiệp.

“Cô bé ấy không cần ai hướng dẫn hay áp đặt. Cô ấy chỉ cần không gian để tự do khám phá. Hạnh phúc của trẻ em không phải là điều chúng ta trao cho chúng, mà là điều chúng tự tìm thấy thông qua hành trình của riêng mình”, Hobson nói. Theo ông, một nền giáo dục hạnh phúc không phải là những bài học dày đặc hay chương trình đào tạo cứng nhắc. Đó là môi trường nơi trẻ có thể tự do lựa chọn, chơi đùa, thất bại và tự mình khám phá cách vượt qua khó khăn.

'Học tập qua chơi' – chìa khóa hạnh phúc trong giáo dục mầm non ảnh 2

Ông Thomas Hobson – Chuyên gia tư vấn giáo dục trẻ em đến từ Hoa Kỳ.

Hobson nhấn mạnh vai trò của vui chơi trong quá trình học tập. Với ông, vui chơi không chỉ là cách giải trí mà còn là cách trẻ em học hỏi tự nhiên nhất. “Chơi là khi trẻ tự quyết định làm gì mà không bị bất kỳ ai bảo phải làm”, ông giải thích.

Một trong những kinh nghiệm ông chia sẻ tại hội thảo là việc mua những chiếc chổi nhỏ để trẻ em dọn dẹp lớp học. Thế nhưng, thay vì sử dụng chổi nhỏ, trẻ lại chọn những chiếc chổi lớn của người lớn. Ông nhận ra rằng, trẻ em luôn muốn làm những điều mà người lớn làm, tham gia vào thế giới thật.

“Những rủi ro nhỏ trong vui chơi, như ngã, trầy xước, hay thất bại trong việc xây dựng mô hình, đều là cơ hội quý giá để trẻ học cách đối mặt và vượt qua khó khăn. Tôi luôn bảo phụ huynh rằng hãy vui khi con bạn về nhà với vài vết băng dán trên tay. Điều đó có nghĩa chúng đã dám thử và khám phá điều mới mẻ”, Hobson nói. Theo ông, những thất bại nhỏ trong quá trình chơi chính là cách trẻ rèn luyện khả năng kiên nhẫn và phát triển tư duy giải quyết vấn đề. Đây là những bài học vô giá, vượt xa những con số hay điểm số trên giấy tờ.

Vui chơi chính là hành trình khoa học đầu tiên của trẻ

Hobson đưa ra quan điểm, giữa vui chơi và khoa học có mối liên hệ với nhau. Ông cho rằng, khi trẻ chơi, chúng không đơn thuần làm theo bản năng mà đang thực hành những bước cơ bản nhất của nghiên cứu khoa học: quan sát, thử nghiệm, thất bại và điều chỉnh. Ông dẫn chứng từ câu nói nổi tiếng của Albert Einstein: “Chơi là hình thức nghiên cứu cao nhất”. Đối với trẻ em, mỗi lần ghép sai một miếng ghép, mỗi lần xếp chồng khối gỗ không thành công, là một lần chúng học cách đặt câu hỏi và tìm ra cách giải quyết.

Hobson cũng bày tỏ sự lo ngại về xu hướng giáo dục hiện đại quá chú trọng vào điểm số và các kỹ năng học thuật như đọc, viết, toán học. Theo ông, những kỹ năng này chỉ là công cụ. Giáo dục thực sự phải là hành trình giúp trẻ hiểu về bản thân, biết sống và làm việc trong cộng đồng.

'Học tập qua chơi' – chìa khóa hạnh phúc trong giáo dục mầm non ảnh 3

Theo ông Thomas Hobson, hạnh phúc không phải đích đến, mà là hành trình khám phá.

“Hạnh phúc và sự phát triển của trẻ không nằm ở việc chúng biết đọc hay tính toán sớm, mà ở việc chúng có thể tự do chơi, khám phá và xây dựng mối quan hệ với mọi người xung quanh”, ông khẳng định.

Bài thuyết trình khép lại với thông điệp mạnh mẽ từ Thomas Hobson: Hạnh phúc không phải là món quà người lớn mang đến cho trẻ, mà là hành trình trẻ tự mình khám phá. Và hành trình ấy bắt đầu từ những điều đơn giản nhất – một khoảng sân chơi, vài món đồ phế liệu, hay chỉ là một chiếc chổi.

Hãy để trẻ tự mắc lỗi và trưởng thành từ sai lầm

Chia sẻ bên lề hội thảo với báo chí, Thomas Hobson cho hay, trẻ em cần được phép tự trải nghiệm và rút ra bài học từ những sai lầm của chính mình. Điều này không chỉ giúp trẻ tự lập mà còn giảm áp lực cho cha mẹ trong việc giáo dục.

"Thay vì ra lệnh hay mắng mỏ, tôi khuyên cha mẹ nên dành thời gian kết nối và lắng nghe con. Khi trẻ cảm thấy được tôn trọng, chúng sẽ muốn hợp tác hơn. Một cách tiếp cận đơn giản là công nhận cảm xúc của trẻ, chẳng hạn: Cha/mẹ hiểu con buồn vì không được đi chơi công viên hôm nay, nhưng chúng ta có việc khác cần làm. Vậy khi nào chúng ta có thể đi được, con nghĩ sao?", Hobson nói. Theo ông, trẻ em dù nhỏ nhưng cũng có cảm xúc và phẩm giá như người lớn. Khi được đối xử tôn trọng và trung thực, trẻ sẽ dần phát triển thành những cá nhân tự lập, biết cách đối mặt với thế giới một cách vững vàng.

'Học tập qua chơi' – chìa khóa hạnh phúc trong giáo dục mầm non ảnh 4

Thomas Hobson chia sẻ bài thuyết trình đầy cảm hứng mang tên “Đặt mục đích và hạnh phúc làm trọng tâm của giáo dục mầm non".

Hobson cho rằng, phương pháp thưởng - phạt thường được áp dụng trong việc dạy trẻ nhưng không phải là giải pháp dài lâu. Phần thưởng dễ dẫn đến việc trẻ ngày càng đòi hỏi nhiều hơn, trong khi hình phạt cần phải tăng cường độ để duy trì hiệu quả. Điều này tạo ra vòng lặp không lành mạnh, khiến cả cha mẹ và trẻ đều mệt mỏi.

Thay vào đó, việc giáo dục trẻ cần dựa trên sự trung thực và rõ ràng về những giới hạn mà trẻ có thể hoặc không thể làm. Thay vì kiểm soát toàn bộ hành vi của trẻ, cha mẹ nên để con tự chịu trách nhiệm với cảm xúc của mình. Giống như người lớn, trẻ cần thời gian để điều chỉnh khi gặp phải những cảm xúc tiêu cực, thay vì bị yêu cầu phải vượt qua ngay lập tức.

Cách tiếp cận này không chỉ giúp trẻ tự lập mà còn tạo không gian cho cha mẹ sống cuộc đời riêng của mình, giảm thiểu các căng thẳng không cần thiết trong quá trình nuôi dạy con.

MỚI - NÓNG