Học sinh tự do lựa chọn môn học: Trường khó đáp ứng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông bậc THPT cuối cùng trở thành môn bắt buộc, kéo theo nhiều sự thay đổi khác. Dù không để học sinh tự do lựa chọn các môn học, nhiều trường THPT vẫn phải xây dựng tổ hợp vì không thể đáp ứng hết yêu cầu của các em.

Nếu như trước đó, học sinh chỉ học 7 môn bắt buộc và 5 môn lựa chọn từ 3 nhóm tổ hợp thì giờ đây, các em phải học 8 môn bắt buộc. Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu bỏ việc xây dựng các nhóm môn tổ hợp, thay vào đó, học sinh tự chọn 4 trong 9 môn. Ngoài các môn bắt buộc, học sinh sẽ chọn 4 môn trong các môn: Địa lí; Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật.

Hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội cho biết, trước đó cho học sinh chọn thử các môn thì mỗi em một kiểu, nhà trường không thể đáp ứng. Do đó, nhà trường sẽ tính toán và đưa ra 6 nhóm tổ hợp, yêu cầu học sinh đăng ký theo nguyện vọng để xếp lớp vừa đáp ứng cơ sở vật chất vừa đảm bảo việc cân đối việc làm cho giáo viên.

Ngoài ra, còn có các chuyên đề học tập, mỗi môn học như Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý… có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hoá sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, giải quyết các vấn đề thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp. Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 hoặc 15 tiết. Tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Theo điều chỉnh mới nhất của Bộ GD&ĐT, không kể các môn tự chọn, học sinh THPT có 997 tiết học/năm. Trong đó, các môn bắt buộc có số tiết cụ thể: Ngữ văn (105), Toán (105), Ngoại ngữ 1 (105), Lịch sử (52), Giáo dục thể chất (70), Giáo dục quốc phòng và an ninh (35). Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cũng được dành thời lượng khá lớn (105 tiết/năm).

Học sinh tự do lựa chọn môn học: Trường khó đáp ứng ảnh 1

Năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 10, Bộ GD&ĐT buộc phải điều chỉnh Lịch sử từ môn lựa chọn sang bắt buộc

Đối với Chương trình môn Lịch sử cấp THPT, môn học này sẽ là bắt buộc đối với tất cả học sinh, có thời lượng là 52 tiết/năm (được điều chỉnh từ 70 tiết/năm). Chuyên đề học tập lựa chọn Lịch sử gồm 35 tiết/năm.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), nói rằng, trường đã ứng biến linh hoạt nên sự điều chỉnh hiện nay không gây xáo trộn. Trước đó, ngay từ khi có thông tin Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, trường đã cho học sinh 1 tuần để nghiên cứu và đăng ký theo phương án lựa chọn tổ hợp. Theo bà, với thay đổi như hiện nay, các trường có thể có nhiều cách làm khác nhau.

Ví dụ, có trường vẫn xây dựng phương án 4 môn lựa chọn theo định hướng tổ hợp Khoa học tự nhiên và Tổ hợp Khoa học xã hội. Khi đó, sẽ có các nhóm như Lý- Hóa - Sinh - Tin, Lý - Hóa - Sinh - Địa, Địa - Giáo dục Kinh tế và Pháp luật - Tin- Lý… Hoặc trường nào không định hướng theo các tổ hợp cũng có nhiều phương án để học sinh tự lựa chọn. “Nếu sau này, thi tốt nghiệp THPT là 4 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Lịch sử và 2 môn lựa chọn vẫn không bị vướng mắc vì hiện nay quy định học sinh chọn 4 môn trong 9 môn”, bà Hiền nói.

Có môn học phải “để trắng”

Ông Lê Văn Dị, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa), cho biết, sau khi có thông tin điều chỉnh, trường phải thông báo ngay cho phụ huynh, học sinh để có thời gian nghiên cứu. Ngày 8/8, trường bắt đầu tập trung học sinh lớp 10 để các em đăng ký môn học. Điều ông băn khoăn là sau khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc với thời lượng 52 tiết sẽ được lấy từ chương trình 70 tiết/năm trong sách giáo khoa vừa biên soạn. Riêng chuyên đề 35 tiết sẽ chọn từ chương trình, sách giáo khoa nào thì Bộ GD&ĐT vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, nên nhà trường, giáo viên còn rất lúng túng.

Ngoài ra, với cách chọn 4 trong 9 môn ông, Dị cho rằng sẽ có rất nhiều sự lựa chọn khác nhau, trường không thể đáp ứng hết nguyện vọng của học sinh. Hiện nay, ngay trong trường đã có tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ; sau khi lựa chọn môn học, ông lo lắng, học sinh sẽ đổ dồn về một số tổ hợp cơ bản và sẽ thừa giáo viên ở một số môn như Công nghệ, Giáo dục công dân, Địa lý… Khi học sinh lựa chọn sẽ có tình trạng số lượng lựa chọn không đồng đều, trường chia 1 lớp sẽ quá đông, chia 2 lớp lại quá ít.

Ngay trong năm học này, học sinh có lựa chọn môn Mỹ thuật, Âm nhạc thì nhà trường cũng không thể đáp ứng vì không có giáo viên. Kể cả những năm tiếp theo, nếu tuyển giáo viên bộ môn này về nhưng có ít học sinh lựa chọn, thầy cô sẽ không có việc. Ngược lại, không tuyển đành “để trắng” môn học vì không có giáo viên để ký hợp đồng. “Như vậy, nói là học sinh lựa chọn nhưng sẽ phải vận động, định hướng các em chọn thế nào cho phù hợp với điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất của trường”, ông Dị nói.

MỚI - NÓNG