Được thầy cô giáo dạy về những bài học về bảo vệ môi trường, Trần Nam Phong, học sinh lớp 6, một trường THCS tại Hà Nội luôn trăn trở với những hình ảnh rác thải đã tác động đến cuộc sống.
Khi biết Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa thải ra biển rất lớn, em mong mỏi, mình cần phải làm việc gì đó có ý nghĩa để giúp những loài động vật dưới nước không bị mắc kẹt trong túi ni lông, rác thải nhựa.
Nam Phong là cậu học trò yêu thiên nhiên và có ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường sống từ sớm. Khi còn là học sinh Trường tiểu học Đô thị Sài Đồng, quận Long Biên, em đã thực hiện dự án “Phân loại và tái chế rác thải” với mong muốn xây dựng cộng đồng giảm thiểu rác thải nhựa. Phong đã lên ý tưởng và tự mình thiết kế poster tuyên truyền dán ở bảng tin khu phố và lớp học.
Nam Phong tự phân loại rác tại nhà và kêu gọi các bạn trong lớp cùng tham gia. |
Dự án của Phong ban đầu chỉ đơn giản là thực hiện phân loại rác thải tại gia đình. Em đã tìm hiểu cách phân loại rác thải rồi nhờ mẹ mua thùng rác hai ngăn để phân thành rác thải hữu cơ và rác thải vô cơ. Khi trở thành thói quen, chiều nào em cũng tự tay phân loại rác thải, giữ lại các chai lọ nhựa có thể tái chế làm chậu hoa, ống cắm bút, tái chế đồ chơi. Ý tưởng của Phong được các bạn nhỏ trong khu cư dân cùng thực hiện. Nhờ đó, lượng rác thải của gia đình em và các hộ gia đình xung quanh giảm đi đáng kể.
Không chỉ thực hiện ở nhà, Phong đem ý tưởng phân loại rác lên lớp học và được bạn bè hưởng ứng. Cô giáo hướng dẫn học sinh gấp gọn vỏ hộp sữa, phân loại ống hút, không vứt chung với nhau như trước. Những hôm có vỏ hộp sữa chua các em sẽ cùng nhau rửa sạch để tái chế thành các món đồ dùng, đồ chơi nho nhỏ vào giờ sinh hoạt lớp. Nam Phong từng có video lọt vào top Những dự án triển vọng Quốc gia - Hạng mục cá nhân tại cuộc thi International Student Speech Contest tổ chức thường niên bởi Tập đoàn giáo dục Quốc tế FranklinCovey (Hoa Kỳ).
Hay em Vương Bích Diệp và Nguyễn Ngọc Anh, học sinh lớp 9, Trường THCS Di Trạch, huyện Hoài Đức (Hà Nội) có đề án đoạt giải Nhì cuộc thi “Đại sứ giảm nhựa” do Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức.
Bích Diệp cho biết, hai bạn đã cùng thực hiện tác phẩm dự thi bằng video nhằm hướng tới các bạn trẻ kêu gọi sự cần thiết phải có các hành động bảo vệ môi trường bằng những việc cụ thể như: sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, hạn chế sử dụng rác thải nhựa.
Diệp và Ngọc Anh được Ban tổ chức cuộc thi đánh giá về sự sáng tạo khi dựng tác phẩm kể về cuộc đời của nhân vật mang tên: “Chai nhựa, từ nhà máy đến thùng rác”. Từ nhà máy, chai nhựa có sứ mệnh chứa thức ăn, đồ uống cho con người. Tuy nhiên, sau khi sử dụng, không ít người vô ý vứt thẳng ra môi trường, gây hại cho cuộc sống vì mất hàng trăm năm chai nhựa mới được tiêu hủy. Nhân vật “chai nhựa” đã truyền đi thông điệp “hãy tái chế tôi” hoặc sử dụng sản phẩm thay thế vì một môi trường xanh - sạch - đẹp.
Từ hiểu sẽ dẫn đến hành động
Bích Diệp nói rằng, mục tiêu của dự án nhằm nhở các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường hình thành thói quen vứt rác đúng nơi quy định, có ý thức về việc bảo vệ môi trường đồng thời khuyến cáo mọi người hạn chế sử dụng đồ nhựa và thay thế bằng những sản phẩm tự nhiên dễ dàng phân hủy.
Vương Bích Diệp và Nguyễn Ngọc Anh,Trường THCS Di Trạch (thứ hai, thứ ba từ phải sang) trong lễ trao giải Cuộc thi "Đại sứ giảm nhựa" hồi đầu tháng 12 năm nay. |
Bà Lê Thị Loan, Hiệu trưởng Trường THCS Di Trạch nói rằng, dạy học sinh bảo vệ môi trường từ lý thuyết đến thực tiễn rất gần gũi. Đó là hướng dẫn các em làm từ việc nhỏ trong cuộc sống hằng ngày như: tắt đèn khi không sử dụng, mang túi vải đi chợ, bảo vệ cây xanh xung quanh… Thầy cô thường xuyên nói với các em học sinh, những việc làm nhỏ bé đó đều góp phần bảo vệ môi trường sống.
Cũng theo bà Loan, môi trường đang bị ô nhiễm nghiêm trọng và chúng ta cần phải ý thức được việc bảo vệ không gian, môi trường sống là việc chung của tất cả mọi người dân. Trong đó, nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho học sinh về ô nhiễm môi trường, tác hại của rác thải nhựa.
Trường THCS Di Trạch đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, mời chuyên gia môi trường hoặc các tổ chức bảo vệ thiên nhiên đến để chia sẻ thông tin về vấn đề ô nhiễm cho học sinh nghe đồng thời đưa ra các chiến dịch giảm thiểu rác thải nhựa, khuyến khích học sinh sử dụng các sản phẩm tái chế hoặc thay thế nhựa bằng các vật liệu thân thiện với môi trường.
“Từ việc hiểu, các em học sinh sẽ dần thay đổi nhận thức, thay đổi thói quen, hành động cụ thể như không vứt rác bừa bãi, không sử dụng túi bóng, làm các sản phẩm đồ dùng học tập từ các sản phẩm tái chế...”, Hiệu trưởng Trường THCS Di Trạch nói.
“Bằng cách kết hợp dạy lí thuyết và thực hành, giúp học sinh hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của rác thải nhựa đối với sức khỏe con người và sự sống của hệ sinh thái, từ đó tạo động lực cho các em tham gia tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường”, bà Loan nói.
Ngoài ra, nhà trường cũng đã tổ chức các cuộc thi sáng tạo clip, hoạt cảnh, biểu diễn thời trang thiết kế bằng vật liệu tái chế... nhằm giúp học sinh hiểu hơn tác hại của rác thải nhựa với môi trường. Cho học sinh tham gia các buổi dọn dẹp môi trường, làm đẹp cảnh quan trường học.