Học sinh 'nhập vai' thành viên Liên Hợp Quốc

Nhà Iron Lady được truyền cảm hứng bởi Margaret Thatcher - “người đàn bà thép” trong chính trị Anh quốc
Nhà Iron Lady được truyền cảm hứng bởi Margaret Thatcher - “người đàn bà thép” trong chính trị Anh quốc
Trong 4 ngày, tại MIV MUN Camp 2019 – trại hè Mô phỏng Hội nghị Liên Hợp Quốc, các trại viên được “hóa thân” vào vai những đại biểu đại diện cho các quốc gia trên toàn thế giới, cùng nhau thảo luận và quyết định về các vấn đề kinh tế – chính trị – xã hội nóng bỏng trên toàn cầu. 

Mô phỏng LHQ (Model United Nations – MUN) là hoạt động được tổ chức bởi các thanh thiếu niên trên toàn thế giới nhằm mô phỏng các phiên họp của LHQ - nơi các bạn trẻ đóng vai là những lãnh đạo quốc gia để bàn luận, đưa ra giải pháp cho những vấn đề toàn cầu như bình đẳng giới hay biến đổi khí hậu. Nhận thấy những lợi ích MUN đã mang lại cho bản thân cũng như thế hệ trẻ Việt Nam, năm 2016 một nhóm học sinh PTTH Hà Nội đã thành lập MIV- Model United Nations Institute Vietnam (Học viện mô phỏng LHQ Việt Nam). Theo thành viên Ban tổ chức, trước đây nhiều người nghĩ tranh biện mô phỏng LHQ chỉ dành cho học sinh nhà giàu, trường quốc tế, MIV ra đời để tiếp cận MUN đến học sinh tại các tỉnh trong cả nước.

MIV đã từng tổ chức tập huấn và thi tranh biện tại một số trường chuyên Anh và song ngữ tại Hà Nội. Sau khi đã lọt qua 8-10 vòng loại, người đoạt giải sẽ được nhận được chiếc búa có khắc tên mình.

Hiểu cá tính từng quốc gia để nhập vai

Trại hè lần đầu tổ chức này đã thu hút được một lượng đáng kể học sinh từ nhiều tỉnh, đông nhất là khối lớp 10,11, 12, đặc biệt có 2 trại viên nhỏ tuổi nhất học lớp 6 trường Phổ thông Liên cấp Song ngữ Hoa Kỳ Wellspring.

Trong 4 ngày các bạn trẻ đã, đang hay sẽ làm quen với Mô phỏng Liên Hợp Quốc được dạy các kỹ năng, kiến thức về MUN như Ngoại giao, Chính trị. Giảng viên của trại hè là những Muners từng đoạt Cây búa tranh biện và du học sinh ngành chính trị, kinh tế, quan hệ quốc tế nghỉ hè về nước.

Trong trại hè, các trại viên được chia vào các nhóm khác nhau được gọi là “Nhà” có màu đại diện riêng, một nguyên tố đại diện riêng (Ánh sáng, Lửa, Nước, Kim loại, Gió) và một hình tượng đại diện. Có 5 nhà tổng cộng: Nhà Margaret Thatcher, Nhà Franklin D. Roosevelt, Nhà Cleopatra, Nhà Joan of Arc, Nhà Joseph Stalin. Mỗi nhà được truyền cảm hứng bởi một nhân vật lịch sử. Nhà đó sẽ đặt mình vào vị trí của nhân vật, bảo vệ quan điểm chính trị và lý giải những quyết định họ từng đưa ra, đối mặt với những chất vấn của thế giới.

Sau khi tham gia trại hè, học sinh nhận được sự tự tin khi phát biểu trước đám đông, hiểu biết về những vấn đề của thế giới, tinh thần đồng đội, kỹ năng ngoại giao và nâng cao khả năng nghe nói tư duy bằng tiếng Anh.

Đoạt giải Best Delegate ở phần Mock MUN (tức làm thử Mô phỏng Liên Hợp Quốc) nữ sinh Trần Bảo Khanh (tốt nghiệp PTTH Lê Quí Đôn, Quảng Trị) chia sẻ: “Những hoạt động như Mô phỏng LHQ đã thực sự thay đổi em từ một người nhút nhát trở nên tự tin trước đám đông hơn rất nhiều. Đặc biệt mỗi lần tham gia MUN em phải tìm hiểu thông tin về một nước và vấn đề nào đó thật kỹ, chuẩn bị về ngôn ngữ để giúp mình mở rộng kiến thức về xã hội và thế giới hơn”.

Nguyễn Tài Tâm, học sinh lớp 11 trường chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định)  tại buổi MOCK MUN  đóng vai đại biểu Ấn Độ bàn về chủ đề “Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo vào ngành Giáo dục”. Nhiều nước cho rằng đề nghị đó sẽ gây ra vấn đề thất nghiệp cũng như đòi hỏi ngân sách tài chính lớn. Trong phiên họp, Tâm cùng đại biểu Nhật Bản, Pakistan và Pháp đã chống lại đại biểu Mỹ và Hàn Quốc. Nhóm Ấn Độ có tiềm lực về kinh tế nên tận dụng lợi thế đó, tài trợ cho các nước đang phát triển để lôi kéo đồng minh. Còn nhóm của bạn đại biểu Mỹ cho rằng giáo viên có thể sẽ bị thay thế hoàn toàn bởi robot (nhóm Ấn Độ không đồng ý điều này) nên đã tập trung nâng cao chất lượng giáo viên. Cuối cùng, nhóm Ấn Độ của Tâm đã chiến thắng khi bản dự thảo nghị quyết đã được 15/20 đại biểu của hội đồng bỏ phiếu đồng ý. Đây là lần đầu tiên Tâm viết một bản dự thảo nghị quyết và đã được thông qua. “Điều này khiến em rất vui và có động lực cho hành trình đi MUN sắp tới”. 

Quá khó để dự họp LHQ thật

Theo trưởng ban truyền thông MIV MUN Camp Nguyễn Thu Yến, ước mơ của các Muners là được tham dự cuộc họp đích thực của Ủy ban LHQ Việt Nam, nhưng việc này quá khó. Năm 2017, nữ sinh lớp 10 Thu Yến đại diện Trường phổ thông Olympia đi thi tranh biện ở Indonesia đã đoạt giải xuất sắc ở hạng mục Các quốc gia lần đầu tham gia. Nhiều lần tham dự tranh biện quốc tế, Thu Yến và đội đồng hương từng sốc trước biên độ kiến thức của các đối thủ “Bằng tuổi chúng em thôi mà các bạn hiểu biết sâu rộng, họ biết rõ về luật thuế  các nước, nói vanh vách chỉ ra từng chi tiết về thuế Việt Nam”. Hệt như ngoài đời, tại hội nghị mô phỏng LHQ, các bạn trong vai Mỹ tham gia áp đảo hầu hết các vấn đề; Thụy Sĩ khá trung dung; Trung Quốc bị các nước tấn công mạnh về rác thải công nghiệp, Pakistan chậm trễ giải quyết nạn tảo hôn, sử dụng lao động trẻ em... còn đại diện Việt Nam thì luôn khiêm tốn, kiệm lời.

Năm 2018 Thu Yến từng gửi bài viết nêu quan điểm đến LHQ tại Thái Bình Dương, bài viết của em được đăng lên trang web của tổ chức. Hơn một lần Yến gửi thư bày tỏ nguyện vọng tham dự họp LHQ Việt Nam nhưng được trả lời là “phải đủ 18-20 tuổi mới được họp”. Thu Yến viết tiếp thư thắc mắc: “Cháu nghĩ 18-20 tuổi là đã muộn để thay đổi tư duy. Tại sao các cô chú không thử cùng thảo luận với đối tượng trẻ hơn? Sao không gắn kết với giới trẻ?”. Chưa ai trả lời câu hỏi này của Yến.

Có một số lần LHQ VN mời người trẻ dự hội thảo nhưng chỉ là con em đại sứ và gia đình tên tuổi “thế là chưa công bằng”, Thu Yến bày tỏ. 

Ngay sau trại hè, MIV sẽ tư vấn một loạt hoạt động mô phỏng LHQ  tại các tỉnh Đà Nẵng, Hải Phòng, Thái Nguyên và TP Hồ Chí Minh... Thời gian tới MIV dự định soạn thảo nội dung mô hình MUN bằng tiếng Việt.

Học sinh 'nhập vai' thành viên Liên Hợp Quốc ảnh 1 Nhà Cleopatra thắng giải “Nhà xuất sắc nhất” nhờ tinh thần đoàn kết của các thành viên
Học sinh 'nhập vai' thành viên Liên Hợp Quốc ảnh 2 Mỗi bạn đóng vai đại biểu của một quốc gia khác nhau. Khi các đại biểu giơ bảng tên quốc gia của mình là khi họ muốn truyền tải/chia sẻ/phát biểu về lập trường quốc gia của mình
MỚI - NÓNG
Lý do Thanh Thủy mặc áo dài khi trở về Việt Nam
Lý do Thanh Thủy mặc áo dài khi trở về Việt Nam
TPO - Hoa hậu Thanh Thủy trở về nước nhà với tà áo dài đầy thướt tha. Hoa hậu chọn cho mình mẫu áo dài hồng nhạt đồng nhất với màu ngọc trai trên vương miện. Đây cũng là dịp để Hoa hậu Quốc tế 2024 quảng bá vẻ đẹp của người con gái Việt trong tà áo dài với khán giả trong nước và quốc tế.