Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, để dự tuyển vào trường THPT công lập điều kiện là học sinh hoặc bố, mẹ của học sinh có hộ khẩu thường trú (HKTT) tại Hà Nội; học sinh hoặc bố, mẹ của học sinh đã hoàn thành thủ tục nhập HKTT, có giấy hẹn nhận kết quả của công an quận, huyện, thị xã.
Học sinh dự tuyển vào trường THPT công lập tự chủ tài chính, trường THPT ngoài công lập thuộc các diện trên; học sinh cư trú tại Hà Nội (có xác nhận cư trú tại địa bàn của công an cấp phường, xã, thị trấn).
Thí sinh tốt nghiệp THCS năm học 2020-2021 tại các cơ sở giáo dục nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển tại cơ sở giáo dục nơi học sinh đang học.
Thí sinh tự do, nếu thí sinh học tập ở tỉnh ngoài, nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển tại phòng GD&ĐT nơi thí sinh hoặc bố, mẹ thí sinh cư trú.
Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở năm học 2020-2021 tại các tỉnh, thành phố phía Bắc (từ Thanh Hóa trở ra), đủ điều kiện đăng ký dự tuyển vào lớp chuyên hoặc lớp không chuyên của Trường THPT Chu Văn An thì nộp phiếu đăng ký dự tuyển tại Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy (số 485 đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Những ngày qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Tại Hà Nội, học sinh các khối lớp phải tạm dừng việc học, các trường chuyển từ dạy trực tiếp sang trực tuyến, nhiều phụ huynh lo lắng nên kiến nghị nên bỏ môn thi thứ 4 (Môn Lịch sử) kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay.
Tuy nhiên, Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tới đây được giữ ổn định với 4 bài thi.
Cách tính điểm xét tuyển vào lớp 10 tại Hà Nội thế nào?
Năm 2021, thí sinh thi vào vào lớp 10 THPT công lập Hà Nội bằng bốn môn gồm: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và Lịch sử. Với bài thi ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thay thế bằng một trong các thứ tiếng như: tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn.
Các bài thi môn Toán và Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút/ bài thi. Bài thi môn Ngoại ngữ và bài thi môn thứ tư sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút. Thí sinh sẽ làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm.
Điểm xét tuyển = (Điểm bài thi môn Toán + Điểm bài thi môn Ngữ văn) x 2 + (Điểm bài thi môn Ngoại ngữ + Điểm bài thi môn thứ tư) + Điểm ưu tiên.
Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển tối đa vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, 2 và 3. Trong đó, nguyện vọng 1, 2 thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định; nguyện vọng 3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Trường hợp học sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng thì có thể thuộc bất kỳ khu vực tuyển sinh nào (học sinh sẽ trúng tuyển nếu có điểm xét tuyển lớn hơn hoặc bằng điểm chuẩn trúng tuyển của trường).
Trường hợp học sinh đăng ký 2 nguyện vọng thì nguyện vọng thứ nhất thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định; còn nguyện vọng thứ hai thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ (học sinh sẽ trúng tuyển nguyện vọng thứ hai nếu không trúng tuyển nguyện vọng thứ nhất và có điểm xét tuyển lớn hơn hoặc bằng 1,0 điểm so với điểm chuẩn trúng tuyển của trường).
Điểm mới đáng chú ý trong công tác tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông tại Hà Nội năm nay là học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển như các năm trước.
Năm nay Hà Nội chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Học sinh xác định khu vực tuyển sinh dựa vào hộ khẩu thường trú của học sinh (hoặc của bố, mẹ học sinh).