Học sinh Đà Nẵng hồi hộp ‘ngóng’ đề thi THPT đợt 1

Nhiều thí sinh bày tỏ sự hồi hộp trong khi theo dõi sĩ tử cả nước bước vào kì thi THPT Quốc gia đợt 1
Nhiều thí sinh bày tỏ sự hồi hộp trong khi theo dõi sĩ tử cả nước bước vào kì thi THPT Quốc gia đợt 1
TPO - Phải tạm hoãn kì thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do tình hình dịch bệnh COVID – 19 diễn biến phức tạp, các sĩ tử Đà Nẵng dự kiến sẽ dự thi trong đợt 2 của kì thi này (chưa xác định thời gian). Tuy nhiên, nhiều thí sinh bày tỏ sự hồi hộp trong khi theo dõi sĩ tử cả nước bước vào kì thi quan trọng này.

Sáng 8/8, hàng nghìn sĩ tử đã tiến hành làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 năm 2020. Tuy phải thực hiện cách ly xã hội, nhưng các sĩ tử Đà Nẵng vẫn rất hồi hộp và theo dõi kì thi này

Được tuyển thẳng vài ĐH Y và có ý định sẽ đi du học, tuy nhiên, Huỳnh Ngọc Khải, (học sinh lớp 12 Sinh, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) vẫn theo dõi liên tục thông tin về kì thi.

“Trong tình hình dịch bệnh, việc hoãn thi sẽ đảm bảo an toàn cho các thí sinh ở vùng dịch như Đà Nẵng. Nếu xét ra, chúng em thi sau cũng có một chút lợi thế khi có thể tham khảo đề thi đợt 1 để xem xét độ khó, mức độ ra đề và phạm vi kiến thức trong đề thi để có sự chuẩn bị kỹ càng hơn cho đợt 2. Đề thi đợt 1 là cơ hội để chúng em tập dợt, thử sức với đề thi và có định hướng ôn tập phù hợp”, Khải nói.

Tuy nhiên, theo Khải, việc thi đợt 2 khi mà thời gian thi vẫn chưa được xác định vì  tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng khiến các thí sinh chờ đợi với tâm trạng nơm nớp, hồi hộp.

Đồng ý với quan điểm trên, Đỗ Nhật Huy (học sinh lớp 12 trường THPT Thanh Khê), cho hay các thí sinh thi đợt 2 sẽ có những áp lực riêng.”Nhiều ý kiến cho rằng, các thí sinh thi đợt 2 sẽ có nhiều thời gian hơn để ôn tập hơn các thí sinh đợt 1 nhưng trên thực tế, tụi em sống trong khu vực có dịch bệnh nên khá căng thẳng.Việc này cũng tác động nhiều đến tâm lý nên việc ôn tập nhiều hơn một ít thời gian cũng không đáng kể”, Huy nói.

Theo Huy, em cũng hồi hộp như các bạn thí sinh thi đợt 1, không biết đề thi sẽ thế nào, độ khó ra sao, nằm trong những nội dung kiến thức nào. “Thi sau chúng em sẽ có thể tham khảo được đề thi đợt 1, để có thể ước lượng độ khó cho đề thi đợt 2, đó là một lợi thế”, Huy cho hay.

Cả Khải và Huy đều mong muốn sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 chứ không nên áp dụng phương thức xét tuyển học bạ. “Trước tình hình dịch phức tạp, nhiều ý kiến nhắc đến phương án xét tuyển theo học bạ. Nhưng em thấy xét tuyển học bạ thực sự không công bằng với nhiều bạn, bởi học bạ chưa thực sự phản ánh đúng năng lực của học sinh. Nếu có tình huống đó xảy ra, em không biết là phương án thi nào sẽ được đưa ra, nhưng em mong một phương án công bằng, đánh giá đúng năng lực của tất cả học sinh”, Khải nói.

Trước đó, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi các trường THPT và các trường trực thuộc, trung tâm giáo dục thường xuyên để hướng dẫn học sinh lớp 12 phát huy tinh thần tự học, nghiên cứu bộ đề thi đợt 1 vào hai ngày 9/8 và 10/8.

Theo đó, Sở GD&ĐT đề nghị hướng dẫn cán bộ, giáo viên thường xuyên giữ mối liên lạc với học sinh, phối hợp với cha mẹ học sinh động viên các em học sinh lớp 12 tránh tâm lí hoang mang, lo lắng để tập trung tiếp tục ôn tập kiến thức, phát huy tinh thần tự học, tăng cường rèn luyện các kĩ năng cần thiết để phân tích đề và giải quyết tốt yêu cầu của đề thi; nghiên cứu, làm quen với định dạng, cấu trúc của các bộ đề thi minh họa năm 2020, bộ đề thi chính thức kì thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 1.

Các đơn vị trực thuộc liên quan theo dõi, cập nhật những thông tin, thông báo trên các phương tiện truyền thông, sử dụng website của nhà trường để cung cấp thông tin chính thống, giúp giáo viên và học sinh nắm bắt những nội dung cần thiết, liên quan đến kì thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

MỚI - NÓNG
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
TPO - Dù cố gắng dồn sức tháo gỡ ngay đầu năm, tháo gỡ cơ chế chính sách, làm cật lực nhưng quy mô nền kinh tế vẫn không tăng hơn nhiều so với các năm trước. Điều đó, cho thấy sự lớn mạnh của thành phố vẫn còn chậm, các bước nhịp chưa được nhanh, chưa có hoạt động đột phá để nâng cao giá trị…