Học sinh chuyền thìa bằng môi: Không nên bê nguyên trò chơi nước ngoài

Hình ảnh được cho là phản cảm khi các em học sinh ở Cần Thơ chơi trò chuyền thìa.
Hình ảnh được cho là phản cảm khi các em học sinh ở Cần Thơ chơi trò chuyền thìa.
TPO - "Quan điểm của tôi thì không có trò chơi phản cảm hay không phản cảm. Chỉ có cách thức, bối cảnh tổ chức, lời dẫn dắt, thông điệp đọng lại ở người chơi và khán giả mới làm nó trở nên phản cảm hay không"- TS tâm lý Trần Thành Nam nêu quan điểm về vụ chuyền thìa bằng môi của học sinh Cần Thơ.

Những ngày vừa qua, dư luận bàn tán về một clip dài gần 1 phút 40 giây ghi lại cảnh học sinh trường THPT Thực hành Sư phạm (thuộc ĐH Cần Thơ) chơi trò tập thể mang tên "chuyền thẻ qua mặt". Nhiều ý kiến cho rằng phản cảm, không phù hợp với môi trường giáo dục. 

Trò chơi được thực hiện theo cách thức một học sinh nằm xuống đất đặt tấm thẻ lên môi. Học sinh khác giới sẽ nằm đè lên người nằm dưới, đồng thời đặt môi lên tấm thẻ, cả hai sẽ lăn một vòng để giữ cố định sao cho tấm thẻ không rơi xuống. 

Trò chơi này được Trường THPT Thực hành Sư phạm tổ chức vào ngày 19/8. Một học sinh của trường quay clip nhằm lưu giữ kỷ niệm. Sau đó, học sinh này đăng tải lên mạng xã hội để chia sẻ với bạn bè, với nhận thức đây là hoạt động vui chơi bình thường của học sinh.

PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với TS tâm lý Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

Học sinh chuyền thìa bằng môi: Không nên bê nguyên trò chơi nước ngoài ảnh 1 TS Tâm lý Trần Thành Nam
Đừng tổ chức trò chơi mà không biết ý nghĩa

PV: Ông nhìn nhận thế nào về việc học sinh trường THPT Thực hành Sư phạm (thuộc ĐH Cần Thơ) chơi trò tập thể mang tên "chuyền thẻ qua mặt"?

TS Trần Thành Nam: Nếu chỉ nhìn thấy những hình ảnh của trò chơi được tổ chức, cá nhân tôi cũng thấy có nhiều điều phản cảm không phù hợp với các giá trị văn hoá của Phương Đông đặc biệt là những hoạt động này lại được diễn ra trong một môi trường mô phạm như trường THPT thực hành sư phạm.

Ở giác độ của người tổ chức, có lẽ họ mới chỉ quan tâm đến khía cạnh tổ chức sự kiện hoạt động team building sao cho thật đáng nhớ, thật ấn tượng. Thói quen của nhiều người, kể cả những người làm trong ngành giáo dục, diễn giả nổi tiếng cũng thường sử dụng các chủ đề cấm kỵ, những câu chuyện tiếu lâm về tình dục, về bộ phận sinh dục nam/ nữ để tăng độ hấp dẫn cho câu chuyện hoặc thu hút sự chú ý của người khác. Vì vậy, có thể hiểu những người tổ chức sự kiện này đã muốn tổ chức các trò chơi mang tính chất “cấm kỵ” để giúp những học sinh vượt qua rào cản tâm lý ngại ngùng của cá nhân, tìm kiếm sự phấn khích và sẽ ghi nhớ sâu đậm sự kiện này.

Hoạt động này có thể được chấp nhận nếu cách thức tổ chức khác đi. Chẳng hạn như sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ một chương trình giáo dục giới tính và tình yêu tình dục cho học sinh. Hoạt động tổ chức trong khuôn viên phòng học.

Các thành viên hiểu được nội dung tính chất của hoạt động và cam kết thực hiện những quy định của buổi sinh hoạt (ví dụ như những hình ảnh trong hoạt động này là tài sản riêng tư của nhóm và không ai có quyền quay phim chụp hình để chia sẻ ra ngoài nhóm.) Sau mỗi hoạt động/ trò chơi sẽ cần có những thông điệp rút ra để định hướng học sinh về các giá trị liên quan đến tình bạn, tình yêu, tình dục.

PV: Ông ý kiến thế nào về việc đây là trò chơi này được lấy từ nước khác và nó không phù hợp ở Việt Nam?

Bản thân mỗi trò chơi được thiết kế đều có những mục đích nhất định. Quan trọng là người tổ chức trò chơi lựa chọn mục đích nào và mục đích đó có phù hợp với bối cảnh hay không. Tôi lấy ví dụ có rất nhiều “sex game show” được thiết kế và phát trên kênh truyền hình chính thống (Ví dụ như ở Nhật) vào khung giờ tối vì chính phủ muốn tác động và khuyến khích các cặp đôi sinh đẻ nhiều hơn để đối phó với tình trạng dân số già hoá và tỉ lệ sinh thấp.

Ở nước ngoài người ta cũng khuyến khích các cặp đôi trung tuổi “sexting” (chơi trò nhắn tin gợi tình) cho nhau để tăng cảm giác vợ chồng, giảm thiểu bệnh tật và khả năng ly dị. Tuy nhiên, những game show này bị cấm với trẻ em và sexting không được khuyến khích ở những cặp vợ chồng trẻ tuổi vì chúng mang lại nhiều nguy cơ hơn.

Vì vậy, chúng ta không thể chỉ mang hình thức những trò chơi như thế về nước tổ chức mà không hề biết mục đích ý nghĩa của những trò chơi, những đối tượng mà nó hướng tới… kể cả khi khoác cho nó một cái áo về giáo dục giới tính cho học sinh.

Ngược lại, những “người phán xử” cũng cần hiểu được mục đích, ý nghĩa và bối cảnh của những hoạt động trò chơi đã được tổ chức để không vội kết tội một chương trình sex game show ở nước ngoài là vô học hay vô văn hoá. Đó là bài học mà tôi thấy cần rút ra sau sự kiện này.

Không có trò chơi phản cảm hay không phản cảm

PV: Xin ông cho biết những trò chơi phản cảm như vậy sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý học sinh ở độ tuổi này như thế nào?

Những trò chơi phản cảm ảnh hưởng đến tâm sinh lý trẻ như thế nào? Đó là một câu trả lời khó vì chúng ta trước nay không có nghiên cứu định lượng trả lời những câu hỏi cụ thể này ở Việt Nam.

Tuy nhiên dựa vào những nghiên cứu ở nước ngoài, có thể có những giả định như sau: (1) Những trò chơi mô tả hành vi tình dục không có tác dụng giáo dục giới tính mà chỉ có tác dụng kích thích việc thực hành những hành vi này trên thực tế; (2) Những trò chơi mô tả hành vi tình dục làm tăng tỉ lệ nữ sinh tham gia trò chơi bị quấy rối tình dục do bị bạn bè thách thức; (3) Sự phổ biến của các trò chơi mô tả hành vi tình dục làm giới trẻ hiểu nhầm và bình thường hoá việc thực hiện hành vi tình dục ở nơi công cộng.

Quan điểm của tôi thì không có trò chơi phản cảm hay không phản cảm. Chỉ có cách thức, bối cảnh tổ chức, lời dẫn dắt, thông điệp đọng lại ở người chơi và khán giả mới làm nó trở nên phản cảm hay không. 

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG