Học sinh bị rối loạn sức khỏe tâm thần do áp lực điểm số

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Sự thành công không nằm ở điểm số nhưng điểm số giúp con đường đi của chúng ta sau này trở nên ngắn hơn nếu chúng ta có mục tiêu và hoạch định được tương lai của mình”

Đó là chia sẻ của Thạc sĩ Trần Thị Thanh Trà (giảng viên Trường Đại học Mở TPHCM) với hơn 2000 học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình, TPHCM) tại chương trình “Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến trường học” với chủ đề “Giúp học sinh vượt qua áp lực thi cử” do báo Tiền Phong phối hợp cùng AIA Việt Nam, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Trường Đại học Mở TPHCM và Ngân hàng Nam Á tổ chức ngày 8/4.

Học sinh bị rối loạn sức khỏe tâm thần do áp lực điểm số ảnh 1

Diễn giả chia sẻ với học sinh tại chương trình. Ảnh: Ngô Tùng.

Theo khảo sát về các áp lực học sinh gặp phải tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, tỷ lệ học sinh bị áp lực về điểm số, thi cử, mối quan hệ chiếm phần lớn. Áp lực kéo dài khiến các em rối loạn về sức khỏe tâm thần như bị trầm cảm, rối loạn lo lắng và lâu dần khiến các em mắc phải Overthinking.

Học sinh bị rối loạn sức khỏe tâm thần do áp lực điểm số ảnh 2

Thạc sĩ tâm lý Trần Thị Thanh Trà cho hay, điểm số không đánh giá giá trị của một người nhưng là cơ hội để giúp học sinh tiệm cận với những mục tiêu đặt ra. Ảnh: Ngô Tùng.

“Mỗi người có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Chúng ta có tám loại hình trí thông minh, miễn là các bạn tìm ra được điểm mạnh của mình để lấy cái đó làm cơ sở và mục tiêu. Lúc đó, chúng ta nhận diện được bản thân và phát triển được giá trị riêng. Thành công không chỉ là giải được một phương trình. Nó là cơ sở giúp các bạn hoàn thành được mục tiêu đầu tiên trong cuộc đời, đó là mục tiêu học tập” - thạc sĩ Trà nói.

Cô Trà cũng nhắn nhủ các bạn học sinh cần coi học tập là quá trình “Step by step” - ngồi lại và lập ra kế hoạch học tập, vạch kế hoạch ngắn, khi đạt được những mục tiêu ngắn thì lúc đó có thể hoàn thành được mục tiêu xa hơn và dài hơn trong tương lai. Chuyên gia này khuyến cáo các em, khi quá căng thẳng, quá áp lực thì nên tập trung thở sâu và thư giãn để vượt qua giai đoạn không kiểm soát được cảm xúc của mình.

"Tập tư duy tích cực, chắc chắn khi bước vào trường học, các bạn có mục tiêu rõ ràng thì sẽ vượt qua những khó khăn trước mắt” - nữ chuyên gia tâm lý chia sẻ về những phương pháp giúp các bạn học sinh thoát khỏi áp lực hiệu quả.

Học tập là con đường ngắn nhất dẫn tới thành công

Một số bạn vì áp lực điểm số, học tập nên đã gửi câu hỏi tới chương trình: “Có phải con đường học tập là con đường duy nhất để dẫn đến thành công hay không?”.

Giải đáp thắc mắc này, diễn giả Nguyễn Quang Huy - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dgroup Holdings - Hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu Việt Nam, giảng viên thỉnh giảng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng nhìn nhận mỗi người đều có những sở trường khác nhau. Khi các em không thực sự tập trung vào thế mạnh, sở trường thì sẽ khó có được con đường ngắn nhất dẫn đến sự thành công.

Học sinh bị rối loạn sức khỏe tâm thần do áp lực điểm số ảnh 3

Diễn giả Nguyễn Quang Huy chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Ngô Tùng.

“Chúng ta nên đi con đường ngắn nhất để tiết kiệm thời gian của mình và bố mẹ đầu tư cho mình. Khi có sự tập trung ở thế mạnh và sở trường của mình thì bạn có thể đi con đường ngắn. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường - nơi rèn luyện sở trường của mình để trở thành xuất sắc thì đấy là lúc bạn phát huy được năng lực bản thân mình. Đồng thời, con đường học là con đường ngắn nhất để đi đến thành công nhưng nó không phải là con đường duy nhất, mà phải quanh co và lòng vòng”, diễn giả Nguyễn Quang Huy nói.

Chuyên gia này cũng khuyến khích các bạn trẻ đi tìm cho mình “sở trường” riêng, sau đó đặt câu hỏi, liệu rằng sở trường đó mình có thực sự đam mê và yêu thích đến cuối cùng hay không.

“Sở trường không chỉ theo các bạn khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Việc đó còn theo bạn đến cuối cuộc đời. Các bạn có thể bắt đầu từ việc xác định môn mình thích, đi tìm cho mình một sở trường, dù là môn học giáo dục công dân hay giáo dục thể chất. Bạn chỉ học đến 18, 20 tuổi nhưng đến 40, 50 tuổi thì những gì các bạn được học sẽ được áp dụng”, diễn giả Huy chia sẻ.

Học sinh bị rối loạn sức khỏe tâm thần do áp lực điểm số ảnh 4

Học sinh tự tin kể về trải nghiệm của mình. Ảnh: Ngô Tùng.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng khuyên các bạn trẻ cần tích cực trải nghiệm cuộc sống, trau dồi kiến thức nhằm giúp các bạn rút ngắn thời gian thực hiện mục tiêu. Nếu chúng ta mất hai điều này thì sau này phải tốn nhiều tiền “mua lại”.

Anh Nguyễn Quang Huy cũng khuyên các bạn trẻ ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường cố gắng rèn luyện thói quen như dậy sớm, chăm chỉ hơn, đọc những cuốn sách mình tâm đắc...

“Cuộc đời con người có một vài giai đoạn thôi. Và, những giai đoạn đó không thể trở lại. Do đó, bạn trẻ nên sống thật ý nghĩa những khoảng thời gian mình đang có”, anh Huy chia sẻ những điều giúp bạn trẻ hình thành những thói quen tốt và bật mí đây là điều mà những người thành công đã từng thực hiện.

Học sinh bị rối loạn sức khỏe tâm thần do áp lực điểm số ảnh 5

BTC trao hoa cảm ơn các diễn giả đồng hành cùng chương trình. Ảnh: Ngô Tùng.

Chương trình “Hỗ trợ tâm lý học đường – Đưa chuyên gia đến với trường học” là một phần trong khuôn khổ chương trình Trường học Lành mạnh nhất AIA mà AIA đang thực hiện từ tháng 8 năm 2022.

Chương trình Trường học Lành mạnh nhất AIA ra đời với mục tiêu hỗ trợ các học sinh trong độ tuổi từ 5 đến 16 có thói quen sống khỏe bằng cách khuyến khích chế độ ăn uống lành mạnh, xây dựng lối sống năng động, tinh thần tốt cũng như sức khỏe và sự bền vững trong môi trường học đường giúp các em hiểu về bản thân, cải thiện chất lượng cuộc sống, từ đó hướng đến cuộc sống Khỏe hơn, Lâu hơn, Hạnh phúc hơn.

MỚI - NÓNG