Học nhiều, ăn ít

Học nhiều, ăn ít
TP - Có tới 80% trong số học sinh THPT ở trường An Nghĩa huyện Cần Giờ (TPHCM) ngất xỉu là do suy dinh dưỡng kèm “hội chứng rối loạn phân ly tập thể”.

> Học sinh ngất xỉu hàng loạt

Nhà trường bán đồ ăn đảm bảo vệ sinh cho các em. Ảnh: Gia Huy
Nhà trường bán đồ ăn đảm bảo vệ sinh cho các em. Ảnh: Gia Huy.

Ngất dây chuyền

Theo thầy Ngô Tấn Hưng, Hiệu trưởng nhà trường, nữ sinh ngất xỉu bắt đầu từ tháng 10 và chỉ lẻ tẻ vài em, đến đầu tháng 11 thì ngất đồng loạt. Đỉnh điểm là buổi chào cờ đầu tuần, sáng 5-11, bất ngờ một nữ sinh lớp 11 ngất xỉu, sau đó khoảng hơn 50 nữ sinh của cả 3 khối 10, 11, 12 đồng loạt ngất theo.

Hiện tượng này kéo dài từ đó tới ngày 9-11, tổng số 75 em. “Chỉ cần một em xỉu tức thì các em khác - dù đang khỏe mạnh - cũng xỉu theo” - thầy Hưng nói.

Bác sĩ Vũ Kim Hoàn - Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Tâm thần TPHCM cho biết, quá trình khảo sát cho thấy, một số em có biểu hiện rối loạn tâm thần: “Một số em có tiền sử bệnh động kinh, một số khác có rối loạn tâm lý. Cũng không loại trừ nguyên nhân học sinh thấy bạn mình bị ngất được quan tâm nên mình cũng muốn như vậy, bởi vậy chúng tôi nghĩ đây là hội chứng phân ly tập thể”.

Cô Trần Thị Tâm, giáo viên môn Hóa của trường nói, không chỉ trường An Nghĩa mà tất cả trường ở huyện Cần Giờ đều có học sinh ngất xỉu, nhưng số lượng ít hơn.

“Trong lúc sinh hoạt dưới cờ, bỗng một em ngất xỉu, sau đó các em khác thấy khó thở, tay chân run lên rồi ngất theo” - cô Tâm kể.

Tình trạng này diễn ra đồng loạt ở các khối. Thầy Hưng cho biết, trường đã có biện pháp cách ly khi xảy ra sự cố, đồng thời phát sữa và đồ ăn sáng cho các em bị ngất xỉu có thể trạng yếu, để tránh… ngất dây chuyền.

Theo thầy Hưng, học sinh thường nhịn ăn sáng, hoặc có ăn cũng chỉ là bánh ngọt. Buổi trưa, các em lang thang đâu đó, tới giờ thì vào học.

“Học sinh của trường đều có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đi làm xa gửi con cho người thân. Phụ huynh cho con tiền mà không biết con có ăn hay không. Có lẽ do các em nhịn ăn nên mới ngất”- bà Thơm bán nước tại cổng trường nói.

“Sáng em ít khi ăn, trưa đói mới ăn. Nếu không đói, bọn em uống trà sữa tới giờ học vào học. Tiền để mua truyện đọc”- em Nguyễn Thu Hương, lớp 12A4, trường An Nghĩa nói.

Học nhiều, ăn ít

Mặc dù các chuyên gia tâm thần cho rằng, bước đầu có thể thấy học sinh ngất xỉu hàng loạt do hội chứng rối loạn phân ly tập thể, song theo khảo sát về chế độ dinh dưỡng của học sinh trường này, bác sĩ Nguyễn Thị Nga Hương - Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng thuộc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho biết, có một nửa trong tổng số học sinh bị ngất xỉu không được đáp ứng đủ Kcal trong bữa ăn sáng.

Học sinh bỏ bữa ăn sáng có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng cơ thể và quá trình học tập. Khi bỏ bữa sáng cơ thể mệt mỏi, ngủ gục, hạ canxi đường huyết, gây suy dinh dưỡng. Nếu thiếu dinh dưỡng sẽ dẫn đến không đủ chất cho não hoạt động, nhất là đường glucose.

Theo bác sĩ Hương, mỗi học sinh chỉ được đáp ứng 200 - 300Kcal trong mỗi bữa ăn sáng, trong khi chế độ dinh dưỡng cần cung cấp ở mức 600 - 700Kcal/học sinh/bữa ăn sáng.

Bác sĩ Hương cho biết, ngoài một số em ngất xỉu gầy còm, 4 học sinh bị ngất xỉu phải nằm ở phòng y tế có biểu hiện thiếu máu, mặt xanh xao.

“Khi được hỏi, một số học sinh cho rằng, buổi sáng chỉ ăn mì gói, hoặc nhịn luôn. Ăn mì gói thì cao nhất chỉ cung cấp khoảng 300Kcal, trong khi cơ thể cần 700Kcal/bữa sáng. Sau một đêm ngủ dậy, các em không ăn sáng mà vận dụng trí óc để học và làm bài nên ngất xỉu càng dễ xảy ra hơn” - bác sĩ Hương cho biết.

Trao đổi với Tiền Phong, BS Chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp- Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM - cho biết, nghiên cứu cũng cho thấy học sinh THPT ở TPHCM bị suy dinh dưỡng ở mức đáng báo động.

“Có gần 1/4 học sinh THPT bỏ bữa ăn sáng vì không kịp thời gian, vào học sớm, bài vở nhiều, nhất là các đợt thi cử, khiến các em bị suy dinh dưỡng” - bác sĩ Diệp nói.

Khảo sát trên 1.404 học sinh THPT tại TPHCM để tìm hiểu khả năng nhận thức vóc dáng bản thân, thói quen ăn uống và kiến thức cơ bản về phòng chống thiếu máu của đối tượng này, các chuyên gia ở Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho biết, học sinh có thói quen không ăn sáng chiếm gần 18%; không ăn trưa 2,6% và không ăn tối là 2,4%.

“Tỷ lệ học sinh nội thành bỏ bữa ăn sáng chiếm đến 20,3%, cao gấp đôi học sinh ngoại thành là 11,7% và vùng ven là hơn 11%” - bác sĩ Diệp cho hay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG