Học luật sở hữu trí tuệ qua smartphone

Các bạn sinh viên ĐH Luật Hà Nội tham quan triển lãm ảnh dự thi của các bạn sinh viên về chủ đề pháp luật. Ảnh: Lưu Trinh
Các bạn sinh viên ĐH Luật Hà Nội tham quan triển lãm ảnh dự thi của các bạn sinh viên về chủ đề pháp luật. Ảnh: Lưu Trinh
TPO - Ngày 6/11, Hội Sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Hội Sinh viên Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức Ngày hội “Sinh viên với pháp luật”, với sự tham gia của hàng ngàn sinh viên

Tại ngày hội, BTC ra mắt cuốn cẩm nang về Luật Sở hữu trí tuệ dành cho sinh viên, sản phẩm do Hội Sinh viên 3 trường phối hợp biên soạn, trong đó vai trò chính là Hội Sinh viên Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội. Cuốn cẩm nang ngắn gọn, súc tích nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản, quan trọng và những tình huống thực tiễn của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Đặc biệt, cuốn cẩm nang này, ngoài đọc bản cứng, bạn trẻ đọc trực tiếp trên smartphone thông qua check mã QR Code trên Facebook.

Học luật sở hữu trí tuệ qua smartphone ảnh 1 Mã QR Code để đọc cẩm nang Luật Sở hữu trí tuệ trên smartphone.

Trong khuôn khổ ngày hội, diễn ra buổi tọa đàm “Văn hóa và nghệ thuật – Dưới góc nhìn pháp luật về sở hữu trí tuệ”, với sự tham gia của đạo diễn Việt Tú; PGS. TS Vũ Thị Hải Yến, Phó Trưởng khoa Pháp luật Dân sự, ĐH Luật Hà Nội; Luật sư Lê Quang Vinh, Giám đốc Công ty Luật SHTT Bross và Cộng sự.

Theo PGS. TS Vũ Thị Hải Yến, Phó Trưởng khoa Pháp luật Dân sự, ĐH Luật Hà Nội, sản phẩm sáng tạo không chỉ là một tác phẩm tinh thần mà là một tài sản mang giá trị vì họ có sự đầu tư lớn về công sức, trí tuệ đáp ứng nhu cầu thị hiếu ngày càng cao. Thực tế cho thấy, hiện nay, hành vi xâm phạm quyền tác giả vô cùng phong phú, đa dạng, dưới nhiều hình thức khác nhau; trong khi pháp luật là tĩnh, mang tính định hướng. Vì vậy, việc xử lý phát hiện, xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả không hề đơn giản.

Học luật sở hữu trí tuệ qua smartphone ảnh 2  Đạo diễn Việt Tú (ngoài cùng, bên trái) cùng các diễn giả bàn về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Ảnh: Lưu Trinh

Đạo diễn Việt Tú cũng cho rằng, việc vi phạm quyền sở hữu tác phẩm trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật diễn ra rất nhiều, thỉnh thoảng lại ầm ĩ lên một vụ. Bản thân anh, cũng đang theo đuổi vụ kiện quyền tác giả liên quan đến vở thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” suốt 3 năm nay. Theo đạo diễn Việt Tú, giờ đây, với sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp giải trí, như ở Hollywood với nền công nghiệp giải trí tỷ đô, mỗi cú xâm phạm đều ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đạo diễn Việt Tú chia sẻ, người làm nghệ thuật bên cạnh niềm đam mê thì cần sự thành công được thể hiện bằng mặt tài chính. Việc tác phẩm của tác giả cứ bị xâm phạm, bị xem lậu không chỉ ảnh hưởng về mặt tài chính, doanh thu mà còn khiến tác giả không còn động lực phấn đấu, sáng tạo nữa.

Theo đạo diễn Việt Tú, người làm nghệ thuật ở Việt Nam chưa ý thức tốt về vấn đề sở hữu quyền tác giả tác phẩm; bên cạnh đó, chế tài chưa đủ mạnh để mang tính chất răn đe, giáo dục.

Một số hình ảnh tại Ngày hội "Sinh viên với pháp luật":

Học luật sở hữu trí tuệ qua smartphone ảnh 3 Tham quan triển lãm ảnh về chủ đề pháp luật. Ảnh: Lưu Trinh
Học luật sở hữu trí tuệ qua smartphone ảnh 4 Sinh viên hào hứng tham quan triển lãm ảnh về chủ đề pháp luật. Ảnh: Lưu Trinh
Học luật sở hữu trí tuệ qua smartphone ảnh 5 Bên cạnh đó là hội sách do Sinh viên ĐH Luật Hà Nội thực hiện. Ảnh: Lưu Trinh
MỚI - NÓNG