Loại nhạc cụ nhỏ nhất Việt Nam
Trong tháng 9, đầu tháng 10 này, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang sẽ tổ chức 3 workshops tại Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh và Đà Lạt để chia sẻ về một nhạc cụ dân tộc được cho là nhỏ nhất của Việt Nam (đàn môi) nhưng có âm lượng, âm sắc đặc biệt và hấp dẫn.
Ngoài khả năng sáng tác và giọng hát truyền cảm, Ngô Hồng Quang có thể chơi được nhiều nhạc cụ truyền thống như đàn nhị, đàn bầu, đàn môi, đàn k’ny, đàn tính, chiêng dây… |
“Đàn môi là nhạc cụ dùng để giao duyên của người Mông. Tôi biết chơi nó trước khi tìm hiểu về văn hóa người dân tộc này. Sau này đi điền dã tôi mới hiểu được vì sao nó lại là nhạc cụ để tỏ tình. Âm bồi của đàn môi tạo ra rộng và đủ sâu để truyền đi được tình cảm chất chứa trong lòng những người muốn kiếm tìm tình yêu khi phải sống ở những không gian cách trở. Khi thấy những người chưa từng gặp mặt có thể nhận ra nhau ở phiên chợ tình qua âm thanh của tiếng đàn, tôi thấy thật sự kỳ diệu”, Ngô Hồng Quang chia sẻ.
Một fan của đàn môi, anh Trịnh Nguyên Huy (Hà Nội) cho biết: Tôi thích đàn môi qua những lần đi Tây Bắc, thấy người Mông thổi đàn môi rất là tình tôi đã muốn học. Cảm giác nó là loại nhạc cụ cực kỳ cơ động và thích hợp với nhiều người. Tôi cũng muốn tìm hiểu về nghệ thuật diễn tấu cũng như lịch sử của loại đàn này.
Hà Anh (ĐH Hà Nội) cũng chia sẻ: Tôi sắp đi du học, các anh chị đi trước nói tốt nhất nên học chơi một loại nhạc cụ. Trước tôi có học guitar nhưng nghĩ mang sang châu Âu nó không có gì mới lạ. Đàn môi thì khác, nó rất độc đáo với người nước ngoài, lại gọn nhẹ, có thể tùy thân mang theo, ở đâu cũng tập, cũng diễn được.
Trong một lần phỏng vấn, Ngô Hồng Quang từng chia sẻ, anh thích văn hóa Mông nói chung và đã nhiều lần đem nó vào âm nhạc. Tác phẩm "Xuân sớm" gợi mở những câu chuyện về một mùa xuân sớm ở vùng núi cao Hà Giang, về tình yêu của những người trẻ, hay ca khúc “Giấc mơ trên lưng” là những ví dụ. Trước đó, anh còn có ca khúc “Lông chông”, trong tiếng Mông nó có nghĩa là chim họa mi.
Quang kể, nhân duyên để viết bài này là từ sự kết nối chân thật giữa anh và hai con chim họa mi ở nhà một người Mông. Khi đó, anh và nghệ sĩ Nguyên Lê ở Hà Giang quay MV “Về đồi non”, mỗi lúc đi làm về đều thấy hai con họa mi trong lồng “hót líu lo, hót vui mừng, hót sung sướng lắm. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Sau đó tôi viết “Lông chông” cho đàn nhị solo như là một cách trả ơn hai con chim”.
Tiết mục “Lông chông” đem đi biểu diễn ở các sân khấu nước ngoài lần nào cũng khiến nghệ sĩ và khán giả cùng “bay” bởi âm hưởng tự do và khoáng đạt của nó.
“Khi ra nước ngoài mới có điều kiện nhìn lại Việt Nam và đánh giá thật chuẩn giá trị âm nhạc truyền thống của mình. Lúc trong nước có khi không để ý, không phát hiện ra có những cái đẹp ngay bên cạnh. Âm nhạc phương Tây với tôi giống như một tấm gương, để soi vào nhạc dân tộc, thấy rằng nhạc dân tộc Mông đẹp thế hay thế, quan họ mềm mại thế… phải gìn giữ nó như thế nào?” Ngô Hồng Quang nói thêm.
Văn hóa bản địa là một giá trị đáng để “khoe” ra
Trong số các nghệ sĩ trẻ hiện nay đang làm việc với nhạc cụ truyền thống, Ngô Hồng Quang (tốt nghiệp thạc sĩ sáng tác âm nhạc đương đại tại Học viện âm nhạc Hoàng gia Den Haag, Hà Lan, trước đó là giảng viên dạy đàn nhị tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam) là cái tên đã được quốc tế hóa. Bên cạnh việc bền bỉ đem âm nhạc của mình đi biểu diễn ở Hà Lan, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Ba Lan... anh còn liên tục mở rộng biên độ khai thác các giá trị âm nhạc bản địa.
"Đã đến lúc văn hóa bản địa Việt Nam cần được chung sống bình đẳng với các nền văn hóa bản địa khác trên thế giới, không chỉ bằng các giá trị gốc nguyên bản mà bằng cả những sáng tạo mang tính đương đại. Đó là một xu thế tất yếu trong thời buổi mọi giới hạn đang bị xóa nhòa. Văn hóa là một giá trị để chúng ta định vị mình là ai, đến từ đâu", anh nói.
Công trình đem nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới của Ngô Hồng Quang không chỉ được giới trẻ hưởng ứng. Mới đây, anh kể, các thầy then ở Lạng Sơn, Cao Bằng liên hệ qua facebook cám ơn anh vì đã đưa đàn tính ra thế giới, và bày tỏ mong muốn học từ anh.