Một cảm giác buồn và lành lạnh chạy dọc theo sống lưng người… Tôi siết tay ga tăng tốc nhưng bị sức gió thổi mạnh làm chao đảo tay lái.
Chờ gió tạm lắng, chúng tôi lại lên đường. Đến cảng cá Bình Thắng, cảnh nhốn nháo vẫn còn. Hàng trăm mái nhà bị bão hất tung. Mọi người đang tập trung cứu vớt tàu bị chìm (tại bến 5 chiếc, ngoài sông 2 chiếc) và dìu dắt nhau rời xa cảnh đổ nát.
Ngoài lực lượng cứu hộ tại địa phương, có Trung đoàn 9 – Sư 8 đã cử 150 chiến sỹ quân nhân đến hỗ trợ cho bà con gặp nạn. Xã Bình Thắng bị tổn thất nhiều về tài sản (100% nhà bị tróc mái, hơn 540 nhà bị sập), nhưng rất may là không có người chết, có 3 trường hợp bị thương.
Tại Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị sức tàn phá của gió bão cũng không kém, đã làm thiệt mạng 2 bà lão (ở xã Thạnh Trị) cùng hàng trăm ngôi nhà bị sập, tróc mái…
Từ tỉnh lộ 883 về Thạnh Phước, Thừa Đức, Thới Thuận, hàng chục trụ điện bị đổ (có trụ đè cả lên những mái nhà sát lề đường), kèm theo đó là những tấm tôn bị gió cuốn vọp méo mó nằm vắt ngang đường điện trông như những cánh diều đứt dây bị vướng.
Tại Đồn Biên phòng 594 Thừa Đức, hơn 400 người dân tập trung về đây để lánh nạn. BCH đồn đã phân công cán bộ chiến sĩ chăm sóc cho dân. Trung tá Trương Công Đoàn – Đồn phó quân sự cho biết:
“Chúng tôi đã tiến hành di dân xong từ chiều hôm qua. Ba xã gồm Thừa Đức, Thới Thuận, Bình Thắng có hơn 600 người được di dời, những ai không đi thì chúng tôi tiến hành cưỡng chế”.
Đa số những người đến đây đều là dân ở ấp Thừa Long, nhà họ bị sập 100% nên không có chỗ nương náu.
Khoảng 13 giờ 30 phút, trên đường đến UBND xã Thừa Đức, chúng tôi được tận mắt chứng kiến thêm nhiều ngôi nhà bị sụp đổ, nhiều thân dừa bị gió thổi gãy ngang và hàng trăm người dân đang trong cảnh màn trời chiếu đất.
Ông Trần Văn Phải, một người ở tổ tự quản số 2 ấp Thừa Lợi đi lánh nạn, giọng ngậm ngùi: “Tui đã 85 tuổi, từ nào tới giờ nghe nói bão số 5 hồi năm chín mươi mấy là dữ lắm mà… Giờ đây, tui mới biết bão là nguy hiểm thế nào”.
Hiện tại, ấp Thừa Lợi đã có hơn 400 dân sơ tán về tại nhà người quen và ở tạm tại các cơ quan, trường học. Một số người, vì sợ nước dâng cao đã dựng tạm lều vải “động” (thường gọi là gò mã, đất cao dùng chôn người chết) để ở.
Lúm xúm trong số ấy, chúng tôi bắt gặp chị Đặng Thị Lài (ấp Thừa Lợi) tay bồng đứa con đầu lòng (mới 1 tháng 3 ngày tuổi) đang ngồi bên một ngôi mộ đá chờ chồng dựng lều… Ông Lê Văn Tuấn – Q.Chủ tịch UBND xã Thừa Đức, thổ lộ: “Hiện đã hết chỗ cho người sơ tán ở…
Trước mắt, xã đã xuất chi ngân sách mười triệu đồng để mua thực phẩm (chủ yếu là mì tôm) và các thứ thiết yếu khác để cứu trợ dân”. Cùng với việc lo cái ăn cho dân đỡ lòng, Thừa Đức đã lập 3 tổ y tế tập trung vào các điểm đông dân cư đang lánh nạn, chăm sóc sức khỏe và theo dõi diễn biến bệnh tật.
Cơn bão số 9 như một hung thần hung hãn nhất từ trước đến nay đến vùng này, đã làm cho huyện Bình Đại bị thiệt hại nặng nề : 250 người bị thương và 6 người chết, làm cho 2.963 căn nhà bị sập, 24.324 nhà bị tróc nóc, đánh chìm 7 tàu (đã vớt được 5 chiếc).
Ông Nguyễn Hữu Lập –Bí thư Huyện ủy Bình Đại đã chỉ đạo cho các ngành cần phối hợp chặt chẽ nhanh chóng khắc phục hậu quả, gấp rút sửa chữa lại trường học, bệnh viện, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc…
Trước mắt, hỗ trợ cho gia đình có người chết 2 triệu đồng/người, điều trị miễn phí cho người bị thương (người bị thương nặng được trợ cấp thêm 500 ngàn đồng), đối với hoa màu bị tàn phá có thiệt hại từ 80% thì được hỗ trợ 200 ngàn đồng/công đất.