Thay vì không ưa Hoạn Thư, giận Cám, khán giả lại rơi nước mắt cảm thông. Hoạn Thư đa cảm, mong manh, Cám bất chấp tất cả để yêu một người… Các nhân vật được thổi hồn mới, chạy xa tác phẩm gốc. Nhưng Nguyễn Du đã khuất bóng gần 200 năm nay, nên ông không thể lên tiếng về chuyện người ta nhào nặn Hoạn Thư khác đi. Còn cô Cám cũng như cô Tấm là món “của cải” trong gia tài văn học dân gian nên hậu sinh tự do sử dụng, khỏi lo chuyện bản quyền.
Làm sao có thể ghét Cám đây!
Hơn hai tháng trước, màn trở lại của Chi Pu qua MV “Anh ơi ở lại” được đánh giá khá “ngoạn mục”, khi cán mốc gần 7 triệu lượt xem sau gần 2 ngày ra mắt, nghiễm nhiên chiếm top 1 Trending Youtube. Một trong những “chiêu”, khiến “Anh ơi ở lại” dễ thu hút khán giả, đó là một kịch bản dựa trên truyện cổ tích Tấm Cám. Nhưng Chi Pu và ê kíp không trung thành với tác phẩm gốc. Họ khoác lên “Tấm Cám” chiếc áo mới tinh. Trong bản gốc, Cám và mẹ Cám là một phe, đại diện cho cái xấu, cái ác. Còn Tấm đại diện cho cái đẹp, cái Thiện. “Anh ơi anh ở lại” công khai “bào chữa” cho Cám: Cám vì yêu mà ác, “vì sợ cô đơn nên em mặc kệ đúng sai” (lời bài hát).
Hình ảnh Cám lê đôi bàn chân rớm máu với ánh mắt đau khổ dõi theo kiệu của vua và nàng Tấm khuất dần, đã lấy nước mắt của bao bạn trẻ. Bên cạnh đó “Anh ơi ở lại” còn xây dựng một nhân vật không có trong truyện cổ, chàng thị vệ yêu đơn phương Cám.
Cả MV là cả trời yêu thương, đau khổ: Vua yêu Tấm, Cám yêu vua, thị vệ yêu Cám. Chi Pu hóa thân Cám, đẹp lu mờ người hóa thân Tấm: “Cám thì đẹp hơn Tấm. Thị vệ đẹp hơn Vua”, khán giả đánh giá. Theo đó, Cám và Thị Vệ sở hữu lượng fan đông đảo: “Hết Cám là Ninh Dương Lan Ngọc (trong phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể- PV). Giờ thì Cám là Chi Pu. Hỏi làm sao ta có thể ghét Cám đây?”.
Vua và Tấm trong truyện cổ đáng được yêu bao nhiêu bước vào MV của Chi Pu bỗng trở nên nhạt nhòa. Tấm còn ít nhiều bị ghét vì đã cản trở tình yêu của Cám. Xem xong MV có bạn làm thơ rằng: “Chàng vì nàng ta mà say/Ta vì chàng mà cay màu mắt/Chàng vì nàng ta mà khóc/Ta vì chàng mà người đời trách móc ngàn thu”. Những bình luận khác: “Hoàng tử chỉ nhìn thấy giọt lệ của công chúa, không nghĩ rằng phù thủy cũng biết đau”; “Ai cũng thấy nỗi buồn của Tấm, có ai nhìn thấy nước mắt của Cám đâu”.
Hoạn Thư, tri kỷ của Thúy Kiều?
Không như Cám trong truyện cổ là nhân vật phản diện, Hoạn Thư dưới ngòi bút tài tình của Nguyễn Du vô cùng sinh động, đầy mùi vị của đời sống. Chẳng đợi đến Sa Huỳnh “giải oan” cho Hoạn Thư. Ngay chính Hoạn Thư đã tự giải oan cho mình khi Kiều trở thành phu nhân của Từ Hải, bắt Hoạn Thư về trị tội.
Trước những lời mai mỉa của Kiều: “Đàn bà dễ có mấy tay/Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan/Dễ dàng là thói hồng nhan/Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều”. Hoạn Thư đã bào chữa, bản thân vô tội, chẳng qua vì ghen mà thành cay nghiệt, nhắc lại công với Kiều: “Rằng: Tôi chút dạ đàn bà/Ghen tuông thì cũng người ta thường tình/Nghĩ cho khi gác viết kinh/Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo/Lòng riêng riêng những kính yêu/Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai/Trót đà gây việc chông gai/Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng”. Mặc dù, trước đây Hoạn Thư không chặn đường sống của Kiều, cũng trọng tài Kiều, từng khen Kiều viết chữ đẹp “bút pháp tinh”,“So ra với thiếp Lan đình nào thua”. Song Hoạn Thư hay Thúy Kiều chẳng bao giờ nhận là tri kỷ của nhau. Đã là tri kỷ của nhau thì… hết chuyện để nói. Còn đâu một nhân vật ghen tuông nhất lịch sử văn học?
Nhạc sỹ Sa Huỳnh: Hoạn Thư là tri kỷ của Kiều
Còn Sa Huỳnh sau khi sinh nở “Hoạn Thư” gây tiếng vang nhất định, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, đã cho rằng: “Nhìn ở góc độ nào đó, Hoạn Thư còn là tri kỷ của Thúy Kiều”. Tri kỷ xưa nay vốn khó tìm, thế mà Hoạn Thư ở góc độ nào đó lại là tri kỷ của Thúy Kiều, chắc cha đẻ Truyện Kiều nếu còn sống cũng… chẳng biết nói gì?
Và Sa Huỳnh vẽ nên một Hoạn Thư đa cảm, có phần yếu đuối, mong manh, yêu thương day dứt: “Khi lời nói hình hài tan theo làn khói/Khi đôi cánh mỏi mệt lao theo dòng thác/Khi ngọn lửa càng dập trong tim càng cháy/Đất trời gieo oan trái cho nhau/Một trời mộng mơ/Còn tan hoang trong đôi mắt dối gian/Một thời dại hoang/Còn hằn in trên đôi môi oán than…”. Tất nhiên chẳng ai có quyền trách Sa Huỳnh, cảm thụ một tác phẩm văn học theo chiều hướng ra sao, là chuyện của mỗi người.
Hiện nay, việc khai thác kho tàng văn học Việt để cho ra đời những sản phẩm âm nhạc giải trí đang là xu hướng được nhiều nghệ sỹ lựa chọn. Một độc giả tạm thời điểm danh như sau: “Chuyện cổ tích Tấm Cám: Huỳnh Lập kể về dì ghẻ, Ngô Thanh Vân kể về hoàng tử, Chi Pu kể về Cám, 365 kể về cá bống”. Đâu chỉ dừng ở truyện cổ tích, Hoàng Thùy Linh “tấn công” văn học Việt Nam hiện đại với “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài) cùng một loạt những tác phẩm đình đám khác. Còn Sa Huỳnh khai thác văn học trung đại với tác phẩm tiêu biểu nhất: Truyện Kiều.
Ở đây, có một điều cần cân nhắc, những tác phẩm được các nghệ sỹ khai thác hiện nay, đều là những “hạt vàng, hạt ngọc” trong kho tàng văn học nước nhà. Khi đẩy hình tượng nhân vật đi quá xa so với bản gốc, có thể sẽ làm méo mó ít nhiều sáng tạo của người đi trước. Thí dụ khi xem “Anh ơi ở lại” của Chi Pu một bạn thốt lên: “Cả câu chuyện cổ tích được kể lại từ một góc nhìn ngược lại. Hay hơn cả chuyện cổ tích ban đầu”. Fan của Chi Pu quên rằng, không có chuyện cổ tích ban đầu thì lấy đâu “Anh ơi ở lại”? Chi Pu còn từng có ý: Sẽ ra tiếp phần 2, đi vào chuyện tình đam mỹ giữa Vua và Thị vệ. Chẳng biết cô ấy nói thật hay đùa? Nhưng e rằng đến đoạn đó thì bắt đầu… nhảm?!