Theo số liệu từ công ty phân tích dữ liệu FiinGroup, hiện có khoảng 16 doanh nghiệp đã hoàn thành trên 70% kế hoạch lợi nhuận năm 2022. Trong đó, nhóm vận tải, kho bãi góp nhiều cái tên như: VOS, GMD, HAH. Ngoài ra còn có BSR, GEG, HND, GAS, CII, BFC, PVT, CNG, HAX, EIB, BMI, UDJ, PHR.
Dù đã hoàn thành trên 70% kế hoạch lợi nhuận năm, nhưng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trên không mấy khởi sắc. Trong 1 tháng qua, chỉ có VOS (+23,6%), HAX (+9,6%), CII (+4,1%) VÀ UDJ tăng nhẹ 0,7%. Những cổ phiếu còn lại đều giảm giá. BSR giảm mạnh nhất 25,8%, GAS “bốc hơi” 19,5%, HAH là 17,1%, CNG (-15,5%), BFC (-12,6%)…
Tính đến ngày 15/7, có 84/1.702 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết (chiếm 28,5% tổng giá trị vốn hóa trên 3 sàn) đã công bố chính thức hoặc đưa ra ước tính kết quả kinh doanh cho quý 2/2022.
Lợi nhuận sau thuế quý 2 của nhóm này vẫn duy trì mức tăng trưởng hai chữ số so với cùng kỳ (+24,6%), chủ yếu được đóng góp bởi 11/27 ngân hàng.
Cụ thể, nhóm ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận tốt nhờ tận dụng gần hết room tín dụng được cấp. Mặc dù tăng trưởng 36,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng so với quý 1, lợi nhuận sau thuế quý 2 của 11 ngân hàng này tăng khá thấp (chỉ 6,8%) do dư địa mở rộng tín dụng không còn nhiều.
Dầu khí là nhóm có lợi nhuận tăng trưởng tích cực trong lần cập nhật thứ 4 này. Ở nhóm dầu khí, BSR có lợi nhuận sau thuế quý 2 tăng mạnh 227,5% so với cùng kỳ, khi giá dầu tăng bình quân 65% trong nửa đầu năm nay. Ước tính sớm về lợi nhuận đột phá của BSR được kỳ vọng từ giữa tháng 5/2022, giúp cổ phiếu BSR tăng 90% trong 1 tháng.
Tuy nhiên, do khá nhạy với diễn biến trên thị trường dầu quốc tế, cổ phiếu BSR đã quay đầu giảm gần 30% khi giá dầu thế giới hạ nhiệt trước những lo ngại rằng rủi ro suy thoái kinh tế tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu sẽ khiến nhu cầu về dầu giảm trong khi nguồn cung được nới lỏng.
Ở chiều ngược lại, thép và cao su là hai nhóm có lợi nhuận đảo chiều giảm mạnh sau giai đoạn hưởng lợi vì đứt gãy chuỗi cung ứng tạm thời trong giai đoạn COVID-19. Giá cổ phiếu thép và cao su cũng phản ứng đồng pha với diễn biến lợi nhuận trong quý 2, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều mã chia đôi thị giá.
Tuy nhiên, tuần qua, HPG và nhiều cổ phiếu ngành thép bất ngờ khởi sắc. Cổ phiếu HPG có phiên giao dịch ngày thứ 6 bùng nổ với 47,7 triệu cổ phiếu trao tay, tăng 4,5%. Lực mua HPG có sự hỗ trợ của nhà đầu tư nước ngoài, mua ròng 22 tỷ đồng trong tuần.
Tại nhóm ngành kinh doanh vận tải biển và logistics, tăng trưởng lợi nhuận đang trong xu hướng giảm tốc. Đây là quý thứ 4 liên tiếp lợi nhuận của các doanh nghiệp này tăng chậm lại trong bối cảnh chi phí đầu vào (chủ yếu là xăng dầu) tăng cao, nhưng giá cước vận tải biển bị điều chỉnh giảm khoảng 15-20% sau khi tình trạng tắc nghẽn cảng và thiếu container dịu bớt.
Áp lực lạm phát gia tăng và rủi ro suy thoái khiến nhu cầu nhập khẩu từ các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu yếu đi là trở ngại ngắn hạn đối với doanh nghiệp nhóm này. Do đó, năm 2023 có thể bắt đầu xuất hiện tình trạng dư thừa công suất trong ngành, do phần lớn các đơn hàng đóng tàu mới dự kiến sẽ được bàn giao trong năm 2023 và 2024.
Dù đã hoàn thành trên 70% kế hoạch lợi nhuận năm, nhưng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trên không mấy khởi sắc. Trong 1 tháng qua, chỉ có VOS (+23,6%), HAX (+9,6%), CII (+4,1%) VÀ UDJ tăng nhẹ 0,7%. Những cổ phiếu còn lại đều giảm giá. BSR giảm mạnh nhất 25,8%, GAS “bốc hơi” 19,5%, HAH là 17,1%, CNG (-15,5%), BFC (-12,6%)…