Hoãn mang bầu để múa Kiều

Kiều của Trần Hoàng Yến trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội . Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà
Kiều của Trần Hoàng Yến trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội . Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà
TP - Ballet Kiều vừa được Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tặng giải thưởng hạng A. Hoàng Yến (vai Kiều) và Sùng A Lùng (Tú Bà) đều được tặng bằng khen từ những đóng góp cho vở. Có thể nói nếu không có NSƯT Trần Hoàng Yến sẽ chưa thể có ballet Kiều, dù biên đạo múa Tuyết Minh có trăn trở sáng tạo đến đâu…

Có lẽ vì vở diễn tên Kiều nên Kiều không thể nào ngừng múa. Trong suốt thời gian Kiều diễn ra, Yến chỉ kịp vào trong để uống ngụm nước hay khoác thêm tấm áo.

Hoãn mang bầu để múa Kiều ảnh 1
Hoãn mang bầu để múa Kiều ảnh 2 Trần Hoàng Yến và Phan Thái Bình trên sàn diễn và ngoài đời. Ảnh: NVCC

Lần diễn tại Hà Nội hồi tháng 8, Kiều bị chuột rút khi đang múa trên giày mũi cứng với Từ Hải. Nhưng chân Yến vẫn thẳng tắp, mặc cơn đau tự qua. Đó không phải lần đầu tiên cô bị chuột rút trên sân khấu. Đó là dấu hiệu của cường độ công việc quá cao. Trong ngày hôm đó, thời lượng tập duyệt của cô và đồng đội gấp mấy lần vở diễn.

Khi diễn mở màn tại TPHCM, phần Từ Hải có diễn viên khác ra múa thay, Yến được nghỉ nhưng khán giả lại thắc mắc không biết Kiều nào mới là thật. Tuyết Minh đề nghị Yến múa luôn, còn dựng thêm vài động tác cho đầy đặn. Rồi Minh vẫn thấy cần thêm 2 chương nữa (vở múa đã công diễn có 15 chương) cho dày dặn. Yến vẫn cam đoan múa được: “Từ đầu tôi sợ không đảm nhận nổi vai diễn. Nhưng rõ ràng khi tập luyện, có thời gian để hoàn thiện, tôi thấy cái gì mình cũng làm được. Vì đến khi diễn mọi thứ sung lên. Khi mình phiêu rồi, có đau hay vấn đề gì cũng qua được hết”.

Thực ra Yến cùng chồng (nghệ sĩ múa Phan Thái Bình) từ đầu năm nay đã tính “sản xuất” em bé. Yến đã xin nhà hát tạm nghỉ việc từ sau Tết năm ngoái cho kế hoạch này. Thậm chí mẹ Yến cũng chuyển về ở với hai vợ chồng, sẵn sàng đón cháu. Nhưng Tuyết Minh xuất hiện cùng Kiều. Yến không thể từ chối. “Tôi không nghĩ nhờ vai này để nổi tiếng”, Yến nói. “Nhưng chắc chắn đó sẽ là một kỷ niệm trong đời nếu mình chinh phục được nó. Không làm sẽ tiếc”. Hai năm trước, cô đã bén duyên với Kiều trong vở múa đương đại, biên đạo Hàn Quốc dàn dựng và trình diễn tại TPHCM.

DUYÊN MÚA

“Với tôi, NSƯT Trần Hoàng Yến là một trong một vài nữ nghệ sĩ giỏi nhất hiện tại của múa Việt Nam, ngoài vai Kiều trong ballet Kiều, chị ấy cũng cân hết các vai  lớn và nặng ký trong các vở diễn của nhà hát. Mấy anh chị em vẫn hay trêu chị là “trâu bò” bởi kiểu múa không biết mệt mỏi. Sức khỏe quá tốt, chuyên môn giỏi, đam mê nghề giúp chị chẳng bao giờ đầu hàng trước những động tác múa khó, ngay cả khi bị chấn thương. Vậy nên chị Yến luôn là lựa chọn đầu tiên của các biên đạo khi dựng vở, dù ở bất kỳ thể loại múa nào.

Tính cách mạnh mẽ, thông minh, tinh tế, lại rất vui vẻ và cũng khùng lắm (cười). Với đồng nghiệp, chị luôn giúp đỡ hết mình, thường xuyên chỉ dạy cho các bạn trẻ. Ở cương vị phó đoàn vũ kịch, ngoài chuyên môn chị luôn phải lo rất nhiều thứ mỗi khi nhà hát có vở hay chương trình diễn bên ngoài”.
Nghệ sĩ múa Sùng A Lùng

Bốn tuổi, có lần đi qua lớp học múa, Yến dừng lại nhún nhảy theo nhạc. Mẹ bèn cho đi học, mục đích rèn cho con sức khỏe, sự dạn dĩ. Mười tuổi thi vào trường chuyên nghiệp, song song với học văn hóa bên ngoài. Bảy năm sau tốt nghiệp thủ khoa về ballet. Nhưng chưa đủ 18 tuổi, không thể vào nhà hát làm. Yến lại lao vào ôn thi tốt nghiệp phổ thông, rồi đỗ Đại học Ngoại ngữ Tin học. Đam mê múa chỉ còn được duy trì bằng một lớp học nhỏ, miễn phí, cô mở cho các học sinh, sinh viên không chuyên.

Nhưng ngày ngày đi qua Nhà hát Lớn thành phố hình ảnh những nghệ sĩ múa vẫn khiến Yến rạo rực, lại thấy tên những bạn học cùng mình ngày nào trên băng-rôn, Yến tủi thân. Cô nghỉ học, thi tuyển vào nhà hát rồi mới thông báo với mẹ.  Để mẹ ngừng khóc, Yến trấn an: “Mẹ tin con đi. Con vào nhà hát làm chứ có phải chạy lung tung ở ngoài đâu”. Tất nhiên là mẹ vẫn lo. Yến nói cứng vậy nhưng cũng lo. Sau 3 năm không múa, cô phải tập với cường độ cao để theo kịp đồng nghiệp. Đúng vào thời kỳ nhà hát không có vở diễn. Căng thẳng, mất phương hướng, lại âm thầm đi tuyển tiếp viên hàng không. May mà gầy quá nên trượt. Thất bại như cú tát khiến cô tỉnh ra: Mình từng bỏ tất cả vì múa thì sao có thể bỏ múa dễ như vậy!

Hai năm chăm chỉ tập luyện, vẫn không được giao vai chính, ấm ức. Một người thầy giải tỏa tâm lý cho Yến: “Vị trí nào không quan trọng. Quan trọng là dù ở vị trí nào cũng vẫn phải tỏa sáng. Dù trong một tốp múa, khán giả vẫn có thể thấy được con, thế mới là một diễn viên múa thành công”. Nghe lời thầy, Yến tập trung làm tốt vai tập thể trước. Rồi vai chính cũng đến. Song: “Thích thật nhưng đến khi vào tập mới thấy sao mà khó. Nhiều lúc tập xong lại ngồi thẫn thờ vì đau, vì diễn không ra…”.

Thời gian Yến vừa làm vở vừa thi tốt nghiệp ĐH Nghệ thuật Quân đội, ngành Huấn luyện Múa, một bên khớp gối tràn dịch vì quá tải. Tất nhiên bác sĩ khuyên cô giải nghệ. Nhiều suy nghĩ tiêu cực đến với Yến, nhưng đó là lúc Bình phát huy “tác dụng”. Được chồng chườm đá và động viên mỗi ngày, Yến hồi phục sau một tháng. Tất nhiên cả uống thuốc, nhưng may không phải dao kéo. Bệnh vẫn tái phát mỗi khi làm việc quá tải, nhưng cô đã biết cách vượt qua nhanh. Rồi vì cứ liên tục luân chuyển từ ballet sang đương đại, Yến mới bị thêm món rách dây chằng. Cô điềm nhiên: “Cũng cứ để vậy thôi. Có thể do tuổi mình lớn hơn và trải qua chấn thương một lần rồi. Dĩ nhiên chân sẽ yếu đi nhiều nhưng tôi vẫn tiếp tục múa”.

Diễn viên múa giỏi có thể múa đến già, nhưng vai chính chỉ dành cho gương mặt trẻ. Đã thiệt 3 năm xuân sắc không lên sân khấu, Yến càng muốn tận dụng quỹ thời gian còn lại. “Mọi người nói tôi hơi ác với sức khỏe của mình. Nhưng tôi biết tôi vẫn làm được. Hiện tôi cảm thấy mình ở độ tuổi vừa múa được vừa có độ chín trong suy nghĩ, nếu không diễn sẽ tiếc”.

CHUYỆN TÌNH KIỀU VÀ… SỞ KHANH

Hoãn mang bầu để múa Kiều ảnh 3

“Trần Hoàng Yến gây dựng được sự tin tưởng trong giới biên đạo. Bao giờ chúng tôi cũng muốn gửi gắm tác phẩm, vai diễn quan trọng vào những tài năng chắc cả về kỹ thuật và đạt độ chín trong nghề. Có được sự trường sức với hệ thống thuật kỹ thuật chuẩn cổ điển châu Âu như Trần Hoàng Yến quả là khó tìm trong mặt bằng đào tạo và biểu diễn hiện nay.

Tôi rất trân trọng sự cống hiến cũng như lao động nghệ thuật đầy nhiệt huyết của Yến. Không chỉ hoàn thành vai trò diễn viên, Yến luôn quan tâm đến tất cả diễn viên, chỉnh cho các vai khác để giúp mọi người tương tác tốt nhất với vai Kiều cũng như hoàn thành vai của mỗi người. Yến cùng ê-kip biên đạo chăm lo từ quần áo, đạo cụ, sắp xếp việc tập luyện của cả đoàn. Hết lòng vì việc chung là tố chất rất đẹp tôi rất ghi nhận ở Yến. Tôi rất mong Yến tiếp tục khẳng định vai trò, cống hiến nhiều vai diễn hơn để khán giả biết đến và được thụ hưởng tài năng và chất xám của Yến nhiều hơn.

Với vai Kiều, ai cũng phải công nhận Trần Hoàng Yến đạt được tất cả các tiêu chí mà nếu có cho một người giỏi khác vào cũng không đáp ứng được. Nếu sắp tới Yến có bầu thì Kiều phải chờ cô sinh xong mới diễn lại được, chứ ngay lập tức chưa tìm được ai thay thế”.

Biên đạo múa Tuyết Minh

Như để bù đắp cho đường múa đã đủ truân chuyên, Yến có một mối “duyên kỳ ngộ” với Phan Thái Bình - bạn đồng nghiệp, làm cùng nhà hát. Trong ballet Kiều, Bình khắc họa thành công vai Sở Khanh với bộ dạng lươn lẹo cùng vẻ mặt nham nhở có thể khiến người xem rùng mình.

Việc Yến quyết định theo nghiệp múa ngoài làm phụ huynh bất an còn khiến bạn trai cũ đòi chia tay. Bình lúc đó là học sinh trong lớp múa đến an ủi cô giáo. Rồi họ cảm mến nhau. Chính vì muốn được múa cặp với Yến mà Bình quyết thi vào trường múa ở độ tuổi 23 - vô cùng muộn với dân chuyên nghiệp. Trước đó anh định theo nghề nhiếp ảnh. Hết 2 năm trung cấp múa, lại may mắn trúng tuyển vào nhà hát của “cô giáo”. Thi tuyển đàng hoàng chứ Yến kiên quyết không tác động gì: “Nghề này vất vả, cần cả năng lực và đam mê. Nên tôi nói Bình cứ tham gia workshop đàng hoàng, được chọn thì vào làm. Không thì thôi, coi như học múa cho biết”.

Từ khi lấy chồng, Yến coi như có nhiếp ảnh gia kiêm quay phim kiêm bạn diễn độc quyền. Hai người thường xuyên khoe những clip múa chung vui nhộn trên Facebook. “Mọi người thấy chúng tôi lên sân khấu tươi tắn vui vẻ nhưng áp lực tập luyện rất nhiều”, Yến chia sẻ. “Đoàn không có quá nhiều diễn viên, nên không có kíp 2. Có vấn đề gì đó là không ai thay thế. Trong lúc tập phải rất cẩn thận, phải đặc biệt giữ gìn trong thời gian làm vở. Điều đó bạn làm cùng nghề với tôi hiểu. Nghệ sĩ nhiều lúc cảm xúc lên xuống thất thường, Bình cũng hiểu để kéo tôi lên. Cả hai có nhiều sở thích, thói quen giống nhau trong cuộc sống, trong nghề đều có thể chia sẻ”.

Mẹ Yến không muốn con múa chuyên nghiệp cũng chỉ vì thấy nghề quá vất vả mà thu nhập không đáng là bao. Nó ít đến mức Yến không nhớ rõ mình được bao nhiêu, chỉ biết múa chính một buổi tập mới được khoảng 70-80 ngàn, một buổi diễn triệu tám. Từ khi thành NSƯT, lương cô mới được 5 triệu. Những khi không có vở, đó là tất cả thu nhập từ nhà hát. Hai tháng mới có một vở diễn và phải bán vé theo giá quy định nên cũng chẳng có nhiều tiền hơn để trả cho nghệ sĩ. “Trong hai tháng tập vở, diễn viên không được ra ngoài làm gì”, Yến kể. “Vì thế diễn xong, nhà hát tạo điều kiện liền, ai muốn đi đâu làm gì tùy, miễn bảo đảm thời gian của nhà hát”. Cô khẳng định tuy cùng làm múa nhưng cuộc sống của hai vợ chồng cũng không quá thiếu thốn, đủ để “sống được với đam mê”.

Cũng may các vở múa của nhà hát độ một năm gần đây lúc nào cũng bán hết vé. Có lẽ đây là kết quả của hai năm ròng rã trước đó, nhà hát mang vé đi tặng sinh viên. Tất nhiên chất lượng nghệ thuật vẫn là tiên quyết. Trong đó phải kể đến tài năng và sự tận hiến của những diễn viên như Yến, đủ để thuyết phục  khán giả đến rạp. 

Kiều là một bằng chứng cho sự phát triển của ballet Việt. Đây chính là vở đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây do toàn bộ ê-kip trong nước thực hiện từ kịch bản trở đi. Trước đây mỗi khi dựng ballet, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM đều phải mời biên đạo nước ngoài.

MỚI - NÓNG