Xuyên suốt toàn bộ triển lãm độc đáo này đó là những bức tranh được thể hiện với phong cách tranh cổ động, gần giống như tranh minh họa trong các cuốn sách ngày xưa. Đây cũng được xem như là một cách các hoạ sĩ có thể mô phỏng gợi nhớ lại cuộc sống thời bao cấp, khơi dậy nhiều kỷ niệm về một thời đã qua cho những khán giả.
Chỉ với gần 30 bức tranh nhưng lượng thông tin truyền tải thực sự là không nhỏ. Những bức tranh đã gây ấn tượng với người xem nhiều lứa tuổi bởi không chỉ những người lớn tuổi đã từng trải qua những năm tháng gian khó của đất nước mà ngay cả những người trẻ tuổi cũng hiểu rõ hơn phần nào về khái niệm "thời bao cấp" của đất nước.
Mỗi bức vẽ được trưng bày tại triển lãm độc đáo này chính là những hình ảnh minh hoạ đầy sinh động những câu nói cửa miệng của người dân một thời, những thành ngữ dân gian hoặc những biển hiệu bán hàng, khúc đồng dao... từng rất quen thuộc trong thời bao cấp.
Những bức vẽ của hai hoạ sĩ không cầu kì với những gam màu đơn giản nhưng giúp người xem quay trở lại một thời kỳ lịch sử trong xã hội Việt Nam, với tư duy phân phối bao cấp ăn sâu đến từng ngóc ngách nhỏ nhất của đời sống hàng ngày.
Những câu vè đầy chất châm biếm nhưng cũng không kém phần hài hước được các hoạ sĩ "hình ảnh hoá" rất tài tình.
Bên cạnh đó là những câu vè tái hiện lại hoàn cảnh sống của xã hội Việt Nam một thời đã xa.
Những bức tranh còn thể hiện cuộc sống của người dân với nhiều khó khăn, nhiều nỗi lo lắng về những thứ nhu yếu phẩm của cuộc sống thường ngày.
Nhiều câu vè được hình ảnh hoá rất hài hước nhưng gợi nhớ lại rất nhiều ký ức của những người xem từng trải qua một thời gian khó của đất nước.
Những khán giả lớn tuổi đặc biệt ấn tượng với những bức tranh của hai hoạ sĩ bởi những câu vè kèm theo chính là một miền ký ức xa xôi. Thời mà tất cả người dân đều dùng tem phiếu, phân chia từ hạng A đến E.