Họa sỹ Việt hướng về tuyến đầu

0:00 / 0:00
0:00
Tranh của Phạm Luận
Tranh của Phạm Luận
TP - Báo Tiền Phong tổ chức đấu giá tranh trực tuyến“… Một chiếc khẩu trang, một cân gạo trắng, một ngàn đồng ủng hộ tuyến đầu… thật sự là nguồn năng lượng nhiệm màu giúp bà con, giúp các y bác sĩ nơi đầu sóng ngọn gió thêm vững tin, can trường giành chiến thắng trước dịch bệnh” - Hưởng ứng thư ngỏ của báo Tiền Phong, nhiều họa sĩ nổi tiếng trên thị trường hội họa đương đại Việt Nam, đã tặng tranh ủng hộ tuyến đầu.

"... Chỉ tính riêng làn sóng COVID-19 lần thứ tư này, TPHCM đã có gần 170 nghìn ca mắc, hơn 6 nghìn ca tử vong và con số đó ngày một nối dài hơn…

Trong hơn 2 tháng qua, đã có hơn 12.000 y bác sĩ từ miền Bắc, miền Trung đã vào tâm dịch phía Nam. Trong đó, 7.000 người chi viện tiếp sức tâm dịch TPHCM. Dịch cũng làm nhiều nhân viên y tế bị lây nhiễm. Đã có nhiều y bác sĩ tại TPHCM và Bình Dương hi sinh tính mạng mình để đổi lấy sự sống cho nhân dân”. (Trích đoạn thư ngỏ của TBT báo Tiền Phong, Nhà báo Lê Xuân Sơn).

Suốt đại dịch, các họa sỹ Việt đã âm thầm, lặng lẽ đóng góp sức mình, để đẩy lùi “cơn sóng thần” mang tên COVID. Lần đầu tiên, báo Tiền Phong mở cuộc đấu giá tranh trực tuyến, dùng toàn bộ số tiền thu được, tiếp sức tuyến đầu chống dịch. Hoạt động này nằm trong chương trình “Cùng Tiền Phong tiếp sức tuyến đầu chống dịch”, được phát động sáng 23/8. Cuộc đấu giá tranh trực tuyến của báo Tiền Phong lần này, qui tụ 12 tác phẩm của 12 tác giả: Lê Công Thành, Kim Thái, Đặng Xuân Hòa, Đỗ Thúy Hằng, Đoàn Văn Nguyên, Đặng Tiến, Phạm Luận, Phạm An Hải, Đào Hải Phong, Trịnh Tú, Tào Linh, Nguyễn Văn Đức.

Họa sỹ Việt hướng về tuyến đầu ảnh 1

Tranh của Ðặng Xuân Hòa

Những họa sỹ gửi tặng tranh tham gia cuộc đấu giá tranh trực tuyến đầu tiên do báo Tiền Phong tổ chức, là những cái tên đã được thử thách trên thị trường tranh Việt đương đại. Đầu tiên là Đặng Xuân Hòa. Viết gì về anh cũng không đủ. Xin trích ý kiến của một nhà sưu tập lớn của Việt Nam, người đã đổ nhiều tâm sức, tiền bạc để mang những tác phẩm hội họa Việt có giá trị từ nước ngoài trở về quê hương, trong đó có tranh Đặng Xuân Hòa. Nhà sưu tập nói: “Tranh của Đặng Xuân Hòa luôn “hot”, càng ngày càng “hot”, không chỉ trên thị trường Việt”. Đặng Xuân Hòa dành tặng chương trình bức sơn dầu sáng tác năm 2021, khổ 50cm x 60 cm. Phu nhân của họa sỹ Đặng Xuân Hòa, họa sỹ Đỗ Thúy Hằng cũng dành tặng chương trình bức “Thu sang”, sơn dầu, khổ 50 cm x 60cm, sáng tác năm 2017.

Họa sỹ Đoàn Văn Nguyên, con trai cố thi sĩ Đoàn Văn Cừ, tác giả của nhiều bức tranh sơn mài truyền thống đắt giá cũng rất có duyên với bột màu, giấy dó. Người yêu hội họa có thể kiểm nghiệm điều này qua bức giấy dó, khổ 50 cm x 60 cm mà anh dành tặng chương trình.

Họa sỹ Phạm Luận, họa sỹ Đào Hải Phong gửi tặng chương trình 2 bức sơn dầu. Hai bức tranh rất đặc trưng cho phong cách Phạm Luận, Đào Hải Phong. Đào Hải Phong không hổ danh “Mr Blue”, với tác phẩm “Nơi ấm”, sáng tác năm 2020, khổ 50 cm x 60 cm. Tác phẩm của Phạm Luận khiến người thưởng thức nôn nao nhớ Hà Nội của những tháng ngày xa, yên bình và man mác. Bức sơn dầu mang tên “Hà Nội trong ký ức”, kích thước 70 cm x 80 cm, sáng tác năm 2019.

Một người chuyên vẽ hoa, vẽ nắng… giàu chất thơ, họa sỹ Đặng Tiến, từ Hải Phòng đã gửi tặng chương trình bức sơn dầu mang tên “Hoa diên vỹ”, một sáng tác năm 2021, khổ 65 cm x 80 cm.

Họa sỹ Việt hướng về tuyến đầu ảnh 2
Tranh của Ðào Hải Phong

Nhận lời mời của báo Tiền Phong, họa sỹ Phạm An Hải gửi tặng một bức sơn dầu, dòng trừu tượng, với tên gọi “Ngày xanh”, khổ 40 cm x 50 cm, một sáng tác trong bão dịch của anh. Phạm An Hải tin “Ngày xanh” rồi sẽ tới, “cơn sóng thần” COVID rồi sẽ qua.

Một cặp vợ chồng họa sỹ nổi tiếng cũng tặng tranh cho chương trình, 2 bức sơn dầu trên giấy, khổ 80cm x 100 cm: Bức “Đàn bà” của Lê Công Thành. Bức “Đờn ca tài tử” của Kim Thái. Năm nay, nhà điêu khắc Lê Công Thành là một trong những gương mặt hội họa được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Lê Công Thành là một tài năng của điêu khắc nhiều người biết. Song ở mảng hội họa, Lê Công Thành cũng rất đặc biệt. Ông nói tiếng nói của riêng mình. Về nữ họa sỹ Kim Thái xin đưa lại đánh giá của chính điêu khắc gia nổi tiếng (cố nghệ sĩ Lê Công Thành, ông là chồng, là thầy của Kim Thái): “Thái vẽ hay lắm. Không theo trường phái nào, vẽ rất vô tư, không có ý vẽ để phô bày. Cô ấy vẽ như một đứa trẻ con thích vẽ”.

Hỗ trợ, tư vấn chuyên môn cho cuộc đấu giá tranh ủng hộ tuyến đầu chính là mẹ của họa sỹ nhí Xèo Chu, chủ Bến Thành gallery.

Thông tin về cuộc đấu giá trực tuyến 12 tác phẩm của 12 họa sỹ Việt Nam sẽ được cập nhật liên tục trên www.Tienphong.vn.

Họa sỹ Trịnh Tú người tụng ca vẻ đẹp đàn bà, đã gửi tặng chương trình một bức nude mới sáng tác. Vẫn là Trịnh Tú như đã từng biết, không chơi màu gắt, bảng lảng, khói sương, như hư, như thực.

Ngoài ra, một người chơi tranh hưởng ứng lời kêu gọi của báo Tiền Phong đã dành tặng bức sơn dầu của họa sỹ Tào Linh, khổ 70 cm x 90cm, mang tên “Đóa xuân”, để hỗ trợ chi phí vận chuyển tranh đến người mua tranh và dành tặng những họa sỹ đã có tâm tặng tranh bó hoa tươi thắm.

Họa sỹ trẻ nhất tham gia cuộc đấu giá đầu tiên do báo Tiền Phong tổ chức chính là họa sỹ Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1976. Anh gửi tặng chương trình bức acrylic trên giấy, khổ 60 cm x 80 cm, sáng tác ở Phương Độ, Hà Giang, năm 2021.

XinhChất là tiêu chí mà cuộc đấu giá tranh lần thứ nhất, do báo Tiền Phong tổ chức muốn hướng tới. Đây cũng là cơ hội để những người yêu hội họa Việt Nam được sở hữu “đứa con tinh thần” của những tác giả tên tuổi.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.