Họa sĩ đẹp trai, chỉ vẽ phụ nữ 18 - 25 tuổi

Họa sĩ đẹp trai, chỉ vẽ phụ nữ 18 - 25 tuổi
TP - Một cách dễ dãi, có thể gọi gã là nhạc sỹ cũng được, ca sỹ cũng đúng, nhạc công cũng chẳng sai… Bởi gã đàn được, hát được và cũng viết không ít ca khúc. Nhưng Nguyễn Minh Nam đã chọn hội họa làm “tình nhân” để cho ra đời những “đứa con” nhan sắc không lẫn lộn.

> Triển lãm 'Đại gia' - những thách thức ngầm ẩn

Tranh của nguyễn xuân hoàng
Tranh của nguyễn xuân hoàng.

Thắc mắc về sự liều khi trình diễn âm nhạc của Nam, anh trả lời tỉnh bơ: "Làm nghệ thuật đã là một sự liều lĩnh rồi!".

Sinh năm 1978, được xếp hàng họa sỹ trẻ, bởi Nguyễn Minh Nam mới tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam mấy năm nay.

Anh thuộc số lận đận thi cử, rớt đi rớt lại, mãi bốn năm mới chạm phố Yết Kiêu. Nhưng Minh Nam lại cho rằng: “Thế vẫn còn may mắn. Tớ phận cao, tài thấp…”.

Hỏi: “Lý do gì triển lãm “Sự đối lập” nằm trong dự án “Black” (Đen) vừa qua của anh, lại thu hút sự quan tâm của dư luận đến mức không còn chỗ chen chân?”.

Nguyễn Minh Nam bông đùa: “Lý do thứ nhất, vì tớ đẹp trai. Lý do thứ hai, vì tớ… gần có tài”. Một kẻ tự nhận “gần có tài” hẳn nhiên là kẻ rất “biết mình, biết ta”.

Tên lẫn, tranh quyết không lẫn

Nguyễn Minh Nam - cái tên khai sinh không xấu nhưng không đọng. Anh tạo cho mình biệt danh MNam, cũng chẳng khá hơn về độ ấn tượng.

Nguyễn Minh Nam cười: “Cái tên chỉ là phân biệt, lẫn hay lộn không quan trọng. Quan trọng là tranh không lẫn”. Về khoản nghệ danh, xem ra giới hội họa không "bắt nhịp thời đại" nhanh như giới ca sỹ, hiếm thấy họ mượn tên tây, tên tàu.

Tác phẩm mới của MNam
Tác phẩm mới của MNam.

Không có tuyên ngôn nghệ thuật “hoành tráng” như cố nhà văn Nam Cao nhưng là một nghệ sỹ, Nguyễn Minh Nam cũng đề cao sự khác biệt: “Tớ muốn vẽ những cái gì khác người đi trước, không khoái làm những gì người ta đã làm rồi”.

Nghi ngờ: “Điều đó không dễ, khi cả thiên hạ đều đổ xô “đãi cát tìm vàng”, sẽ có lúc anh rơi vào bất lực, không lối thoát?”.

MNam đáp: “Điều đó tùy thuộc năng lực sáng tạo của mỗi người”. Và năng lực sáng tạo ở lứa tuổi của anh đang dồi dào, cớ gì phải ngại?

Nguyễn Minh Nam thú nhận, anh ham vẽ con người, mà chủ yếu là “phái đẹp”. Nguyên nhân: “Đối tượng trong tranh được quyết định bởi sở thích, bởi nội dung của bức tranh, bởi yêu cầu phong cách…”. Người ta nói, ngửi hơi văn biết văn hay, văn dở, xem tranh biết họa sỹ (có tài hay không).

Ngắm phụ nữ trong tranh Nguyễn Minh Nam lại gợi nhớ tranh Lê Quảng Hà ở nét gồ ghề trên cơ thể. Nguyễn Minh Nam đồng tình nhưng phản ứng: “Tạng chất gần nhau nhưng cách thể hiện là khác nhau. Bút pháp của tớ là hiện thực hư cấu”.

Hỏi vặn: “Vì sao lại là hiện thực hư cấu?” thì nhận được lời giải thích đậm màu chủ quan: “Tớ chẳng thích những gì rõ ràng quá, thích cái gì đó ẩn hiện thôi”. Có lẽ cũng vì thiên hướng hiện thực hư cấu nên xem tranh Lê Minh Nam dù gì, cũng thấy nhẹ nhõm hơn hiện thực.

Những người phụ nữ trong tranh của anh chẳng hạn, tuy thô nháp ở đôi chân, cánh tay nhưng bao giờ cũng sở hữu gương mặt khá mịn màng, mĩ miều. Một gương mặt đã được kỳ công trang điểm.

Song đừng tưởng Lê Minh Nam ưu ái “chị em”: “Trang điểm nghĩa là không thật, là giả tạo, đề cao hình ảnh, tôn thờ ngoại hình, bỏ qua cái bên trong”.

Triển lãm của anh mang tên “Sự đối lập”: “Tớ muốn nói về sự đối lập giữa hai luồng văn hóa, trước và sau”.

Anh nhắm đến giới trẻ: “Cứ nhìn giới trẻ bây giờ đi, họ sống khác, nghĩ khác với thời các cụ nhiều lắm”.

Nhưng anh không định như nhà phê bình Hoài Thanh, tôn vinh cái mới: “Các cụ ta ưu những màu đỏ choét; ta lại ưa những màu xanh nhạt…”. Mà: “Tớ chỉ định nêu lên, có hai thái cực như thế, có giao thoa, có mâu thuẫn, có quan hệ, lồng ghép với nhau trong không gian gia đình.

Tớ không áp đặt mâu thuẫn theo kiểu: Cái mới triệt tiêu cái cũ, hay ngược lại. Khách thưởng lãm hiểu như thế nào là quyền của họ”.

Anh tuyên bố: “Tớ không vẽ phụ nữ tuổi 30, chỉ vẽ phụ nữ tầm 18- 25 tuổi”. Ngắm tranh, thấy Nguyễn Minh Nam khá am hiểu về trang phục, trang điểm, đầu tóc của bạn gái thời nay.

MNam tự cho điểm mình: “Tớ khá hiểu giới trẻ, vì dày công quan sát, đi vào thực tế, rồi tóm lại phần mình quan tâm”.

Tranh của tôi, treo đâu cũng được

Nếu Lê Quảng Hà kiêu hãnh trong cái vỏ bình dân: “Cứ treo tranh tôi ở toilet” thì “đàn em” Nguyễn Minh Nam thỏa hiệp hơn nhiều: “Bạn có thể treo tranh của tôi ở bất cứ nơi nào bạn thích, khi bức tranh đã thuộc về bạn”.

Bởi mê những gì mờ ảo, hư thực nên anh không bắt khán giả hiểu theo ý mình mà muốn họ sáng tạo cùng mình.

Họa sỹ Nguyễn Minh Nam, sinh năm 1978

Họa sĩ đẹp trai, chỉ vẽ phụ nữ 18 - 25 tuổi ảnh 3

Một số hoạt động:

Năm 2012: Triển lãm “Sự đối lập” gồm: Phim tài liệu về tác giả, hội họa, body painting, trình diễn và âm nhạc. Triển lãm “Nghệ thuật đương đại Việt Nam- Đài Loan” tại Đài Loan.

Năm 2011: Triển lãm nhóm “Đại gia Việt Nam”

Năm 2008” Triển lãm cá nhân “Bản thảo người”

Năm 2007: Triển lãm nhóm “Ranh giới”

Năm 2005: Triển lãm nhóm “Ba con mắt” ...

MNam bảo, đi đâu giới thiệu là họa sỹ, cũng thấy người ta kêu: “Họa sỹ nghèo lắm, theo nghề đó làm gì”. Số họa sỹ sống rôm rả với nghề không nhiều nhưng số người lận đận vì nghề không ít, bởi không phải ai trong số họ, dù là người có thực tài, cũng đều có duyên với chuyện “câu cá”.

Câu của Xuân Diệu “Cơm áo không đùa với khách thơ” không chỉ ứng với khách văn chương… Tranh của Nguyễn Minh Nam cũng chỉ bán được “lác đác” như anh tự thú.

Hiện tại, gia đình nhỏ gồm vợ và con anh, vẫn sống tại Bắc Ninh. Anh di chuyển giữa Hà Nội - Bắc Ninh như con thoi, vì công việc. Để nuôi cây cọ MNam có kiếm thêm nghề tay trái, thiết kế nội ngoại thất.

Ở “mảnh đất” này anh chiều khách hàng, xếp ý tưởng của họ lên trên nhu cầu sáng tạo của bản thân. Tuy nhiên, trong mảng hội họa, Nguyễn Minh Nam hầu như không tham gia vào dòng tranh thị trường: “Cũng có vẽ. Nhưng tính ra cũng chỉ có khoảng chục bức thôi”.

Cuộc triển lãm “Sự đối đầu” nằm trong dự án “Black” (Đen) không chỉ mang lại cho anh chiến thắng về mặt khán giả mà còn mang lại một số lợi ích vật chất.

Đơn vị tổ chức hứa, họ sẽ mua của mỗi tác giả từ 3-5 bức tranh, tất nhiên với giá “hữu nghị”, không phải giá thị trường. Thế cũng là may mắn, trong thời buổi khó khăn hiện nay.

Sinh ra và lớn lên ở Bắc Ninh, vùng đất của quan họ, tranh Đông Hồ… Nhưng ngắm mãi tranh anh vẫn không thấy “màu dân tộc”.

MNam thẳng thắn: “Cái truyền thống chỉ tác động khi người nghệ sỹ thấy hưng phấn từ nó. Tớ không thích lắm dòng văn hóa dân gian, tớ thấy tranh Đông Hồ rất đẹp nhưng nó gắn với cái đã qua”.

Đến với hội họa bằng tình yêu, được truyền từ người cha, cũng là một họa sỹ, ít nhiều bây giờ anh cũng đã ghi được tên mình vào làng hội họa. “Khi yêu càng nhiều, tham vọng càng lớn, chẳng biết MNam ôm tham vọng gì với hội họa?”.

Không trả lời trực tiếp câu hỏi này, anh trầm ngâm: “Mọi tài năng đều ẩn chứa nhiều bất ngờ, nhưng đi trước sự bất ngờ ấy, người ta cần làm việc đã”.

Triển lãm năm món

Coi trọng vẻ đẹp khác biệt trong sáng tạo nghệ thuật. Nhưng quả thật chỉ có những ai “nịnh đầm” mới khen ca khúc của Nguyễn Minh Nam có “vẻ đẹp khác biệt”.

Có thể lấy dẫn chứng bằng một bài anh “khoái”: “Người đàn bà trong đêm cô đơn, không còn nghe, không còn thấy cuộc sống cạm bẫy, cuộc sống dối gian…”.

Anh thừa nhận vui vẻ: “Thực ra về âm nhạc tớ không phải người có khả năng tốt lắm”. Thắc mắc: “Nhạc của anh vừa vừa thôi, thế mà dám trình diễn trước công chúng?”.

Chẳng thấy vẻ ngượng ngùng, anh đưa ra “đáp án”: “Theo tôi, làm nghệ thuật đã là một sự liều lĩnh rồi”. Và tôi cũng thấy anh liều lĩnh nhưng đáng yêu, khi phát âm còn sực mùi địa phương, lại vẫn dám hát cho thiên hạ nghe. Nhưng như đã nói, “Sự đối lập” vẫn thu hút đông đảo khán giả.

Khen chê nhiều chiều nhưng trong một triển lãm mà đãi “thượng đế” một bữa tiệc gồm năm món thịnh soạn: Phim tư liệu về tác giả, hội họa, body painting, trình diễn và âm nhạc, thì không phải họa sỹ nào cũng đủ khả năng, đủ dũng cảm như Nguyễn Minh Nam.

Thế nên tựu trung triển lãm vẫn đạt tới tiêu chuẩn anh hướng tới: Sự khác biệt. Hỏi: “Liệu anh có tham gia Bài hát Việt hay một sân chơi âm nhạc nào đó trên truyền hình không?”.

Anh cười: “Nếu may mắn thì cũng có thể lắm chứ”. Đến nay, “gia tài” âm nhạc của anh có khoảng 20 ca khúc, dư sức ra một album. Nguyễn Minh Nam bật mí: Kiến thức âm nhạc do anh mày mò tự học là chính.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG