Bùi Bích Phương là người đẹp đầu tiên đăng quang cuộc thi Hoa hậu Hội báo Tiền Phong 1988 - tiền thân của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam sau này. Khi đó, người đẹp gốc Hà Nội mới 17 tuổi.
Hoa hậu Bích Phương cho biết: "Cuộc thi Bích Phương tham dự là cuộc thi Hoa hậu đầu tiên sau khi đất nước thống nhất. Đó là một hoạt động văn hóa hết sức mới mẻ, gây được tiếng vang rất lớn thời điểm bấy giờ".
Hoa hậu Bích Phương ngày đăng quang và nhan sắc trẻ trung sau nhiều năm. |
"Quần áo, trang phục biểu diễn là Phương và các thí sinh mượn của nhau. Thời đó Phương không có khái niệm về đồ cao gót. Rất may mắn, chị gái của Phương làm diễn viên đã mượn cho Phương đôi giày cao 7 phân để Phương đi trên sân khấu.
Không hiểu tại sao lúc đó Phương lại can đảm thế. Phương rất run nhưng cố gắng tỏ ra bình tĩnh, tự tin vì lúc đó đang thi ở "sân nhà" Hà Nội. Phương nghĩ mình phải làm "chỗ dựa", tạo động lực cho các bạn tỉnh khác còn khó khăn hơn mình rất nhiều", Bùi Bích Phương chia sẻ trong phóng sự chân dung kỉ niệm 30 năm Hoa hậu Việt Nam.
Quan điểm sống của Bích Phương là: "Không sống nhờ danh hiệu mà sống vì danh hiệu". Nhiều năm qua, Hoa hậu vẫn luôn đã và đang phấn đấu, nỗ lực để xứng đáng hơn với danh hiệu.
Ngày đăng quang, Hoa hậu Bùi Bích Phương diện áo dài trắng thuần khiết, đầu đội mẫu vương miện kết đính. Bùi Bích Phương đăng quang với mái tóc tém, kiểu tóc rất hot vào thập niên 80 - 90 của những cô gái thành thị năng động.
Nhan sắc ấn tượng của Bích Phương thời điểm đó. Bùi Bích Phương vào vai cô học trò Linh Chi được mệnh danh là Hoa khôi của lớp 12A. |
Bích Phương cũng từng đem mái tóc này vào bộ phim Giờ học bình thường. Trong kí ức của nhiều người những năm đó, bộ phim thu hút rất đông khán giả.
Từ trước khi dự thi Hoa hậu Việt Nam, Bùi Bích Phương được Đạo diễn - NSƯT Anh Thái (người từng đóng vai anh Dậu) chọn vào vai nữ sinh trong phim Giờ học bình thường.
Anh Thái thuộc lứa diễn viên điện ảnh khóa 1 cùng với các nghệ sĩ như: NSND Trà Giang, NSND Ngọc Lan... là thế hệ đầu đàn của điện ảnh Cách mạng Việt Nam.
Bùi Bích Phương vào vai cô học trò Linh Chi được mệnh danh là Hoa khôi của lớp 12A. Cô học trò nghịch ngợm, nhanh nhẹn, thích "trêu" thầy giáo và có tài diễn kịch.
Trong cuộc trò chuyện với PV Dân trí, Đạo diễn - NSƯT Anh Thái kể: "Chọn Bùi Bích Phương là một chi tiết rất hay và tâm đắc của tôi trong quá trình làm phim. Sau này nhiều người nói rằng, Đạo diễn Anh Thái đã có con mắt tinh đời khi đã chọn Hoa hậu trước khi cô đăng quang".
Linh Chi ngắm thầy giáo (cố diễn viên Hồng Sơn thủ vai lúc bấy giờ). |
Linh Chi trổ tài đóng kịch câm trong ngày 20/11. |
Bùi Bích Phương được đạo diễn đánh giá có diễn xuất tốt trong quá trình làm phim. Khi biết Bùi Bích Phương tham gia cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong tổ chức, chính đạo diễn NSƯT Anh Thái đã tạo điều kiện để cô đi thi.
"Thời bấy giờ chưa có casting, tự đạo diễn, trợ lý đạo diễn là những người phải đi tìm diễn viên.
Trợ lý đạo diễn của tôi đến từng lớp, chọn tất cả những gương mặt mà cậu thấy vừa mắt giới thiệu cho tôi, chọn xong lại đưa tôi đi để xem. Sau nhiều lựa chọn, cuối cùng tôi quyết định chọn Bùi Bích Phương, khi đó cô đang học phổ thông trung học", NSƯT Anh Thái tiết lộ.
"Bộ phim xoay quanh câu chuyện, thế hệ trẻ bây giờ cần học và cần có thầy nhiệt tình. Phim Giờ học bình thường mang chất nhân văn, kể câu chuyện về người thầy thương binh đã hi sinh cả phần thân thể của mình cho dân tộc này, thế hệ trẻ phải học làm sao để bù đắp lại phần thân thể khiếm khuyết của thầy.
Quan tâm thế nào đến người thầy là câu chuyện lớn của ngành giáo dục mà trong phim chúng tôi đề cập chỉ một lát cắt nhỏ", Đạo diễn - NSƯT Anh Thái chia sẻ.
Người thầy phải đứng suốt cả buổi học... |
Vì không có ghế ngồi nên có lúc thầy giáo ngồi luôn xuống bục giảng. |
Nội dung bộ phim Giờ học bình thường nói về sự chuẩn bị của học sinh lớp 12A trong ngày hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Sau buổi lễ long trọng chúc mừng thầy giáo, không học sinh nào lắng nghe thầy giảng, cũng không ai nhận thấy thầy rất mệt vì cả buổi không có ghế để ngồi…
Thầy giáo (cố diễn viên Hồng Sơn đóng) buồn lòng phải thốt lên: "Học sinh bây giờ khác với thời mình cắp sách đến trường quá".
Bộ phim phê phán một bộ phận học sinh chỉ chú trọng hình thức mà coi nhẹ truyền thống dân tộc: "Tôn sư trọng đạo"…
Các học trò đùn đẩy trách nhiệm, cho rằng bạn trực nhật hôm nay nghỉ học nên không ai chuẩn bị ghế cho thầy giáo. |
Bộ phim còn có sự tham gia của cố NSND Trần Hạnh. Ông đóng vai thầy giáo Địa lý. Xem lại những thước phim đen trắng, nhiều khán giả nhớ và tiếc thương những nghệ sĩ thân thuộc của màn ảnh Việt một thời: nghệ sĩ Trần Hạnh, Hồng Sơn. Các nghệ sĩ là một phần kí ức thanh xuân của nhiều khán giả Việt.
Cố NSND Trần Hạnh trong vai thầy giáo môn Địa lý. |
Hình ảnh một Hà Nội nhiều năm về trước với những hàng cây cổ thụ, học sinh nối đuôi nhau đạp xe đến trường, trò chuyện vang một góc trời cũng mang đến cho người xem hoài niệm thật đẹp.
Link bài gốc:
https://dantri.com.vn/van-hoa/hoa-hau-viet-nam-danh-gia-dau-tien-va-vai-dien-hi-huu-thoi-tivi-den-trang-20210904094015249.htm?fbclid=IwAR3S7a1SeDxneJ54aMnMBx7QC9pOKwoi8HnGpFOcQUbKTcu5Ac--ktc9Du4