“DẸP LOẠN” HOA HẬU
Nhà báo Dương Xuân Nam, nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong, người khai sinh ra cuộc thi đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất nhớ lại: Hoa hậu Bùi Bích Phương đăng quang năm 1988 tạo tiếng vang. Một năm sau cả nước đua nhau tổ chức nào là Hoa hậu Đền Hùng, Hội Lim, hoa hậu các tỉnh thành Hà Tây, Sài Gòn… đến mức người ta coi 1989 là năm “loạn hoa hậu”.
“Tôi bị gán tội tuyên truyền lối sống Mỹ. Năm 1989 có hẳn một cuộc họp cấp thứ trưởng do Bộ Văn hoá chủ trì nhằm bàn cách dẹp hoa hậu. Tôi bị quy chụp ghê lắm. Tuy nhiên ngay tại cuộc họp ấy tôi chứng minh người Việt mấy trăm năm trước từng thi người đẹp: Phú Thọ có tục chọn ra cô gái đẹp nhất để đưa lên kiệu rước-đó cũng là hình thức thi hoa hậu. Như thế không phải ta học theo Mỹ. Thế là tôi thoát tội. Từ cuộc họp luận tội, các thành viên nghĩ ra kế sách muốn lập lại trật tự các cuộc thi nhan sắc phải soạn thảo quy chế hẳn hoi. Tôi được Bộ Văn hoá giao soạn thảo quy chế này”, ông Dương Xuân Nam nói.
Cuộc thi đầu tiên tổ chức tự phát nhân 35 năm thành lập báo, chưa có quy chế. Quy mô tổ chức hạn hẹp. Từ năm 1990 cuộc thi mang tên Hoa hậu toàn quốc do báo Tiền Phong tổ chức được cấp phép, có quy chế hẳn hỏi. Quy chế tham khảo ý kiến một số thành viên báo Tiền Phong, được Bộ Văn hoá ban hành ngày 18/9/1989. Văn bản này có hiệu lực tới năm 2000 và sau đó được thay thế bằng Quy chế 31 do Bộ Văn hoá-Thông tin ban hành. Các cuộc thi người đẹp nay đều được đưa vào khuôn khổ, được phân cấp và có danh xưng rõ ràng từ cấp tỉnh, vùng tới toàn quốc.
NÂNG TẦM
Hoa hậu toàn quốc do báo Tiền Phong tổ chức năm 1990 trong ký ức nhà báo Dương Xuân Nam cũng là “cuộc cân não”. Dàn giám khảo tranh cãi nảy lửa do hai ứng viên cho ngôi vị cao nhất là Nguyễn Diệu Hoa và Trần Vân Anh đạt số phiếu ngang nhau trong khi giám khảo hai miền không chung quan điểm. Nguyễn Diệu Hoa đăng quang tại đêm chung kết ở Cung Văn hoá Hữu nghị, khi ấy chị là sinh viên năm cuối khoa Nga, trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội.
Hoa hậu hội báo Tiền Phong năm 1988 có vài thí sinh vùng miền, phần nhiều là thí sinh Hà Nội. Sau khi cuộc thi đổi tên, số lượng thí sinh từ khắp vùng miền ứng thí với số lượng tăng gấp chục lần. “Năm 1988 chỉ duy nhất một buổi chung kết tổ chức ban ngày ở Nhà Văn hoá Thanh niên Tăng Bạt Hổ. Từ 1990-1998 chung khảo diễn ra ở bốn khu vực: Phía Bắc tại Hà Nội, miền Trung tại Đà Nẵng, khu vực Đông Nam Bộ và TPHCM ở Vũng Tàu, Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức ở Cần Thơ”, ông Dương Xuân Nam kể.
Thuở ấy chưa phải thời của mạng internet và mạng xã hội nên BTC cắt cử người xung vào đội tuyên truyền. “Nhiều cô gái đẹp e ngại, gia đình không cho đi thi nên phải tới vận động. Anh em vất vả lắm”, ông Nam nhớ lại. Cơ sở vật chất khó khăn, bù lại công chúng nhiệt thành với cuộc thi. Thay vì một đêm chung kết, thí sinh trình diễn trong ba đêm. Hình thức này còn kéo dài tới đầu những năm 2000.