Chiều 21/11, T.Ư Đoàn tổ chức họp báo thông tin Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II năm 2019. PGS.TS Trần Xuân Bách - Ủy viên BCH T.Ư Đoàn, Tổng thư ký Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đã có những chia sẻ với phóng viên Tiền Phong tại chương trình.
- Thưa anh, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ I đã đạt được những kết quả gì sau một năm hoạt động?
Đặc trưng Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu tương đối khác biệt với các hội thảo, diễn đàn khoa học khác. Diễn đàn không dừng lại ở khía cạnh chuyên môn, mà có sự định hướng, lan tỏa tinh thần thanh niên, sự kết nối cộng hưởng của rất nhiều các nhà nghiên cứu, nhóm nghiên cứu trẻ.
Diễn đàn lần thứ nhất đã nhận được sự quan tâm của lực lượng học viên, du học sinh là người Việt Nam, trí thức là Việt kiều rất nhiều nước. Thông qua Diễn đàn các bạn đã mở rộng mạng lưới quốc gia ở châu Âu, Mỹ, châu Á và những vùng trọng điểm của khoa học công nghệ... Từ đó, liên lạc kết nối xây dựng chương trình đào tạo, chương trình hội thảo, chương trình học bổng. Có những bạn được mời tham gia cộng tác ở các trường đại học.
Diễn đàn đã bước đầu chuyển đổi việc đặt câu hỏi du học sinh về hay ở, khi tạo ra kênh kết nối để họ lúc nào cũng có thể đóng góp, tương tác, liên kết với các đơn vị khoa học ở Việt Nam.
Hay, TS Nguyễn Tuệ Anh ở Trường ĐH Oxford (Vương quốc Anh) đã phát triển chương trình đào tạo, hội thảo quốc gia về kinh tế mang về Việt Nam những chuyên gia hàng đầu trong thời gian vừa qua. Ngoài ra còn có chuỗi chương trình dự án, hội thảo với sự trực tiếp tham gia các chương trình liên ngành...
Có thể nói, thành quả Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu tạo gia sự kết nối về chiều ngang giữa các trường đại học, các nhà khoa học trẻ trong nước và quốc tế.
- Thưa anh, những ý kiến, đề xuất tại các phiên thảo luận tại Diễn đàn lần thứ nhất đã được tiếp thu thế nào?
Sau Diễn đàn, chúng tôi đã chuyển tải các kiến nghị, đề xuất, giải pháp thành các báo cáo chuyên đề chia sẻ với các cơ quan bộ ngành có liên quan. Điển hình là phiên thảo luận về STEM lần thứ nhất đã chuyển tải thành những chương trình có chính sách cụ thể về giáo dục và đưa hoạt động giảng dạy STEM về nông thôn.
Điểm nhấn phát triển và công bằng xã hội
- Anh có thể chia sẻ về việc lựa chọn nội dung mà các đại biểu sẽ tập trung thảo luận tại Diễn đàn?
Chủ đề Diễn đàn hàng năm được xác định trên cơ sở mối quan tâm của đất nước, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn phát triển đất nước nhất định. Tiếp đến, chúng tôi tham vấn các chuyên gia, các nhà nghiên cứu nhiều thế hệ, các trường đại học để xây dựng những nội dung chính mà các nghiên cứu viên trẻ có thể quan tâm.
Trên cơ sở đó, ưu tiên lựa chọn những vấn đề phù hợp, khả thi nhất, có thể can thiệp hiệu quả nhất, chứ không viễn vông vì chúng ta không có nhiều nguồn lực.
Diễn đàn lần thứ II năm 2019 xác định bốn nhóm nội dung chính: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; công nghệ và quản lý trong nền kinh tế số; nâng cao năng suất lao động và đảm bảo công bằng xã hội. Bốn nhóm chủ đề này là sự tổng hợp từ hơn 20 nội dung nhỏ lẻ.
Nâng cao năng suất lao động và đảm bảo công bằng xã hội là nội dung mới của Diễn đàn năm nay, nhằm thu hút mối quan tâm và định hướng các giá trị trong trí thức trẻ hướng đến mục tiêu phát triển bền vững đất nước.