Đồ Sơn có gần chục cây gạo cổ thụ từ 100 năm đến hơn 200 năm, tập trung chủ yếu tại khu vực bến Thốc, phường Vạn Hương, gắn liền với ngôi đền cổ Vạn Chài.
Đền Chài xây dựng vào giữa thế kỷ 19, thờ Tứ vị Thánh Nương là các vị thần nữ cai quản nơi cửa biển, đứng đầu là Thánh Mẫu Càn Hải Đại Vương.
Trong thời gian chống thực dân Pháp, đền Vạn Chài là nơi hoạt động của Việt Minh, nơi hội họp, học tập, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng.
Trong số gần chục "cụ gạo" thì trong khuôn viên Đền có tới 5 cây. Đường kính đo được tại phần gốc mỗi cây từ 2 tới 2,5 mét.
Cách đền khoảng 30 mét, 3 cụ gạo sừng sững giữa ngã ba đường khoác lên mình tấm áo đỏ như ngọn lửa đang cháy.
Xác hoa rơi phủ đỏ một phần mái đền cổ, rêu phong.
Hoa gạo có 5 cánh, thường ra thành từng chùm lớn, nhỏ.
Chỉ sau 3 ngày là hoa trút khỏi cành, để lộ ra phần quả non đang lớn dần từ chính phần cuống hoa.
Nhiều du khách khi đến với Đồ Sơn trong những ngày nghỉ lễ như bị hớp hồn, tranh thủ tạo dáng dưới gốc gạo già chụp ảnh.
Một trái tim bằng hoa gạo được thiếu nữ kết từ cả trăm bông.
Linh, nữ sinh trường Y đến từ Hà Nội mê mẩn trước vẻ đẹp của những bông hoa tháng ba.
Linh chia sẻ, chưa bao giờ được nhìn nhiều hoa gạo nở đẹp đến vậy...
Để bảo vệ những cây gạo cổ thụ, chính quyền quận Đồ Sơn đang tính đến phương án đưa vào danh sách cây di sản Việt Nam cùng với rừng đa búp đỏ tại Đảo Dấu và rặng thị cổ núi Ngọc đã được công nhận trước đó.