Theo Sở LĐTBXH tỉnh Bình Định, trong lần xét nhận hỗ trợ này sẽ có 200 người trong tổng số 1.072 nạn nhân bom mìn toàn tỉnh nhận được hỗ trợ. Các phần quà hỗ trợ gồm 135 con bò giống, 64 con heo giống và 3.300 con gà. Đối tượng nhận hỗ trợ là người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, chưa từng nhận hỗ trợ sinh kế trước đó, có đủ điều kiện để chăn nuôi. Những hoạt động trên nằm trong khuôn khổ Dự án Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (KVMAP).
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Sở LĐTBXH đã tiếp tục phối hợp với Dự án KVMAP xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động hỗ trợ học nghề cho 2 nạn nhân bom mìn, hỗ trợ dụng cụ học tập cho 3 nạn nhân. Dự án đã hỗ trợ cho Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh 97 dụng cụ vật lý trị liệu (thuộc 31 danh mục), góp phần phục vụ hoạt động phục hồi chức năng cho đối tượng bảo trợ xã hội tại đây.
Trong tháng 9/2021, 3 thiếu niên là nạn nhân bom mìn tại Bình Định cũng nhận được hỗ trợ phương tiện đi học và học bổng trị giá 3,5 triệu đồng, gồm: Em Mai Hoàng Công Tính (17 tuổi, sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Quy Nhơn); em Đinh Văn Hoài Ngưu (14 tuổi, học sinh tại huyện An Lão, Bình Định); em Nguyễn Trung Tính (18 tuổi, vừa đỗ vào trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM).
Trong đó, Mai Hoàng Công Tính bị tai nạn bom mìn năm 2011, khiến cả bàn tay trái chỉ còn lại một ngón út. Điều kiện gia đình khó khăn khi bố mẹ đều là lao động tự do và còn 2 em trai đang học phổ thông.
Còn em Đinh Văn Hoài Ngưu bị tai nạn bom mìn khi mới 9 tuổi, làm toàn thân bị thương, ảnh hưởng đến thị lực và thính lực. Điều kiện gia đình em cũng rất khó khăn, khi bố mẹ chỉ làm ruộng, khi nông nhàn ai thuê gì làm đó, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên thu nhập của gia đình cũng bấp bênh.
Với em Nguyễn Trung Tính, em bị tai nạn bom mìn năm 2013, làm hỏng một bên mắt. Bố mẹ em đang làm lao động tự do nên thu nhập không ổn định, nhà có một em gái cũng phải đi làm thuê để phụ giúp gia đình.
Ngoài ra, Sở LĐTBXH Bình Định đã hoàn thành công tác lập hồ sơ quản lý trường hợp và hoàn chỉnh dữ liệu trên hệ thống phần mềm cho 1.072 nạn nhân bom mìn. Sở cũng đã phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tiếp tục mở khóa đào tạo cán bộ quản lý công tác xã hội đối với người khuyết tật và nạn nhân bom mìn cho 40 cán bộ, công chức công tác tại các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh.
Dự án KVMAP với mục tiêu hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân tai nạn bom mìn và người khuyết tật; từng bước tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng. Tính đến giữa tháng 8/2021, trên cả nước có hơn 1.000 nạn nhân thương tật do các tại nạn bom mìn đã được khám sức khỏe, trong đó 174 người, bao gồm trẻ em, đã được trang bị chân tay giả và được phẫu thuật.
Trươc đó, tháng 7/2021, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP đã ký kết thỏa thuận với Cục Bảo trợ Xã hội nhằm hỗ trợ sinh kế cho 410 nạn nhân bom mìn và gia đình tại Quảng Bình và Binh Định. Theo đó, các nạn nhân bom mìn sẽ được hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi theo nhu cầu, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn vận hành mô hình sản xuất từ các chuyên gia. Tổng số hộ nhận hỗ trợ con giống bao gồm: bò giống 275 hộ, heo giống 67 hộ và gà giống 68 hộ. Năm 2020, hơn 6.000 nạn nhân và gia đình nạn nhân ở các tỉnh Quảng Bình và Bình Định đã nhận được gói hỗ trợ ứng phó COVID-19 gồm có thực phẩm, khẩu trang và nước rửa tay.