Đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh cho biết, cá nhân chị thấy công văn trên của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch là hoàn toàn hợp tình, hợp lý bởi có một lực lượng nghệ sĩ rất khó khăn và xứng đáng được hỗ trợ. Nghệ sỹ, ngoài những gương mặt mọi người thường thấy xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, còn rất nhiều người hoạt động ở các bộ môn nghệ thuật khác ít được biết đến như tuồng, chèo, cải lương, múa rối, ca trù, nhã nhạc cung đình, cồng chiêng, quan họ, chầu văn, đờn ca tài tử, bài chòi…
Lực lượng này rất đông đảo, vẫn học tập, rèn luyện hàng ngày. Nếu có dịp xem các nghệ sĩ này tập luyện, làm việc, mọi người sẽ thấy sự chưa hợp lý rất lớn giữa tài năng, sức lao động, sự nguy hiểm nghề nghiệp và thu nhập. Trong đại dịch, khi sân khấu không sáng đèn, những đêm nhạc phải tạm dừng, những bộ phim không được đưa vào sản xuất thì họ là những người gặp khó khăn đầu tiên vì không có thu nhập. Họ chính là những người nghèo, gặp khó khăn nhiều nhất.
Nhất bên trọng...
Tuy nhiên, theo đạo diễn Nguyễn Chánh Trực, đề xuất của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch kể trên đúng nhưng chưa đủ, bởi chỉ đề cập tới những nghệ sỹ trong các đoàn công lập. “Ban đầu đọc thông tin này tôi rất mừng và cảm động, nhưng sau khi đọc kỹ thì thấy bộ chỉ đề xuất trợ cấp cho các nghệ sĩ viên chức đang công tác tại các đoàn nghệ thuật công lập.
Việc cơ quan chủ quản quan tâm đến đời sống của các nghệ sĩ trong thời điểm này là hành động đáng ghi nhận và trân trọng. Tuy nhiên việc tách nhóm “nghệ sĩ dân lập” ra trong đề xuất vô hình trung tạo ra một tâm lý phân biệt đối xử, ngăn cách giới hạn giữa “nghệ sĩ công” và “nghệ sĩ tư”. Trên thực tế tất cả các nghệ sĩ dù công hay tư đều cùng chung một mục đích là lao động, sáng tạo sản phẩm để phục vụ đời sống tinh thần của người dân”, Nguyễn Chánh Trực bày tỏ.
Một nghệ sỹ đang bán hàng online. Trong đại dịch, họ phải tự xoay xở vượt khó |
Theo đạo diễn Hoàng Duẩn, lực lượng cần hỗ trợ nhất là anh em công nhân hậu đài, những nghệ sĩ các lĩnh vực nghệ thuật khó chạy show. Và để tồn tại, họ phải xoay xở làm nhiều nghề trái sở trường. “Nghệ sỹ là những người khá nhạy cảm. Việc phân biệt nghệ sỹ trong công lập và nghệ sỹ ngoài xã hội để hỗ trợ là điều không nên trong hoàn cảnh ai cũng khó khăn”, Hoàng Duẩn cho biết.
Đạo diễn Thanh Hiệp cho biết, trong năm qua chương trình “Mai Vàng nhân ái” đã hỗ trợ cho gần 150 các nghệ sĩ bệnh tật, bị tai nạn và có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ từ 5 đến 10 triệu đồng/người, không phân biệt nghệ sỹ công lập hay nghệ sỹ ngoài công lập. “Đã gọi là nghệ sỹ, đều có đóng góp cho nghệ thuật thì cần được đối xử như nhau”, Thanh Hiệp bày tỏ quan điểm.
Đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh cho biết, cá nhân chị thấy công văn trên của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch là hoàn toàn hợp tình, hợp lý bởi có một lực lượng nghệ sĩ rất khó khăn và xứng đáng được hỗ trợ.
Âm thầm chịu đựng khó khăn
Năm 2020, khi sân khấu đang gặp khó do dịch, Hội ái hữu nghệ sỹ TPHCM đã hỗ trợ cho công nhân hậu đài thuộc 14 đơn vị sân khấu công lập và xã hội hoá tại TPHCM. Ngoài ra. Hội Sân khấu TPHCM cũng có những đợt vẫn động các nghệ sỹ quyên góp, hỗ trợ cho các nghệ sỹ gặp khó khăn… Đạo diễn Mỹ Khanh cho rằng, nhiều nghệ sỹ còn nghèo nhưng họ rất tự trọng, không than vãn hay xin được ưu tiên, họ vẫn lặng lẽ tự xoay xở và vẫn tham gia đóng góp quỹ vắc-xin. Theo đạo diễn, chiếm số đông trong lực lượng nghệ thuật Việt là nghệ sĩ giỏi nghề, tâm huyết với nghề nhưng rất nghèo và tự trọng”.
Đạo diễn Nguyễn Chánh Trực chia sẻ, mỗi lần mở facebook lên, anh không khỏi ngậm ngùi khi thấy đồng nghiệp còn không đăng tải những câu chuyện về sân khấu, phim trường, những dự án, vở kịch và bộ phim họ đang tham gia. Thay vào đó họ dùng trang cá nhân để bán đủ thứ, từ bịch bánh tráng trộn đến cái bánh ú, hũ mắm, ký gạo…
“Tôi không ngờ có ngày những người nghệ sĩ chúng tôi lại có một cuộc sống chông chênh như thế. Dẫu biết ai cũng phải làm việc để mưu sinh, nhưng khi chúng tôi chọn làm nghệ thuật thì nơi mưu sinh phải là sân khấu, phim trường. Chúng tôi lao động để tạo ra những sản phẩm nghệ thuật mang lại giá trị tinh thần cho công chúng chứ không phải lên mạng buôn bán, quảng cáo để kiếm sống”, Nguyễn Chánh Trực nói.
Bộ VH-TT&DL đề nghị Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 2.000 viên chức là các đạo diễn, diễn viên, họa sĩ tại 100 đơn vị công lập. Cụ thể, hỗ trợ đội ngũ nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật hạng IV, diễn viên hạng IV, họa sĩ hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (đây là nhóm nghệ sĩ có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng). Mức hỗ trợ là 1.800.000 đồng/người/tháng, hỗ trợ trong 3 tháng và được chi trả một lần.