Hồ tiêu chết hàng loạt vì nấm bệnh

Hồ tiêu chết hàng loạt vì nấm bệnh
TP - Trong vòng 10 năm (1996 - 2006), diện tích cây hồ tiêu ở nước ta tăng từ 7.600 ha lên trên 50.000 ha. Thế nhưng, hiện nay người trồng tiêu đang lo lắng vì tiêu mắc bệnh chết hàng loạt.
Hồ tiêu chết hàng loạt vì nấm bệnh ảnh 1
Nông dân huyện Ea H’leo bên vườn tiêu bị bệnh chết trụi

Năm 2006, Việt Nam xuất khẩu 116.000 tấn tiêu, đạt kim ngạch 195 triệu USD, chiếm khoảng 50% sản lượng hồ tiêu toàn thế giới và độc chiếm ngôi đầu danh sách các quốc gia sản xuất hồ tiêu trên thế giới.

Sở dĩ cây hồ tiêu ở nước ta phát triển mạnh trong thời gian qua là nhờ giá cả khá ổn định ở mức từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng/kg, cá biệt có những thời điểm giá 1 kg hạt tiêu lên đến gần 100.000 đồng.

Nhiều vùng có khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp với cây hồ tiêu như huyện Cư M’gar, Ea H’leo (Đăk Lăk), Chư Sê (Gia Lai), Đăk Mil (Đăk Nông) cây hồ tiêu có thể đạt năng suất 6 tấn/ha, còn trung bình những nơi khác sản lượng đạt khoảng  2 tấn đến 3 tấn/ha.

Với giá như thời gian qua, mỗi ha tiêu cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, nhiều người đầu tư vào cây hồ tiêu chưa kịp hưởng thành quả đã bị điêu đứng vì hồ tiêu bị nấm bệnh chết khô hàng loạt. Bệnh ban đầu xuất hiện tại huyện Đăk Mil (tỉnh Đăk Nông) sau đó lan dần ra và đến nay hầu hết các vùng tập trung nhiều cây hồ tiêu ở Tây Nguyên đều đã xuất hiện căn bệnh này.

Phòng Kinh tế huyện Ea H’leo cho biết, thời gian qua huyện đã mời các đơn vị cung cấp thuốc bảo vệ thực vật và cán bộ của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên  tổ chức  hội thảo về vấn đề bệnh trên cây hồ tiêu.

Tuy nhiên, các cuộc hội thảo cũng chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu cách sử dụng kết hợp những  sản phẩm thuốc không phải dạng đặc trị.

Những loại thuốc này người dân trước đó đều đã dùng qua nhưng không hiệu quả.

Nhiều người đã viết đơn kêu cứu gửi đến báo Tiền phong đề nghị lên tiếng kêu gọi các nhà khoa học vào cuộc giúp nông dân trồng hồ tiêu thoát khỏi đại dịch.

Tại huyện Ea H’leo (Đăk Lăk), một trong những vùng trồng nhiều hồ tiêu tập trung của Tây Nguyên,  nơi nào chúng tôi cũng thấy những vườn hồ tiêu đã chết khô hoặc lác đác những trụ hồ tiêu bắt đầu bị héo lá.

Ông Hồ Duy Tấn, Chủ tịch UBND xã Ea Sol - cho biết, toàn xã có 200 ha hồ tiêu thì 40 ha đã bị chết, phần lớn số diện tích còn lại rất có thể cũng đã bị nhiễm bệnh.

Ông Phạm Văn Ly, một nông dân sản xuất giỏi của xã Ea Sol và là người có nhiều kinh nghiệm trồng hồ tiêu nhất vùng cũng không có cách nào chống lại bệnh dịch này.

Ông Ly cho biết, trước khi bệnh dịch lây đến vùng Ea Sol, ông đã vay hàng chục triệu đồng để làm hàng rào, mua vôi xử lý đất quanh gốc hồ tiêu.

Ông đã chạy đôn chạy đáo khắp các trạm khuyến nông mua thuốc phòng trừ. Nhưng khi thuốc đổ xuống (theo chỉ dẫn) thì hồ tiêu càng chết nhanh hơn.

Hàng xóm ông Ly là ông Hoàng Chánh Quang thì thuê một kỹ sư nông nghiệp về chăm sóc vườn hồ tiêu. Nhưng rồi vườn hồ tiêu của ông Quang cũng mắc bệnh chết rụi.

Hiện, người trồng hồ tiêu chỉ còn biết hy vọng các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu tìm ra giải pháp nào đó giúp cây hồ tiêu của họ thoát khỏi căn bệnh này.

MỚI - NÓNG