TPO - Do nắng nóng kéo dài, mực nước hồ Thác Bà chỉ còn 45,63m, thấp hơn mực nước chết 37cm, ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh doanh và các hoạt động trên hồ.
Hồ Thác Bà nằm trên địa bàn huyện Yên Bình và Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Hồ rộng 23.400 ha, diện tích mặt nước là 19.05 ha, dài gần 80 km, mực nước dao động từ 46 m đến 58 m, sức chứa khoảng 3,9 tỷ m3 nước.
Theo báo cáo của thủy điện Thác Bà, tính đến 11h, ngày 7/6, mực nước của hồ Thác Bà là 45,63m, thấp hơn mực nước chết 37cm. Việc mực nước xuống thấp kỷ lục này ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì dòng chảy, phát điện của nhà máy, công suất xuống chỉ còn 200.000 kW/ngày, thấp hơn rất nhiều công suất hiện có.
Ở khu vực giữa lòng hồ, do mực nước xuống thấp, các hộ nuôi cá lồng, bè lo lắng cá sẽ thiếu ô-xy, ngạt khí chết nếu tình trạng trên còn kéo dài.
Tại các khu vực ven hồ Thác Bà, mực nước bình thường vào khoảng 10 - 15m, nhưng hiện tại cạn trơ đáy, tạo thành các rãnh, điểm, bãi đất trống dài hàng kilomet.
Nhiều khu vực khác mực nước cạn sạch, lộ rõ khoảng trống.
Các bến cảng nhập đá trắng làm nguyên liệu của một số nhà máy trên địa bàn như Công ty CP xi măng và khoáng sản Yên Bái, Xi măng Yên Bình... cũng bị trì trệ do mức nước hồ cạn dưới mực nước chết, hai đầu bến đều trơ cạn, không bảo đảm vận chuyển bằng đường thủy.
Một số tàu, thuyền mang về bến sửa chữa cũng nằm dài ven hồ do mực nước xuống thấp.
Nhiều tuyến tàu chở khách nội tỉnh bị đình trệ. Điển hình như tuyến cảng Hương Lý đi xã Xuân Long phải tạm dừng. Tuyến cảng Hương Lý đi Cảm Nhân, Phúc An cũng phải lập tạm bến mới cách vị trí bến cũ 3 - 5km do nước cạn.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Chủ tịch tỉnh Yên Bái đề nghị cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước tới người dân để nâng cao ý thức trong việc sử dụng tiết kiệm điện, nước, chủ động tích trữ và sử dụng nước hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí nước. Triển khai các biện pháp cấp nước sinh hoạt, lắp đặt vận hành trạm bơm dã chiến; kéo dài đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước từ đô thị phục vụ cho nông thôn; vận chuyển nước sinh hoạt cho các khu vực không bảo đảm nguồn nước.