Hổ ở khu bảo tồn Sundarban |
Các chuyên gia bảo tồn thiên nhiên hoang dã cho biết số lượng hổ dữ ở khu bảo tồn lớn nhất thế giới này bắt đầu nhắm vào tấn công người là do mực nước biển dâng cao, ăn sâu vào những khu vực rừng ở bờ biển đang dần nhấn chìm nơi trú ngụ của hổ.
Đảo Sundarban, khu vực chủ yếu là đầm lầy rộng 26.000 km2 tiếp giáp với biên giới Bangladesh, có hàng trăm hòn đảo nhỏ bị ngăn cách bởi kênh rạch
“Trong vòng 6 tháng qua, 7 ngư dân đã bị hổ ăn thịt tại vùng Netidhopani thuộc đảo Sundarban,” Pranabes Sanyal thuộc Liên minh bảo tồn thiên nhiên hoang dã thế giới (WCU) nói. “Do khí hậu toàn cầu đang nóng dần lên, đảo Sundarban đã mất 28% diện tích trong vòng 40 năm qua. Một phần lớn diện tích này là khu bảo tồn hổ. Chúng không còn săn được mồi dễ dàng như trước bởi những con mồi của chúng đã di cư đến nơi khác.”
Mực nước biển dâng cao đã nhấn chìm 2 hòn đảo nhỏ tại đây. Những hòn đảo còn lại cũng đang ngày càng bị thu hẹp nhanh chóng. Các chuyên gia bảo tồn thiên nhiên hoang dã cho rằng những khu rừng đước bạn ngàn đang bị tàn phá không thương tiếc khiến cho những con mồi chủ yếu của hổ như cá sấu, cá và cua lớn đang biến mất dần. Trong khi đó, những người dân trên đảo Sundarban phải đi qua “lãnh địa” của hổ bằng thuyền để đánh bắt cá trên biển hoặc đi lấy mật ong trong rừng.
Các camera thậm chí còn ghi được cảnh hổ tấn công và ăn thịt một người dân địa phương tên là Ashutosh Dhali vào tháng 2 vừa qua. Một thời là nơi trú ngụ của 500 con hổ vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, đảo Sundarban hiện nay chỉ còn 250 – 270 con hổ, theo các quan chức thuộc WCU. Tuy nhiên, Viện thống kê Ấn Độ lại cho rằng, hổ ở Sundarban chỉ còn 75 con. Một thế kỷ trước, Ấn Độ có đến 40.000 con hổ và con số này đã giảm xuống chỉ còn 1.411 con vào năm nay, theo Viện thống kê Ấn Độ.
Sundarban là khu bảo tồn đước lớn nhất thế giới và là một trong những hệ sinh thái đáng chú ý nhất tại Nam Á, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
H.H
Theo Reuters