[HỒ SƠ] Vụ tai nạn máy bay đẫm máu làm thay đổi New Zealand

Nhân viên cứu hộ tại hiện trường vụ tai nạn máy bay của Air New Zealand năm 1979. Ảnh: AP.
Nhân viên cứu hộ tại hiện trường vụ tai nạn máy bay của Air New Zealand năm 1979. Ảnh: AP.
TPO - Tròn 40 năm trước, chiếc máy bay chở 257 người lao vào vách núi lửa ở Nam Cực; và hậu quả vụ tai nạn còn kéo dài đến tận ngày nay.

Đến nay, vụ chuyến bay TE901 đâm vào vách núi Erebus ngày 28/11/1979 vẫn là thảm họa tồi tệ nhất trong thời bình của New Zealand.

Thảm kịch hàng không gây sốc cho New Zealand, tác động hầu hết mọi người ở đất nước này, dẫn tới các cuộc điều tra kéo dài nhiều năm và việc đổ lỗi cho nhau đầy cay đắng.

Nguyên nhân máy bay đâm vào núi

Hai năm trước, hãng hàng không Air New Zealand bắt đầu cung cấp dịch vụ bay ngắm cảnh ở Nam Cực và gặt hái nhiều thành công. Hành khách lên chuyến bay khứ hồi kéo dài 11 giờ liên tục, không dừng từ thành phố Auckland, dọc theo chiều dài New Zealand tới miền nam châu lục, thỏa sức ngắm băng tuyết vô tận ở rìa thế giới.

Nhưng ngày này 40 năm trước, mọi chuyện diễn ra như vậy. Khoảng trưa, phi công-cơ trưởng Jim Collins cho máy bay lượn hai vòng lớn xuyên qua các đám mây, hạ độ cao xuống tầm 610m để hành khách ngắm cảnh rõ nét hơn. Nghĩ rằng mình vẫn bay theo hành trình giống như các chuyến bay trước đó là bay qua eo biển McMurdo, phi công Collins không biết trước được vấn đề.

Trên chiếc máy bay phản lực thân rộng ba động cơ DC 10, hành khách mải mê chụp ảnh, quay phim cảnh buồng lái và phía bên ngoài cửa sổ. Sau đó, nhiều tấm phim được tìm thấy trong xác máy bay và vẫn có thể in tráng ra ảnh. Một số bức ảnh được chụp chỉ vài giây trước khi máy bay đâm vào núi lửa cao gần 3.800m.

Nhưng thay vì nhìn thấy băng tuyết ở đằng xa, tổ lái đối diện ngọn núi ngay phía trước. Sát 1 giờ chiều, cảnh báo va chạm vang lên nhưng không đủ thời gian để phi công điều khiển phi cơ bay ngóc lên. Sáu giây sau, máy bay lao thẳng vào vách núi Erebus ở độ cao 447m.

Sau nhiều giờ chờ đợi, băn khoăn vì mất liên lạc với DC 10, những người ở New Zealand cho rằng, máy bay chắc là hết nhiên liệu, dù ở đâu thì nó cũng không còn trên bầu trời.

Chiến dịch tìm kiếm cứu nạn được triển khai và sớm khẳng định nỗi lo về điều tồi tệ nhất. Người ta nhìn thấy các mảnh vỡ trên đảo Ross, sườn thấp của núi Erebus và rõ ràng rằng, không ai sống sót.

“Tai nạn như vậy sẽ không xảy ra với máy bay hiện đại”, ông Andrew Ridling, Chủ tịch Hiệp hội Phi công hàng không New Zealand, nói. Phần nào thế giới đã rút kinh nghiệm từ các vụ tai nạn như TE901. “Thiết bị ngày nay cực kỳ tốt. Bạn có hệ thống dẫn đường dựa vào vệ tinh nên không thể bay nhầm đường như vậy”, phi công Ridling giải thích.

[HỒ SƠ] Vụ tai nạn máy bay đẫm máu làm thay đổi New Zealand ảnh 1 Chiếc máy bay gặp nạn (ảnh chụp năm 1977). Ảnh: Wikipedia.

Các tai nạn thảm khốc phá hỏng nỗ lực tạo dựng bản sắc

Sau này, người ta xác định được hai nguyên nhân chính khiến chiếc DC 10 va vào vách núi.

Các phi công được thông báo ngắn về một đường bay khác với được bay được nhập vào máy tính của máy bay. Đội bay nghĩ rằng, đường bay của họ giống với các đường bay trước, bay phía trên mặt nước và băng ở eo biển McMurdo. Nhưng thực tế là đường bay hôm 28/11/1979 là bay qua đảo Ross và núi lửa Erebus cao 3.794m.

Nguyên nhân thứ hai là hiện tượng thời tiết whiteout (cực trắng). Thường xảy ra ở vùng cực hoặc những nơi tuyết rơi dày, whiteout có nghĩa rằng ánh sáng giữa tuyết trắng hoặc băng bên dưới mặt đất và các đám mây trên trời tạo ra ảo giác rằng trời trong, tầm nhìn rõ ràng.

Một ví dụ điển hình là, một đám mây lớn bay tới, nhưng ánh nắng vẫn đủ sức xuyên qua, rồi bị phản xạ bởi lớp băng tuyết dưới mặt đất; ánh sáng phản xạ này trải lên mặt dưới của đám mây rồi lại phản xạ xuống, cứ thế ánh sáng bị khuếch tán khắp nơi làm cho khung cảnh trở nên cực trắng. Ánh sáng trắng bao phủ khắp nơi nên người ta không thể nhận ra các dấu hiệu trên mặt đất (các đường đứt gãy, hố sâu, bóng cây…), không thể nhận ra đường chân trời để làm cột mốc quan sát. Bầu trời và mặt đất hợp lại thành một quả cầu trắng xóa xung quanh người nhìn.

Viên phi công chuyến bay định mệnh TE901 tin tưởng vào đường bay tự động, cho rằng màu trắng mà mình đang nhìn thấy qua cửa sổ buồng lái chỉ đơn giản là tuyết trắng và băng trên mặt nước bên dưới, không phải là vách núi.

Vụ tai nạn khiến 237 hành khách và 20 thành viên phi hành đoàn tử nạn. Có 44 thi thể không bao giờ có thể nhận dạng được.

[HỒ SƠ] Vụ tai nạn máy bay đẫm máu làm thay đổi New Zealand ảnh 2 Mảnh vỡ máy bay vẫn còn nằm trên sườn núi Erebus. Ảnh: Phil Reid.

Dân số New Zealand thời điểm đó chỉ khoảng 3 triệu người. Vì thế, hầu hết mọi người đều ít nhiều liên quan thảm kịch Erebus (biết một nạn nhân, một thành viên trong số nhiều đội tìm kiếm cứu nạn, tham gia cuộc chiến pháp lý kéo dài…). Thảm kịch khiến toàn bộ đất nước New Zealand chấn động.

“Vụ việc xảy ra vào thời điểm quốc gia tương đối trẻ đang ở giai đoạn quan trọng của việc tìm kiếm cách tường thuật mới về bản sắc của mình. Trong thập niên 60-70, cách tường thuật cũ về một tiền đồn tiến bộ của Đế quốc Anh đã vỡ tan thành từng mảnh hoặc đơn giản là không còn ý nghĩa gì nữa”, nhà sử học Rowan Light (Đại học Canterbury của New Zealand) nhận định.

Thời đó, New Zealand non trẻ đang nỗ lực tìm chỗ đứng. Các tiến bộ công nghệ là một phần quan trọng của con đường mới, cơ sở hạ tầng là chìa khóa của câu chuyện quốc gia về ổn định, chinh phục, giành quyền kiểm soát vùng đất. Và vươn tới Nam Cực, cách miền nam New Zealand khoảng 4.500km, hoàn toàn vừa khớp với câu chuyện đó.

Nhưng một loạt vụ tai nạn thảm khốc đã phá hỏng nỗ lực tạo dựng bản sắc dân tộc của New Zealand.

Năm 1953, tàu hỏa tốc hành trật bánh ở vùng Tangiwai trên đảo Bắc, rơi xuống sông khiến 151 người thiệt mạng. Năm 1968, phà Wahine bị đắm ở cảng Wellington, cướp đi 51 sinh mạng. Rồi vụ xảy ra vụ máy bay đâm vào núi.

“Những tai nạn này khiến người ta đặt câu hỏi về cách tường thuật về mức độ tiến bộ công nghệ và khả năng kiểm soát”, nhà sử học Light nói.

[HỒ SƠ] Vụ tai nạn máy bay đẫm máu làm thay đổi New Zealand ảnh 3 Núi lửa Erebus ở Nam Cực. Ảnh: Oceanwide Expeditions.

“Những lời dối trá”

Trận chiến pháp lý nhanh chóng xuất hiện và trở thành đòn đánh thứ hai giáng xuống New Zealand sau bản thân vụ tai nạn máy bay. Người dân bị sốc vì cơ quan chức năng không thể xác định chính xác chuyện gì đã xảy ra và vì các bên đổ lỗi cho nhau.

Cuộc điều tra đầu tiên xác định lỗi là do phi công. Họ đã bay dưới ngưỡng độ cao an toàn tối thiểu do hãng hàng không Air New Zealand (lúc đó hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước) đặt ra. Có vẻ như rất dễ dàng để nói rằng, nếu tuân thủ ngưỡng độ cao tối thiểu này, vụ tai nạn đã không xảy ra. Các nhà điều tra cũng nhận thấy có sự không khớp trong đường bay, nhưng họ kết luận rằng, nếu bay ở độ cao cao hơn thì máy bay sẽ không đâm vào núi.

Việc đổ lỗi cho các phi công gây ra làn sóng tranh cãi. Cuộc điều tra thứ hai được tiến hành, lần này do Ủy ban Điều tra hoàng gia thực hiện. Kết quả không khác biệt. Lần này, người ta đổ lỗi cho Air New Zealand.

Máy bay đã bay dưới ngưỡng độ cao an toàn nhưng cuộc điều tra cho thấy, các chuyến bay tới Nam Cực thường xuyên bay ở độ cao rất thấp như vậy để khách hàng ngắm cảnh rõ hơn. Thậm chí, một tập tài liệu quảng bá đường bay ngắm cảnh băng tuyết Nam Cực còn sử dụng các bức ảnh được chụp ở độ cao dưới ngưỡng an toàn.

Ủy ban Điều tra hoàng gia không chỉ đổ lỗi vụ tai nạn cho Air New Zealand mà còn cho rằng, hãng hàng không đã cố tình bưng bít trách nhiệm của mình – âm mưu đổ lỗi cho phi công để hãng trong sạch về mặt đạo đức và có lợi hơn về mặt bồi thường cho gia đình các nạn nhân. Người đứng đầu cuộc điều tra, thẩm phán Peter Mahon, miêu tả hàng rào bảo vệ hãng hàng không là “những lời dối trá”.

[HỒ SƠ] Vụ tai nạn máy bay đẫm máu làm thay đổi New Zealand ảnh 4 Đường bay mà phi hành đoàn chuyến bay TE901 tưởng mình đang bay, giống các chuyến bay trước (trái). Đường bay thực tế mà chuyến bay đâm vào núi (phải). Đồ họa: BBC.

Lời xin lỗi muộn màng

Air New Zealand đưa vụ việc ra tòa phúc thẩm và tòa bác bỏ cáo buộc của ông Mahon. Một lần nữa, thảm kịch Erebus rơi vào tình trạng u tối, mập mờ. Trò đổ lỗi át cả nỗi đau thương của người thân nạn nhân.

Tai nạn TE901 là đòn giáng mạnh vào uy tín của Air New Zealand - niềm tự hào của New Zealand trong nỗ lực định vị mình trên bản đồ thế giới. Nhưng năm tháng trôi qua, người dân càng đồng thuận rằng, hãng hàng không có lỗi, không phải các phi công.

Air New Zealand không thực hiện các chuyến bay Nam Cực nữa. Một hãng hàng không tư nhân cung cấp dịch vụ bay ngắm cảnh Nam Cực nhưng xuất phát từ Úc.

Hồi đó, vụ tai nạn máy bay và hậu quả của nó được coi “gần như là cảm giác bị phản bội đối với với dân”, ông Light nói.

Năm 2009, Air New Zealand đưa ra lời xin lỗi đầu tiên dù chỉ là xin lỗi về lối cư xử của hãng sau vụ tai nạn, chứ không phải là về bản thân vụ tai nạn.  

Năm nay (40 năm sau thảm kịch Erebus), hãng hàng không đưa ra lời xin lỗi đầy đủ, nhưng đối với nhiều người, như vậy là quá muộn màng.

“Tôi xin lỗi thay mặt cho hãng hàng không 40 năm trước đã không thực hiện được nhiệm vụ chăm sóc hành khách và nhân viên của mình”, Therese Walsh, người phát ngôn của Air New Zealand, nói tại lễ kỷ niệm hôm 28/11 tại nhà khách chính phủ ở thành phố Auckland.

“Trong khi lời nói không thể đem trở lại những người đã mất tại núi Erebus ngày này 40 năm trước, tôi vẫn xin được thay mặt Air New Zealand bày tỏ sự ân hận về vụ tai nạn đã cướp đi mạng sống của 257 hành khách và thành viên phi hành đoàn”, bà Walsh phát biểu.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng đưa ra lời xin lỗi đầy đủ đầu tiên của chính phủ nước này về vụ tai nạn. “Đây là lời xin lỗi từ đáy lòng. Chúng tôi sẽ không bao giờ biết được sự buồn thương của các bạn nhưng tôi biết là đã tới thời điểm nói rằng tôi xin lỗi”, bà Ardern nói.

Có mặt tại nhà khách chính phủ và nghe lời xin lỗi của Thủ tướng Ardern và hãng hàng không, góa phụ Maria Collins, vợ của phi công Jim Collins, nói rằng, bà “thực sự sốc”, không nghĩ là cuối cùng lại có lời xin lỗi chính thức. “Tôi từng nghĩ rằng, một ngày nào đó tôi tỉnh dậy và đó là những lời tôi thích được nghe, nhưng dĩ nhiên, điều đó sẽ không xảy ra trong đời tôi”, bà kể.

[HỒ SƠ] Vụ tai nạn máy bay đẫm máu làm thay đổi New Zealand ảnh 5 Bà Maria Collins trong nhà mình ở thành phố Auckland, cầm ảnh chồng – cơ trưởng Jim Collins. Ảnh: Stuff.

Chưa có đài tưởng niệm quốc gia

Gia đình các nạn nhân đã nhận được một số tiền bồi thường, nhưng nhiều người than phiền rằng, hãng hàng không thiếu sự thông tin liên lạc và hỗ trợ tinh thần cho họ.

Đến nay vẫn chưa có đài tưởng niệm quốc gia dành cho các nạn nhân thảm kịch Erebus. Đảo Ross chứng kiến một số sự kiện kỷ niệm do người thân các nạn nhân tổ chức. Người ta vẫn đang tranh cãi về vị trí đặt đài tưởng niệm và hình thức của nó.

Đầu năm nay, New Zealand phê duyệt kế hoạch xây dựng tượng đài ở Auckland. Thủ tướng Ardern nói rằng, công trình này sẽ “phản ánh độ trầm trọng của thảm kịch và đem lại cảm giác mạnh mẽ về kết nối và mất mát”.

Ngày 28/11, trong khi cả nước nhớ về vụ tai nạn hàng không, ở cách xa hàng nghìn cây số, các mảnh vỡ của máy bay vẫn nằm trên sườn núi Erebus tuyết phủ.

[HỒ SƠ] Vụ tai nạn máy bay đẫm máu làm thay đổi New Zealand ảnh 6 Một lễ tưởng niệm các nạn nhân diễn ra năm 2011 trên đảo Ross. Ảnh: Getty Images.

Danh sách nạn nhân:

Nước

Hành khách

Tổ lái

Tổng số

New Zealand

180

20

200

Nhật Bản

24

-

24

Mỹ

22

-

22

Anh

6

-

6

Canada

2

-

2

Úc

1

-

1

Pháp

1

-

1

Thụy Sĩ

1

-

1

Tổng số

237

20

257

MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
TPO - Hà Nội lên tiếng hàng nghìn căn hộ sai phạm của 'đại gia điếu cày' chưa được cấp sổ; Bình Thuận chấp thuận đầu tư dự án bất động sản hơn 12.000 tỷ; Cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án Công viên Phùng Khoang; Chủ dự án sân golf Việt Yên bị phạt;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 13/12.