Tháng 11/1964, Eli Cohen trở về Israel khi vợ mình sinh con thứ ba. Trong chuyến đi này, ông đã yêu cầu Mossad cho phép kết thúc nhiệm vụ tại Syria do e ngại vỏ bọc của mình sẽ sớm bị lộ. Mossad đã quyết định ông trở lại Syria thực hiện nhiệm vụ thêm một lần cuối.
Bị lộ và án tử
Phục tùng mệnh lệnh cấp trên, Eli Cohen thực hiện chuyến đi định mệnh của mình. Ông đã hứa với vợ đó sẽ là “chuyến đi châu Âu” cuối cùng. Trong thời gian 4 năm trước đó, gia đình Eli Cohen vẫn nghĩ rằng ông làm việc ở châu Âu và liên tục đi lại do yêu cầu công việc liên quan tới Chính phủ Israel.
Bà Nida Cohen (hiện đã ngoài 80), khi được tờ Jewish News phỏng vấn năm 2019, cho biết: “Khi gặp Eli, tôi không biết anh ấy đang làm việc cho Mossad. Nhưng tôi cũng không tin anh ấy là một doanh nhân, vì đó không phải là tính cách của anh ấy. Eli không thích tiền. Anh ấy thích một cuộc sống bình dị”.
Eli Cohen đã không gặp may trước khi “Cuộc chiến sáu ngày” diễn ra. Được bổ nhiệm làm Giám đốc tình báo Syria năm 1964, Đại tá Ahmed Su’edani, vốn rất đa nghi, tin rằng một gián điệp “luồn sâu, leo cao” đang cung cấp thông tin tình báo cho Israel, và tỏ ra không thích Cohen. Nhận thấy sự chẳng lành, Cohen báo cáo về Mossad và muốn kết thúc nhiệm vụ của mình vào tháng 11 năm đó. Tuy nhiên, Mossad yêu cầu ông quay lại Syria thêm một lần. Cohen phục tùng mệnh lệnh và không bao giờ trở về Tel Aviv nữa.
|
Tháng 1/1965, Syria tăng cường các nỗ lực tìm kiếm các đối tượng xâm nhập và hoạt động tình báo. Bằng việc sử dụng thiết bị theo dõi tinh vi, giới chức Syria phát hiện nhiều tín hiệu vô tuyến và tiến hành truy tìm nguồn phát. Kết quả nơi phát ra tín hiệu chính là căn nhà của Eli Cohen. Ngày 24/1/1965, Cohen bị bắt quả tang đang gửi thông tin tình báo về Tel Aviv. Sau khi bị thẩm vấn gắt gao, Cohen bị buộc tội gián điệp và bị kết án tử hình.
Bại lộ do đâu?
Theo Giám đốc Cơ quan tình báo Syria Đại tá Ahmed Su’edani, phía Syria đã bắt đầu tình nghi Kamel Amin Tsa’abet (Cohen) khi nắm được thông tin doanh nhân này thường xuyên tiếp xúc với một “nhân vật đáng ngờ”. Ngay sau khi Cohen bị bắt, người đã đưa ông vượt biên giới Lebanon vào Syria và đến Damascus năm 1962 cũng bị bắt giữ. Người đó không ai khác chính là Majeed Sheikh al-Ard, người đã theo suốt hành trình 3 năm ở Syria của Cohen.
Trong thời gian từ 1962 đến khi bị bắt, Cohen đã nhiều lần rời khỏi và quay lại Syria. Lần cuối cùng là vào ngày 26/11/1964. Không lâu trước đó, Syria đã bắt giữ 2 gián điệp người Mỹ đang điều hành cụm tình báo CIA tại Damascus. Một trong 2 người đó, Farhan Atassi, có biết Eli Cohen. Syria hiểu rằng đang có nhiều hoạt động thu thập thông tin tình báo diễn ra ngay tại Damascus. An ninh lập tức được thắt chặt ở những vùng biên và mọi hoạt động ra-vào biên giới đều được giám sát chặt chẽ đối với những ai có mối quan hệ với Đại sứ quán Mỹ tại Syria.
Sau này, Dawood Baghestani - Tổng Biên tập Tạp chí tiếng Anh Israel-Kurd, người từng bị giam trong chính căn buồng nơi Eli Cohen bị giam trước đó, đã phát hiện ra dòng chữ Eli Cohen khắc lên tường trước khi bị xử tử. Dòng chữ mang thông điệp dường như là Eli Cohen đã bị một người bạn thân phản bội, làm lộ thân phận của mình. Tuy nhiên, thông điệp đó vẫn toát lên sự thanh thản: “Tôi không hối hận về những gì mình đã làm mà chỉ hối hận vì những gì lẽ ra mình đã làm được nhưng không có cơ hội để làm. Đôi khi bạn thân cũng khiến những người có khả năng hành động phải thất bại”.
|
Vào thời điểm Eli Cohen thực hiện nhiệm vụ cuối cùng vào năm 1965, hai vợ chồng ông đã có 3 con. Anh trai ông là Maurice Cohen cũng thăng tiến trong Mossad nhưng không hề biết gì về vai trò của em trai mình trong giới tình báo. Cũng như vậy, bà Nadia cũng không hay biết về cuộc sống hai mặt của chồng. Vì lẽ đó, đại gia đình Cohen đã vô tình xem được trên ti-vi cảnh tượng đau lòng khi Eli Cohen bị xử tử trước đám đông tại Syria vào ngày 18-5-1965. Đó là một sự kiện gây chấn động cả đất nước Israel.
Trải lòng về thời khắc đau buồn đó, bà Nadia nói: “Thật đau đớn khi phải chứng kiến điều đó ngay trước mắt mình, thấy người ta hạ anh ấy xuống và thấy xe chạy đi, thấy cả đám đông tập trung trên quảng trường Marjeh”.
Năm 2014, trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin quốc gia Israel Arutz Sheva, bà chia sẻ: “Tôi biết rằng các cơ quan tình báo đã hết sức nỗ lực tìm kiếm nơi chôn cất Eli... Bằng cả trái tim mình, tôi ước sao được đứng trước mộ và nói chuyện với Eli như khi anh ấy còn sống…”.
Dù chưa đưa được thi hài của Eli Cohen về nước, sau nhiều nỗ lực, năm 2018 Israel đã tìm và chuộc về được chiếc đồng hồ đeo tay Eli Cohen từng sử dụng khi ông đang mang trên mình tấm “bình phong” là một doanh nhân giàu có ở Syria. Sự kiện này, dẫu muộn màng, cũng là một điều an ủi đối với gia đình Eli Cohen. “Tôi như lại được nhìn thấy hình ảnh của anh ấy khi tìm lại được chiếc đồng hồ này”, bà Nadia nói.
Điệp viên hoàn hảo
Bất chấp việc chính phủ Israel và một số nước cùng nhiều nhân vật nổi tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ để Eli Cohen được khoan hồng, án tử hình cho Eli Cohen vẫn được giữ nguyên. Ngày 15-5-1965, Eli Cohen viết bức thư trăn trối cho vợ, mong bà không nên đau buồn về quá khứ và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Trong thư có đoạn: “Tha thứ cho anh và hãy chăm sóc cho bản thân và con của chúng mình… Anh cầu mong em không lãng phí thời gian than khóc vì một điều đã trôi qua. Hãy tập trung vào chính mình và nhìn thẳng về một tương lai tươi sáng!”.
|
Những đóng góp của Eli Cohen đối với an ninh Israel là vô cùng to lớn. Bắt giữ được một điệp viên của Mossad không phải là điều dễ dàng và việc bắt quả tang Eli Cohen khi đang truyền tin về nước là một thành tích lớn. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho câu chuyện của Elic Cohen trở thành “huyền thoại”, không chỉ tại Israel mà còn trong toàn bộ thế giới Ả Rập.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị Al-Quds tại Jordan nhận xét, cuộc đời và công việc của Eli Cohen thu hút trí tưởng tượng của tất cả mọi người, “Eli Cohen đã trở thành một điệp viên huyền thoại và tất cả những câu chuyện xung quanh ông đều hấp dẫn công chúng. Từ khi tôi còn nhỏ, tôi đã được bố tôi kể cho nghe về Eli Cohen”.
Khó có thể nói cho rõ ràng thế nào là một điệp viên hoàn hảo, nhưng có một điều chắc chắn rằng, một điệp viên hoàn hảo phải cung cấp được tin tức tình báo có giá trị lớn, có tính chất quyết định tới cục diện và cân bằng lực lượng (kinh tế, chính trị, quân sự…) giữa các bên liên quan. Một điệp viên hoàn hảo cũng phải cảm nhận được khi nào là đủ và rút lui đúng lúc, đảm bảo được an toàn cho tổ chức và chính bản thân mình.
Eli Cohen thực sự là một điệp viên hoàn hảo của Mossad. Xâm nhập vào các cơ quan cao nhất trong hệ thống chính trị Syria, Eli Cohen đã chuyển những thông tin quân sự và chính trị quan trọng về Israel, không chỉ góp phần xoay chuyển cục diện Trung Đông, tăng cường an ninh cho Israel mà còn giúp nước này mở rộng lãnh thổ thêm hàng nghìn ki-lô-mét vuông. Có thể nói tin tức tình báo từ Eli Cohen là sánh ngang với sức mạnh của một tập đoàn quân. Cuối năm 1964, ông đã nhận ra nguy hiểm đang tới gần và đã có những bước để kết thúc nhiệm vụ tại Syria, bảo đảm an toàn cho bản thân. Đó chính là những phẩm chất của một điệp viên hoàn hảo.