Hồ Hoàn Kiếm sẽ có diện mạo mới?

Triển lãm phương án thiết kế, cùng vật liệu sử dụng cho dự án “Xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm” thu hút đông đảo người dân tham quan.
Triển lãm phương án thiết kế, cùng vật liệu sử dụng cho dự án “Xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm” thu hút đông đảo người dân tham quan.
TP - Để lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và các nhà khoa học và các chuyên gia, UBND quận Hoàn Kiếm và đơn vị tư vấn thiết kế AREP VILLE (CH Pháp) đã tổ chức triển lãm về phương án thiết kế, vật liệu sử dụng cho dự án “Xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm” tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm - số 2 phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm từ ngày 2/3/2018.

Mở rộng kết nối không gian ngoài hồ

Trước đây, việc bê tông hoá kè hồ đã chặn các mạch nước ngầm, hạn chế khả năng thẩm thấu nước, làm mất đi hệ thực vật thuỷ sinh quanh hồ, bờ hồ không thực hiện được chức năng lọc nước và sinh cảnh cho động vật thủy sinh. Sau nhiều năm sử dụng, đến nay hệ thống kè bê tông cũ đã xuống cấp ở 1/3 chu vi hồ gây sụt, lún đường đi bộ ven hồ ảnh hưởng đến mỹ quan. Để khắc phục những hạn chế, đơn vị tư vấn đã đưa ra phương án thay kè bê tông bằng tường cừ + NEOWEB (ô địa kỹ thuật) trồng cỏ tạo cảnh quan và chống sạt lở, hiện được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Sau khi hệ thống kè ổn định mới tiến hành thi công các hạng mục còn lại.

Đối với hạng mục lát đường ven hồ, đơn vị tư vấn thiết kế đã đưa ra phương án thay các vật liệu lát vỉa hè cũ sang đá Granite bền vững với kích cỡ nhỏ phù hợp từng khu vực, độ dày 10cm. Hiện khu vực hồ Hoàn Kiếm sử dụng 11 loại vật liệu lát khác nhau dẫn đến không đồng nhất và xuống cấp và tạo nên một hình ảnh chắp vá về cảnh quan trong khu vực.

Để đảm bảo độ bền của đường dạo, kết cấu đường sẽ có 3 lớp vật liệu trước khi tiến hành lát đá, bao gồm: Lót nền đá dăm dày 10 - 15cm, lót nền bê tông thấm nước dày 10cm, lót đệm vữa dày 2-3cm, sau cùng là đá. Hệ thống bó vỉa cây xanh và hàng rào sắt sẽ được thay thế bằng đá với chiều cao đảm bảo mỹ quan.

Hồ Hoàn Kiếm sẽ có diện mạo mới? ảnh 1

Những hạng mục tiếp theo là: hạ ngầm toàn bộ hệ thống dây, tủ điện. Lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. Xây dựng hệ thống ga thu gom nước mưa trên đường dạo ven hồ để hạn chế rác thải chảy trực tiếp xuống hồ. Thay thế, bổ sung hệ thống ghế nghỉ, thùng rác; bổ sung các trang thiết bị đô thị như máy uống nước công cộng...; cải tạo hệ thống chiếu sáng đem lại vẻ đẹp cho hồ Hoàn Kiếm về đêm.

Khu vực đường đôi Đinh Tiên Hoàng sẽ được chỉnh trang trong đó bao gồm xóa bãi trông giữ phương tiện, tạo sự kết nối giữa hồ Hoàn Kiếm với không gian phố cổ. Các khu vực điểm dừng chân Lê Thái Tổ - Hàng Trống, không gian ngã tư Hàng Khay - Bà Triệu được cải tạo thành điểm sinh hoạt cộng đồng. Cột mốc KM 0 được xây dựng để tạo nên các điểm nhấn hấp dẫn khách du lịch.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Các phương án được đưa ra triển lãm lần này đã tiếp thu ý kiến từ các nhà khoa học và các chuyên gia trong năm 2017, theo nguyên tắc bảo tồn tối đa các yếu tố gốc và cảnh quan hiện có, hoàn chỉnh không gian hồ Hoàn Kiếm phục vụ  cho người dân và du khách trở thành trung tâm văn hóa của Thủ đô. Dự án hoàn thành sẽ nâng cao khả năng kết nối giữa hồ Hoàn Kiếm với các không gian di tích lịch sử bên ngoài hồ như quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, tượng đài vua Lê và đình Nam Hương, tượng đài vua Lý Thái Tổ, đền Bà Kiệu, đền Ngọc Sơn, tháp Hòa Phong xứng tầm là di tích cấp Quốc gia đặc biệt…”.

Cải tạo phải bảo tồn giá trị văn hóa

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, với vị trí di tích quốc gia đặc biệt như hồ Hoàn Kiếm, bên cạnh ý kiến ủng hộ sẽ còn có nhiều ý kiến khác nhau, việc triển lãm lấy ý kiến của cộng đồng là rất cần thiết. Người dân sẽ thấy rõ trách nhiệm của mình và cùng tham gia góp ý vào quá trình thực hiện. Sự đồng thuận sẽ giúp cho thành phố triển khai các kế hoạch, trong đó có cả sự đồng thuận từ truyền thông và ý kiến của người dân cho hồ Hoàn Kiếm.

Mặc dù ủng hộ chủ trương cải tạo cảnh quan hồ Hoàn Kiếm nhưng ông Quốc cũng khuyến nghị cần xem xét thấu đáo mọi vấn đề để vừa phát triển khu vực hồ Hoàn Kiếm, vừa bảo tồn các giá trị văn hóa quý báu hiện có. “Hồ Hoàn Kiếm là di tích Quốc gia đặc biệt, việc xây dựng cái gì? Chỉnh trang cái gì? Cấy thêm cái gì phải hết sức thận trọng dựa trên các quan điểm của giới khoa học. Tôi rất tán thành với lãnh đạo Hà Nội đã đưa vào các yếu tố vui chơi, giải trí của người dân, phát huy giá trị lịch sử, cải tạo môi trường, không gian cho Hà Nội thu hút du khách thập phương và khách quốc tế. Chúng ta làm tốt hạ tầng cơ sở, sẽ là không gian đòi hỏi mọi người khi đến đây cần có cách ứng xử văn minh và phù hợp”, ông Quốc phân tích.

Theo phương án cải tạo, chỉnh trang gồm các hạng mục sau: Cải tạo bờ kè xung quanh hồ; chỉnh trang hè, đường dạo vườn hoa, đường dạo sát mép hồ; hệ thống thoát nước, tưới nước tự động cho các bồn hoa, thảm cỏ; cải tạo hệ thống điện hạ thế, hệ thống chiếu sáng; các không gian kết nối, các điểm dừng chân (gồm khu vực ga ngầm C9); xây dựng cột mốc Km 0; bổ sung trang thiết bị đô thị cho hồ Hoàn Kiếm.

MỚI - NÓNG