Hô biến quy hoạch: Dân Thủ Thiêm mất nhà, mất kế sinh nhai

TPO - Trong quá trình thực hiện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), nếu TPHCM tuân thủ quy hoạch ban đầu thì nhiều người dân đã không phải rơi vào cảnh mất nhà, mất kế sinh nhai. 

Căn nhà của bà Nguyễn Thị Dung được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận nhà đất vốn nằm ở vị trí mặt tiền đường Lương Định Của thuộc phường Bình An (quận 2). Nghỉ việc do mất sức lao động sau nhiều năm lăn lộn trên công trường, bà sống đắp đổi qua ngày bằng tiền cho thuê nhà trọ trên bán đảo Thủ Thiêm.

Bà Dung rơm rớm nước mắt nói: “Tôi phải vào sống trong khu tạm cư tạm bợ, hàng tháng phải trả phí quản lý hơn 140 nghìn đồng. Thân già cô quạnh không làm gì ra tiền”, bà Dung khóc.

Hô biến quy hoạch: Dân Thủ Thiêm mất nhà, mất kế sinh nhai ảnh 1 Bà Nguyễn Thị Dung có căn nhà ngoài ranh quy hoạch bị cưỡng chế tháo dỡ vào năm 2012

Ông Đặng Văn Truyền (phường Bình An) trước kia là chủ đại lý Gas Truyền. Từ ngày bị giải tỏa, từ trụ cột kinh tế, là lao động chính nuôi cha mẹ, vợ con, ông Truyền trắng tay, không nhà, và thất nghiệp.

“Nhà tôi nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng bị cưỡng chế, gia đình bị đẩy ra khu tạm cư nhếch nhác”, ông Truyền nhớ lại.

Bà Lê Thị The (ngụ phường Bình An, quận 2) còn cay đắng hơn. Bà kể chồng bà vốn là cán bộ khu phố. Biết nhà đất bị cưỡng chế giải tỏa sai nhưng ông bà khuyên bà con trong khu phố không chống đối lại lực lượng cưỡng chế nên bà bị bà con oán trách.

“Bà con đã quá khổ rồi. Nhà không có tiền phải bỏ bê công ăn chuyện làm ăn đeo đuổi khiếu kiện nhiều năm nay. Nhiều bà con đã không còn chịu nổi. Đây là mong muốn chân thành từ trái tim tôi”, bà The khóc.

Hô biến quy hoạch: Dân Thủ Thiêm mất nhà, mất kế sinh nhai ảnh 2 Bà Lê Thị The vừa bị mất nhà, vừa khổ sở sống trong sự nghi kỵ của bà con lối xóm

Ông Lê Văn Lung (ngụ phường Bình An, quận 2) nói: UBND TPHCM từng thừa nhận khu vực của chúng tôi nằm ngoài quy hoạch, nhưng không nằm ngoài ranh thu hồi. Như vậy là sai nên mới để lại hậu quả nghiêm trọng, đó là quận 2 tiến hành cưỡng chế tháo dỡ nhà chúng tôi. Hậu quả để lại cho các hộ dân bị giải tỏa oan trong dự án Thủ Thiêm khó lấy gì bù đắp được.

Trò chuyện với Tiền Phong, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê nói người dân Thủ Thiêm có cảm giác bị dồn đến chân tường bởi những thắc mắc khiếu nại chậm được các cơ quan chức năng tiếp nhận, giải quyết và phản hồi một cách thiện chí, có những trường hợp đơn thư đi không được trả lời.

Tại Kết luận Thanh tra về dự án khu đô thị Thủ Thiêm vừa được công bố chiều 7/9, Thanh tra chính phủ khẳng định khiếu nại của người dân là có cơ sở.

Cụ thể: Phần diện tích khoảng 4,3 ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An không có trong ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (phần lõi với diện tích 770 ha) được phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

Nội dung này cũng được Thanh tra Thành phố thực hiện thanh tra năm 2008 và đã có Kết luận. UBND TPHCM đã xác nhận, báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 484/UBND-ĐTMT ngày 07/9/2009.

Thanh tra Chính phủ cũng xác định UBND TPHCM căn cứ vào Quyết định số 367/TTg và Văn bản số 190/CP-NN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thu hồi 4,3 ha đất thuộc khu phố 1, phường Bình An để thực hiện một số dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là chưa đủ cơ sở pháp lý, dẫn đến, thiếu căn cứ thực hiện, không xác định đúng, đủ diện tích đất phục vụ tái định cư theo quy hoạch, cần rà soát và có giải pháp giải quyết phù hợp.

Quá trình triển thực hiện đầu tư, xây dựng dự án, UBND TPHCM và các sở, ngành liên quan đã để xẩy ra những khuyết điểm, vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi một số hộ dân sinh sống trên địa bàn, phát sinh khiếu nại gay gắt, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Cụ thể:

UBND TPHCM đã quyết định thu hồi đất đối với phần diện tích 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An để thực hiện một số dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (phần lõi với diện tích 770 ha) là chưa đủ cơ sở pháp lý, không đúng với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần sớm xem xét, có giải pháp giải quyết phù hợp.

Hô biến quy hoạch: Dân Thủ Thiêm mất nhà, mất kế sinh nhai ảnh 3 Nhà người dân Thủ Thiêm bị đập ngổn ngang, trong khi bên kia sông là trung tâm TPHCM tráng lệ với những tòa nhà cao vút

Ngoài ra, việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng có trường hợp đang khiếu nại chưa phù hợp quy định, chưa đúng thời điểm thu hồi đất, nhất là khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực.

TPHCM không có kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng nhà tái định cư trước khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Việc thực hiện còn chậm, còn một số hạn chế, bất cập, dẫn đến phát sinh khiếu nại về chế độ, chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư.

Trách nhiệm liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm nêu trên trong quá trình thực hiện dự án khu đô thị Thủ Thiêm thuộc Công ty Đo đạc Địa chính – Công trình, Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường), UBND quận 2 và UBND TPHCM.

MỚI - NÓNG
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
TPO - Diễn biến khí tượng thực tế tại miền Bắc, Thủ đô Hà Nội trong ít ngày qua duy trì ở ngưỡng nhiệt trung bình cao trên 30 độ C, cảm nhận thực tế nóng oi vào nhiều thời điểm trong ngày. Bộ phận không khí lạnh đang di chuyển về phía Nam dự báo sẽ ảnh hưởng tới khu vực trong dịp đầu tuần (18/11), biến động hạ nhiệt có thể sẽ kéo dài ít ngày.
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
TPO - Chính quyền thành phố Đà Nẵng có kế hoạch di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm để giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải tạo cảnh quan. Theo kế hoạch di dời, phần ga hành khách của ga Đà Nẵng sẽ được dời về khu vực hồ Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).