Hồ Bản Lải - 'lá chắn' giảm lũ về đích vượt tiến độ

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn kiểm tra tiến độ hồ Bản Lải
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn kiểm tra tiến độ hồ Bản Lải
Hồ chứa nước Bản Lải (Lạng Sơn) là một trong những công trình trọng điểm, là dự án chất lượng cao của Bộ NN&PTNT khi hoàn thành vượt tiến độ trước 8 tháng. Đây là công trình cắt giảm lũ cho thành phố Lạng Sơn và phụ cận, cấp nước tưới cho trên 2.000 ha. Công trình cũng tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho trên 122.000 người và cấp nước cho công nghiệp quy mô 35.470 m3/ngày đêm, kết hợp nuôi trồng thủy sản và phát điện.

Bám công trình, sáng tạo để vượt tiến độ

Hồ chứa nước Bản Lải (Lạng Sơn) là một trong những công trình lớn, trọng điểm của Bộ NN&PTNT.

Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Lạng Sơn và sự nỗ lực của chủ đầu tư và các nhà thầu tư vấn, thi công…, đến 10/6/2020 đập chính công trình đã đổ mẻ bê tông đầm lăn cuối cùng, hoàn thành vượt tiến độ trước 8 tháng.

Ông Phạm Ðông Phương, Giám đốc Ban Quản lý Ðầu tư và Xây dựng thủy lợi 2 (Bộ NN&PTNT)- chủ đầu tư, cho biết,đập Bản Lải được xây dựng trên sông Kỳ Cùng, tại địa phận huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), cách thành phố Lạng Sơn khoảng 40km.

Hồ chứa có dung tích 164,3 triệu m3 nước, thuộc loại hồ thủy lợi đa mục tiêu, là một trong những hồ chứa thủy lợi lớn nhất ở miền núi phía Bắc. Tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, thực hiện từ năm 2017 đến 2021.

Hồ có nhiệm vụ chống lũ tiểu mãn và lũ sớm, giảm lũ chính vụ cho thành phố Lạng Sơn và vùng phụ cận. Hồ cũng đảm đương cung cấp nước tưới 2.045 ha đất canh tác (trong đó tưới trực tiếp 1.671 ha và tạo nguồn cho 374 ha).

Công trình này tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho 122.000 người và cấp nước cho công nghiệp gần 35.500 m3/ngày đêm. Xả nước đảm bảo dòng chảy môi trường hạ du trong mùa khô, kết hợp nuôi trồng thủy sản và phát điện… Ðập dâng bê tông đầm lăn, cao 55,7m; chiều dài đập 372m.

Công trình đầu mối được thi công bởi Liên danh gồm 4 nhà thầu: Công ty CP Sông Ðà 5, Cty TNHH MTV Ðầu tư và xây dựng Hoàng Dân, Cty CP Lilama 10 và Trung tâm công nghệ phần mềm thủy lợi.

Trao đổi với Tiền Phong về thắng lợi rút ngắn được thời gian tới 8 tháng nói trên, ông Phạm Ðông Phương cho biết, Ban đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp: cho phép nhà thầu điều chỉnh biện pháp thi công vận chuyển vữa bê tông đầm lăn (RCC) bằng băng tải thay vì phương án bằng ô tô. Ðiều này giúp quá trình vận chuyển vữa bê tông nhanh, liên tục hơn, đồng thời đẩy nhanh được tốc độ lên đập.

Cùng đó, Ban Quản lý đã chỉ đạo sát sao, trong việc tập trung thi công 3 ca liên tục ngày đêm. Ðặc biệt, trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19, công trình đã thành lập ngay Ban chỉ đạo chống dịch tiền phương để ứng phó.

“Chúng tôi đã áp dụng nghiêm ngặt “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, thiết lập các trạm gác, bốt gác thường trực 24/24h để kiểm soát việc ra vào công trường, các công nhân, kỹ sư chỉ di chuyển trong phạm vi lán trại ở đến công trường; khi đổi ca, kíp được đo nhiệt độ, kiểm tra đeo khẩu trang, trang bị an toàn lao động… Nhìn chung, việc áp dụng tốt quy định về phòng chống dịch COVID-19 đã góp phần quan trọng duy trì đảm bảo tiến độ thi công”, ông Phương nói.

Giám đốc Ban Quản lý Ðầu tư và Xây dựng thủy lợi 2 cũng cho biết, Ban đã thực hiện tốt chế độ giao ban tuần với Ban chỉ huy công trình bằng hình thức trực tuyến, giao ban tháng tại công trường với Lãnh đạo các đơn vị. Mục đích của họp giao ban là đánh giá từng nội dung công việc theo đường găng tiến độ.

“Không cho phép chậm tiến độ do yếu tố chủ quan. Nếu do khách quan như yếu tố thời tiết, nhiệt độ môi trường…thì hôm nay thủng tiến độ, ngày mai bằng mọi biện pháp để lấp bù lại, không để tuần đó, tháng đó bị chậm kéo theo”, ông Phương nói và cho rằng: “Ban luôn quán triệt và xác định mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, kỹ, mỹ thuật công trình là tích cực hưởng ứng Phong trào thi đua “Xây dựng công trình thủy lợi đảm bảo chất lượng, vượt tiến độ thi công” do Bộ NN&PTNT phát động, đồng thời cũng lập thành tích chào mừng đại hội Ðảng các cấp, tiến tới Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII”, ông Phương chia sẻ.

Tích nước phải đảm bảo an toàn cho người dân

Công trình đầu mối hồ Bản Lải được khởi công từ tháng 10/2018, dự kiến hoàn thành vào quý 1/2021.

Theo kế hoạch của Ban Quản lý Ðầu tư và Xây dựng thủy lợi 2 và Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN&PTNT), tiến độ đề ra dự kiến tháng 11/2020 hồ sẽ tích nước.

Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc nhất thời gian qua ở Dự án Bản Lải, cũng như hầu hết các dự án khác là công tác giải phóng mặt bằng và di dân khỏi lòng hồ.

“Về khu vực xây dựng công trình đầu mối, địa phương đã hoàn thành đúng tiến độ giải phóng mặt bằng, đảm bảo cho việc thi công. Hiện vẫn còn 17 trong số hơn 300 hộ dân trong khu vực lòng hồ thuộc huyện Lộc Bình chưa di chuyển, địa phương cũng đang tích cực vận động”, ông Phương nói.

Theo ông Phương, nếu tháng 11 không di dân hết khỏi lòng hồ sẽ ảnh hưởng đến việc tích nước; phải chuyển sang tích nước vào mùa khô năm 2021, khi đó sẽ phát sinh không chỉ kinh phí mà còn rất nhiều vấn đề khác kèm theo, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết bất thuận và biến đổi khí hậu như hiện nay.

Về vấn đề giải phóng mặt bằng, một lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cũng chia sẻ, đây là một vấn đề không dễ dàng từ xưa đến nay.

Dù biết việc chậm tiến độ giải phóng mặt bằng sẽ ảnh hưởng tới tiến độ công trình, nhưng quả thực việc công trình rút ngắn tiến độ 8 tháng so với kế hoạch cũng tạo áp lực tới giải phóng mặt bằng cho địa phương.

Về tích nước, khoảng tháng 11/2020 thời điểm mùa khô, nên bắt đầu tích dần. Tuy nhiên, để tích được phải phụ thuộc rất lớn sự tích cực của địa phương trong việc thu dọn lòng hồ và di dời hết được số hộ dân còn sinh sống trong khu vực.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khi đi kiểm tra và làm việc với địa phương để thúc đẩy tiến độ cũng chia sẻ, dự án hồ Bản Lải là một trong những dự án đạt chất lượng cao của Bộ NN&PTNT, đã tích cực thi công vượt tiến độ.

Theo Thứ trưởng Hiệp, hiện  công trình được thi công đảm bảo đúng tiến độ, tuy nhiên để đưa công trình đi vào sử dụng phụ thuộc rất lớn vào chính quyền địa phương, bởi liên quan tới giải phóng mặt bằng và di dân ra khỏi lòng hồ trước khi hồ tích nước.

Năm 2019, Bộ NN&PTNT đã chuyển bổ sung 200 tỷ và đồng ý cấp bổ sung thêm 100 tỷ năm 2020 cho tỉnh Lạng Sơn, để hỗ trợ địa phương hoàn thành sớm công tác di dân, giải phóng mặt bằng, bởi đây là việc làm khó khăn, vất vả, phức tạp và tốn nhiều thời gian nhất.

“Mùa khô năm nay, tháng 11, cùng lắm là tháng 12 phải hoàn thành để tích nước. Mục tiêu lớn nhất của hồ Bản Lải là cắt lũ cho thành phố Lạng Sơn và vùng phụ cận, nên phải cố gắng tối đa để đạt được mục tiêu này trong năm 2020”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng lưu ý, khi tích nước phải có kế hoạch, kịch bản chi tiết, đề phòng những yếu tố thời tiết bất thường đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân và công trình. 

Hồ Bản Lải - 'lá chắn' giảm lũ về đích vượt tiến độ ảnh 1 Ông Phạm Đông Phương, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 2

bxx:

Những mốc quan trọng của dự án hồ Bản Lải: 
-Quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư: Số 4183/QĐ-BNN-XD ngày 17/10/2017 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. 
- Khởi công xây dựng 20/10/2018. 
- Công trình vượt tiến độ 8 tháng (Đổ mẻ bê tông RCC cuối ngày 10/6/2020). 
- Tiến độ giải ngân 1.301 tỷ đồng với hợp phần xây dựng, trong đó 9 tháng đầu năm 2020 đạt 278 tỷ đạt 68%.

Hồ Bản Lải - 'lá chắn' giảm lũ về đích vượt tiến độ ảnh 2 Hồ chứa nước Bản Lải (Lạng Sơn) là một trong những công trình lớn, trọng điểm của Bộ NN&PTNT, hoàn thành vượt tiến độ trước 8 tháng
MỚI - NÓNG