HLV Philippe Troussier dẫn dắt Nhật Bản trong 4 năm từ năm 1998 đến năm 2002. Trong thời gian này, ông giúp Nhật Bản vô địch Asian Cup năm 2002 và dẫn dắt đội tuyển nước này thi đấu ở World Cup 2002. Tuy nhiên, ông Troussier lại không được lòng truyền thông xứ sở mặt trời mọc vì tính cách có phần bốc đồng và không tinh tế như văn hóa Á Đông.
Cụ thể, HLV Troussier hay có thói quen hét vào mặt cầu thủ không thương tiếc, thậm chí còn có những 'động từ mạnh' trước đám đông. Theo tờ New York Times, tháng 4/ 2001, HLV Troussier đã từng xô một cầu thủ Nhật Bản là Ryuzo Morioka và bảo anh này biến đi. Bị sỉ nhục trước đám đông, cầu thủ này cởi giày ném vào HLV Troussier. Tuy nhiên, điều bất ngờ là nhà cầm quân người Pháp không để bụng và tiếp tục sử dụng Morioka trong trận đấu tiếp theo.
Trong quá trình huấn luyện, HLV Troussier thường có nhiều hành động thân mật với các cầu thủ như xoa lưng, hôn lên má. Ở Nhật Bản, những hành động công khai kể trên không phù hợp với văn hóa nước này. May mắn là ở Việt Nam, văn hóa cởi mở hơn. Trong quá khứ, HLV Park Hang-seo cũng thân mật với các cầu thủ và có những hành động tình cảm như cha con. Điều này đã giúp tăng tính gắn kết giữa HLV và các cầu thủ.
HLV Troussier cũng có những phát biểu gây sốc thời còn làm HLV đội tuyển Nhật Bản. Theo đó, ông còn tự nhận mình 'là một vị tướng quân Nhật Bản tái sinh mang tên Philippe Troussier, người có nhiệm vụ đánh thức sức mạnh ẩn chứa bên trong các cầu thủ Nhật Bản. Truyền thông Nhật Bản cho rằng chiến lược gia người Pháp quá kiêu ngạo.
Có thể thấy, HLV Troussier có những điểm gì thường nhưng quan trọng là vẫn giúp bóng đá Nhật Bản tiến bộ. Kinh nghiệm làm việc ở Nhật Bản về sự khác biệt văn hóa, cũng như thời gian làm việc cùng U19 Việt Nam, chắc chắn sẽ giúp HLV Troussier tiếp cận dễ hơn với văn hóa Việt Nam và hướng đến những thành công trong tương lai.