- Mới đây, tiền vệ Sarach Yooyen nói cầu thủ Việt Nam thường dính bẫy vì quá khao khát thắng Thái Lan. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
- Câu này đúng. Cầu thủ của chúng ta khi đối đầu với họ thường bị căng cứng tâm lý, dẫn tới không thể hiện được hết mình dù trình độ không thua kém nhiều. Theo cá nhân tôi thì còn một yếu tố khác khiến chúng ta hay gục ngã trước Thái Lan là độ thực dụng. Trong trận đấu, có cơ hội là đối thủ tận dụng được, biến thành bàn thắng, trong khi cầu thủ Việt Nam thường đá hỏng.
- Vấn đề này, theo ông, xuất phát từ đâu?
- Tôi cho rằng đây là lỗi hệ thống đào tạo. Các trung tâm đào tạo trẻ của Việt Nam đa số chưa trau chuốt hết cỡ cho các cầu thủ trẻ. Đừng bao giờ nghĩ rằng đào tạo như hiện nay là khá rồi, và chờ đợi khi trưởng thành, được thi đấu nhiều các cầu thủ sẽ tự hoàn thiện. Ngay từ bé, các cầu thủ phải được chỉnh sửa từng pha bóng một cách kỹ càng. Ngoài ra chúng ta chỉ luyện nhiều về kỹ năng chứ chưa để ý nhiều đến các vấn đề về tâm lý.
- Ông đánh giá thế nào về một năm đã qua của bóng đá Việt Nam?
- Năm nay, giấc mơ vàng SEA Games của bóng đá nam một lần nữa tiêu tan, thậm chí bị loại ngay từ vòng bảng. Ở sân chơi U20 World Cup, chúng ta cũng không tạo được đột biến - dù đó là điều được dự đoán trước. Tuy nhiên, vẫn còn đó những nét khởi sắc, những tín hiệu tích cực để kỳ vọng trong tương lai không xa.
Đó là việc có tới sáu đội tuyển lọt vào vòng chung kết châu Á, điều mà Thái Lan và nhiều nước trong khu vực không có được. Đặc biệt trong số đó có các đội trẻ như U16, U19, U23… Hệ thống các trung tâm đào tạo trẻ Việt Nam đang ngày càng tăng lên về số lượng. Điển hình như PVF, HAGL, Nghệ An, Trung tâm đào tạo trẻ VFF… Có thể nói, bóng đá Việt Nam đang được chú trọng đầu tư vào đào tạo trẻ và bắt đầu cho trái ngọt. Đó là nền móng cho các đội tuyển quốc gia. Quan trọng là chúng ta phải tiếp tục duy trì được sự thành công đó.