3 lần cấp cứu vì bóng cười
Có mặt tại Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai, chúng tôi gặp T. (23 tuổi) đang điều trị vì ngộ độc khí cười (N2O). T. 23 tuổi, dáng người cao to, tóc nhuộm màu nâu, đeo khuyên tai. Đây là lần thứ 3 cậu được đưa vào đây điều trị. Lần đầu cách đây 2 năm, khi đó, T. được đưa vào trung tâm trong tình trạng rối loạn lo âu sau một thời gian chơi bóng cười. “Đó là lúc em buồn chán vì chuyện tình cảm. Em lên bar chơi, ngồi uống rượu thì được nhân viên mời bóng cười. Hôm đó em không nhớ hút bao nhiêu quả nhưng thấy rất “phê”, T. kể.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai nói về tác động của khí cười lên hệ thần kinh |
Kể từ đó, cứ mỗi khi có chuyện không vui, T. lại tìm đến bóng cười để giải tỏa buồn phiền. Rồi cả những khi vui, nhóm của T. lại rủ nhau đi chơi bóng cười. “Những lần đầu, em hút chỉ vài quả là đã thấy phê. Nhưng mỗi lần đi chơi số lượng bóng cứ tăng dần. Có buổi, em phải hút đến hàng chục quả mới thấy đủ”, T. chia sẻ. Sau nhiều ngày chơi bóng cười liên tục như thế, T. phải nhập viện để điều trị vì ngộ độc. Lần thứ 2, T. nhập viện trong trạng thái gần như bị liệt, không thể đi lại hoặc cầm nắm thứ gì. Em còn bị ảo giác vì còn nghe thấy tiếng ai đó nói trong đầu. “Trong gần một tháng điều trị, em đã rất sợ. Lúc đó, em quyết tâm không bao giờ sử dụng bóng cười một lần nào nữa”, T. kể.
Khí cười có cơ chế lạm dụng phần nào giống với ma túy. Khí này là chất tác dụng lên thần kinh tâm thần rất mạnh giống như nhóm ma túy Heroin (nhóm Opiat). Qua thực tế sử dụng, liều lượng sử dụng sau sẽ tăng hơn trước. Vì thế có chuyện, một người chơi lần đầu từ một hai quả, rồi đến chục quả, thậm chí mấy bình một ngày. Đây là lý do nhiều người lúc đầu chỉ sử dụng bóng cười cho vui, cho rằng vô hại vì hết cười lại bình thường. Nhưng sau khi dùng thường xuyên có thể bị ảo giác, gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.
T. chia sẻ, bản thân không nghiện bóng cười vì không thấy thèm, hay nhớ đến nó. Nhưng như một thói quen, mỗi khi có chuyện gia đình em lại quay ra sử dụng bóng cười để xả stress. Và đây là lần thứ 3 T. phải vào đây điều trị vì chơi bóng cười, chân đứng không vững. Nhưng khi chúng tôi hỏi: Có dám chơi bóng cười nữa không?, T cũng không dám chắc mình có bỏ được bóng cười hay không.
Tác hại như ma túy
Trao đổi với phóng viên, TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những trường hợp ngộ độc khí N2O như T. xảy ra ngày càng nhiều. Tại đây, tuần nào cũng có vài bệnh nhân nhập viện điều trị vì ngộ độc khí cười. Những bệnh nhân này, khi đến viện đã phát ra các biểu hiện bắt đầu từ tê bì ở ngón tay, ngón chân, dần lan dần về phía thân mình. Có trường hợp nặng, bệnh nhân bị tê bì toàn thân. Điều này dần dẫn đến trạng thái liệt, như đi lại không vững, lao động nặng không làm được, hoặc thậm chí, có bệnh nhân còn không ngồi được. Cuối cùng, khi bệnh tình trở nặng hơn nữa, sẽ dẫn đến dấu hiệu mê loạn chức năng sống, như khó thở, không thể làm những hoạt động sinh hoạt cơ bản.
Nhiều thanh niên tìm đến bóng cười như một thói quen vì nghĩ sẽ không nghiện |
Theo TS. BS Nguyên, để điều trị ổn định thường mất khoảng từ 1-2 tuần. Các bệnh nhân này không phải dùng bóng cười một lần mà phát bệnh mà hầu hết là sử dụng hàng tuần, mỗi lần hàng chục quả bóng cười. Thậm chí, có người sử dụng hết cả một bình khí cười. Khi đã sử dụng lâu năm, những người này có xu hướng kết hợp với những chất ma túy khác. “Khi ngộ độc khí cười sẽ dẫn đến bị liệt toàn thân vì não và tủy sống bị tổn thương. Đặc biệt, tủy sống bị tổn thương nặng nhất. Đây là phần dẫn truyền thần kinh từ não, là nơi dẫn truyền hưng phấn từ các đường thần kinh cảm giác đến các cơ quan vận động, dẫn truyền về điều khiển, vận động, cảm giác và dinh dưỡng. Chức năng của cơ quan bị tổn thương bắt đầu từ cổ trở xuống. Chân tay không đi lại được, không cầm nắm được, sau đó là cơ bị ảnh hưởng. Không chỉ vậy, có một số trường hợp rối loạn đại tiểu tiện, rối loạn ruột, tổn thương trên não, một số bệnh nhân có biểu hiện của rối loạn tâm thần. Những thay đổi khác như thiếu máu, giảm tế bào máu không phải là không có”, TS. BS Nguyên cho hay.
Theo TS.BS Nguyên, những bệnh nhân vào điều trị đến 3, 4 lần nhưng khi được điều trị, chống độc hết những biểu hiện lâm sàng đó, họ sẵn sàng “chơi” lại. Nhưng những tổn thương hệ thần kinh đó chưa chắc sẽ hồi phục hoàn toàn, nó có nguy cơ để lại di chứng và gây khó khăn trong điều trị khi bệnh tình trở nặng hơn.
Chỉ vào hình tổn thương tủy sống của một bệnh nhân, BS Nguyên giải thích: “Một bệnh nhân nhồi máu não, trên phim chụp chỉ bị 1 chấm nhỏ, 1 đến 2 phân là nhiều. Nhưng bệnh nhân ngộ độc khí cười thì tổn thương đều, không phải cục bộ, không chỉ bị một bên mà còn 2 bên. Vùng trắng tinh (chất trắng) bị tổn thương do sử dụng khí cười gần như bị một nửa tủy sống”.